07/02/2014 08:26 GMT+7

Chợ phiên đồ xưa của người Hà Nội

MẪN TIÊN
MẪN TIÊN

TT - Dưới những hàng cây xum xuê lá, hơn 30 sạp hàng được bày ngay ngắn. Đồ bày bán chủ yếu là những vật dụng xưa cũ, có khi chỉ là những đồ đã hết giá trị sử dụng. Đó chính là phiên chợ buôn “hồn muôn năm cũ” nổi tiếng của người Hà Nội.

ARjeC6U6.jpgPhóng to
Các gian hàng đồ xưa trong chợ phiên - Ảnh: Mẫn Tiên

Cứ vào sáng thứ bảy cuối tuần, con ngõ nhỏ đầy rêu phong, cổ kính ở 456 Hoàng Hoa Thám lại nhộn nhịp người qua lại. Mỗi đồ vật được bày bán ở chợ giống như một mảnh ghép ký ức nhỏ về một thời đã qua. Chợ rộng chừng 500m2, nằm gọn trong khuôn viên của Lư trà quán. Chợ bày bán đủ thứ đồ cổ, đồ xưa, các đồ vật tưởng như đã trôi vào dĩ vãng như bình bi đông đựng nước cũ mèm, đồng hồ quả lắc, quạt con cóc, ấm chén, cơi đựng trầu, búa, đồ gốm sứ, những tờ tiền cổ, những bức ảnh cũ, cái bát sứt, đèn dầu Hoa Kỳ, đồng hồ họa mi, đèn pha lê... Chúng có tuổi đời có khi đến hàng trăm năm.

8g sáng, chợ đã đông nghịt người mua, tham quan. Khách đến với chợ phiên đồ xưa cũng đủ mọi lứa tuổi, người lớn tuổi tìm đến chợ để mua những vật dụng gắn liền với ký ức tuổi thơ, trong khi lớp trẻ tìm đến chủ yếu để tìm hiểu về các vật dụng mà thế hệ ông cha mình sử dụng. Đặc biệt chợ quy tụ rất nhiều người ham mê đồ cổ lâu năm, họ không hề xem trọng bán được hàng hay không, lời lãi bao nhiêu mà chủ yếu là giao lưu, học hỏi kinh nghiệm “soi đồ cổ”.

Dù công việc ổn định là một kế toán trưởng của một công ty ở Khu công nghiệp Thăng Long nhưng sáng thứ bảy nào anh Trung cũng dậy thật sớm lóc cóc chở hàng ra chợ bán. Sạp hàng của anh chủ yếu bày bán các sản phẩm gia truyền: đồ gốm sứ, bát, thìa nhôm, tiền xu cổ, lư đồng... Hàng bán chẳng được là bao nhưng đối với anh Trung, nhờ khoảng thời gian giao lưu với những người yêu đồ cổ, đồ xưa ở chợ, anh mới thấy hết được giá trị của những vật mà mình đang nắm giữ.

Trên tay cầm chiếc thắt lưng da đã bạc màu, sờn cũ vừa mua với giá 200.000 đồng, bác Huy cười sảng khoái giữa chợ vì “cuối cùng cũng tìm ra chiếc thắt lưng thời trai trẻ”. Bác kể: “Đó là món quà mà đồng đội đã tặng tôi ngoài chiến trường ngày ấy bị thất lạc. Tôi tìm về đây, mua chiếc thắt lưng gần giống để tự nhắc mình về tình bạn thiêng liêng trong chiến tranh”.

Thế đấy, mỗi đồ vật được bày bán ở chợ là một câu chuyện về ký ức, tình yêu, tình bạn, những năm tháng tuổi thơ.

Mặc dù chỉ mới được thành lập ngày 8-6 nhưng chợ phiên đồ xưa giống như một cuộc “offline” về văn hóa của giới ham mê đồ cổ. Anh Kiều Quốc Khánh, người sáng lập chợ phiên đồ xưa này, cho biết chợ mang những nét đặc trưng của không gian hoài niệm, đó là một Hà Nội cổ xưa đẹp mộc mạc, giản dị khác hẳn với một Hà Nội xô bồ ngoài kia.

Chợ được họp từ 7g sáng đến 16g30 và ngày càng được mở rộng, nhiều người từ Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hải Phòng... cũng về chợ giao lưu, buôn bán. Việc ra vào tham quan, chỗ ngồi, bàn ghế là hoàn toàn miễn phí. Đặc biệt, mỗi tháng chợ phiên còn tổ chức đấu giá một sản phẩm đồ cổ để góp tiền giúp đỡ các bệnh nhân nghèo.

MẪN TIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên