16/07/2024 08:42 GMT+7

Chớ 'nhầm lẫn' thông tin, hình ảnh du lịch

Việc đăng nhầm hình ảnh di tích lịch sử nước ngoài thành di tích của Việt Nam để quảng cáo cho thấy những người làm du lịch cần thận trọng hơn trong việc thuyết minh đến với du khách.

Du khách nước ngoài thông tin sai về văn hóa, lịch sử Việt Nam khi nói về di tích Đại nội Huế - Ảnh: K.N.

Du khách nước ngoài thông tin sai về văn hóa, lịch sử Việt Nam khi nói về di tích Đại nội Huế - Ảnh: K.N.

Bởi không chỉ là trách nhiệm mà còn là ứng xử với lịch sử, lòng tự tôn dân tộc...

1. Tôi đã giật mình khi xem một video clip trên TikTok gần đây. Người nước ngoài thông tin "nhầm lẫn" tai hại về lịch sử Việt Nam. Thật trùng hợp kỳ lạ, cũng là tại Đại nội (Huế) - nơi vừa xảy ra việc một hướng dẫn viên được cho "đăng nhầm" ảnh Cố Cung của Trung Quốc khi quảng cáo tour du lịch.

Trong video, đến nơi có bục đá người xưa "xuống ngựa", nữ du khách này nói: "... Việt Nam được thành lập vào năm 1945. Khi đó, chữ Hán mới chính thức bị bãi bỏ. Nghĩa là trước năm 1945, họ luôn sử dụng ký tự Trung Quốc...".

Cô này còn nói rất sai rằng: "Cho đến năm 1945, họ (Việt Nam) chính thức thành lập đất nước là Việt Nam Cộng hòa" (đúng ra phải là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

Đến thăm hoàng cung còn lại duy nhất tại Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới (1993) - nơi lưu giữ giá trị nghệ thuật về quy hoạch, kiến trúc và trang trí, cô này cho rằng công trình kiến trúc nước ta hoàn toàn sao chép. 

Và cô khuyên khách du lịch chỉ nên đến xem qua loa là được (!?). Thật khó lòng để một người xem Việt Nam bình thường không phản ứng với nội dung video kiểu này.

2. Năm 2022, tôi đến Óc Eo (huyện Thoại Sơn, An Giang) tham quan di tích lịch sử chùa Linh Sơn (Linh Sơn cổ tự), thấy trong khuôn viên chùa có bảng thuyết minh bằng tiếng Việt và tiếng Anh ghi chùa được thành lập năm 1923. Trong khi xem qua thông tin trên trang mạng nơi quản lý di tích lại thấy ghi được xây dựng năm 1912.

Tôi gọi đến số điện thoại để lại trên di tích thắc mắc thì tôi được giải thích rằng bảng thuyết minh bị nhầm lẫn. Chi tiết chùa thành lập năm 1912 là chính xác. Nếu không tra cứu thông tin, du khách sẽ bị nhầm lẫn mà không biết.

3. Thật không hay khi để xảy ra bất cứ nhầm lẫn, sai sót thông tin hay hình ảnh về các di tích lịch sử. Nếu không kịp thời điều chỉnh sai sót, có thể cứ thế thêm lan xa trong thời đại mạng xã hội phát triển. Không chỉ khách du lịch đăng tải sai thông tin, hình ảnh. Những người chuyên review các địa điểm du lịch nổi tiếng cũng có sai, sai sót được lặp đi lặp lại, được nhiều người xem, chia sẻ gây tác hại nặng nề, khó kiểm soát.

Các điểm tham quan, công ty quản lý và hướng dẫn viên cần thể hiện cao trách nhiệm với những thuyết minh bằng ngôn ngữ, hình ảnh đưa ra. Còn với những hoạt động liên quan đến du khách quốc tế, thiết nghĩ còn là thể hiện trách nhiệm công dân và cả lòng tự tôn dân tộc.

Đã có những vụ "nhầm lẫn" tai hại khác từng được phát hiện khi hướng dẫn viên nước ngoài nói sai (hoặc bịa đặt) thông tin về nhân vật lịch sử nước ta. Thậm chí có trường hợp "nhầm lẫn" khi nói về chủ quyền, lãnh thổ ngay tại di tích lịch sử.

Cởi mở, thân thiện với du khách nhưng cũng cần cứng rắn, nghiêm khắc với những vụ đưa thông tin sai về điểm đến du lịch, nhất là với những vụ người Việt thông tin sai lịch sử - văn hóa nước nhà.

Rà soát hướng dẫn viên Hàn Quốc làm ‘chui’ ở Đà LạtRà soát hướng dẫn viên Hàn Quốc làm ‘chui’ ở Đà Lạt

Công an tỉnh cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phối hợp rà soát người Hàn Quốc làm hướng dẫn viên du lịch “chui” trên địa bàn TP Đà Lạt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên