04/11/2014 09:03 GMT+7

​Chờ ngày tỏa sáng cùng kịch

VÂN ANH
VÂN ANH

TT - Một chàng trai trẻ 23 tuổi, tốt nghiệp cử nhân ÐH Kinh tế TP.HCM lại từ chối một vị trí công việc ổn định từ gia đình, tay không dấn thân vào con đường khởi nghiệp nhiều thử thách.

Phạm Vũ Kiên (ngồi giữa) và nhóm diễn viên trẻ thảo luận kế hoạch cho những vở kịch tiếp theo - Ảnh: Khoa Nguyễn

Chọn lựa của chàng trai trẻ là lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, với hướng đi khác biệt là lập sân khấu kịch dành cho những diễn viên trẻ.

Chàng trai đó là Phạm Vũ Kiên, giám đốc sân khấu kịch Tâm Ngọc (TP.HCM).

Mở đường cho diễn viên trẻ

Cơ duyên đưa Kiên đến với kịch từ một dịp tình cờ khi bạn bè mời tham dự buổi làm khóa luận tốt nghiệp lớp kịch nói. Mới đầu Kiên cũng không hứng thú với kịch và nghĩ kịch rất nhàm chán.

Nhưng sau lần được xem trực tiếp vở diễn của những diễn viên trẻ, Kiên cảm nhận sâu sắc những cảm xúc chân thật từ cuộc đời nhân vật qua lối diễn xuất của những diễn viên trẻ.

Khi tiếp xúc với các diễn viên trẻ, Kiên thấy họ luôn lo lắng bởi lý do khó sống được với nghề, nhiều người có ý định bỏ nghề vì mình là người mới khó cạnh tranh được với những tên tuổi nổi tiếng, đất diễn ở các sân khấu quá chật chội...

Mô hình của kịch Tâm Ngọc rất đáng khuyến khích, nó có phần thành công bởi chí hướng kiến tạo nên môi trường cho diễn viên trẻ đam mê với nghề và có tài năng được thể hiện mình.

Các bạn diễn viên trẻ có sự cầu tiến khi làm việc và đã xây dựng được những kịch bản đề tài gần gũi cuộc sống, thu hút giới trẻ.

Để đến với nghệ thuật kịch chuyên nghiệp, được sự ủng hộ của khán giả hơn nữa thì các bạn cần có thời gian hoàn thiện và nếu được sự hỗ trợ thêm từ những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề thì mô hình này rất có triển vọng.

Đạo diễn - NSƯT
TRẦN MINH NGỌC
 (cố vấn chuyên môn cho sân khấu kịch Tâm Ngọc)

Tình yêu với kịch cứ lớn dần từng ngày khi Kiên theo dõi thường xuyên những vở diễn, trao đổi với những người làm nghề lâu năm và nhận thấy tâm huyết, tài năng của các diễn viên trẻ.

“Ðất diễn nào cho lớp diễn viên trẻ có năng lực và yêu nghề? Chỉ vì họ là những người trẻ về tuổi đời và tuổi nghề, chỉ vì không có người đỡ đầu... mà họ phải chấp nhận dừng lại thì có quá uổng phí?” - Kiên tự đặt câu hỏi.

Nghĩ vậy, Kiên quyết định từ chối một công việc nhẹ nhàng mà gia đình sắp đặt sẵn để bắt tay vào khởi nghiệp với kịch.

Anh quyết tâm tạo dựng một nơi diễn đàng hoàng để các bạn trẻ được thể hiện tài năng của mình và có cơ hội tiến xa hơn với nghề.

Anh lấy hết khoản tiền tiết kiệm được, vay mượn thêm rồi tập hợp nhóm chỉ bảy diễn viên trẻ, bắt đầu gầy dựng nên kịch Tâm Ngọc vào giữa năm 2012.

Sau khi tìm hiểu kỹ, Kiên tính bước đầu tiên là xuất phát từ loại hình kịch - cà phê, chọn địa điểm là cà phê sân thượng siêu thị Maximark Cộng Hòa, do mô hình kịch - cà phê có những lợi thế là tạo sự ấm cúng, gần gũi giữa khán giả với diễn viên mà không đòi hỏi kinh phí quá lớn.

Tuy nhiên điểm hạn chế là nhóm diễn sẽ bị phụ thuộc nơi diễn, không có sự ổn định và xét về lâu dài không có tương lai nên khi hội đủ điều kiện cần chuyển sang loại hình kịch sân khấu.

Giữa năm 2014, khi đã có một lượng khách ổn định Kiên quyết định chuyển hướng đi cho kịch Tâm Ngọc sang hoạt động theo mô hình sân khấu kịch.

Mang kịch đến mọi người

Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp, Kiên kể: “Suất diễn đầu sau khai trương chỉ có... bốn khách, những suất tiếp theo chỉ khoảng chục khách”.

Dù ít khán giả nhưng nhóm vẫn diễn hết mình. Giám đốc và những diễn viên đều là người đa năng khi vừa đảm nhận vai trò tiếp cận từng “khách hàng kịch” để tìm hiểu nhu cầu của họ, đi phát tờ rơi, bán vé dưới dạng voucher, điều chỉnh kỹ thuật và ánh sáng...

Một thời gian kiên trì nỗ lực, số lượng khách đến xem kịch đã kín 80 ghế rồi cứ thế tăng dần. Có những lần nhóm bị lấy lại mặt bằng biểu diễn, gia đình Kiên gây áp lực..., không nản chí, anh vẫn luôn cố gắng để vực dậy tinh thần cho nhóm.

Kiên nhận ra một trong những nguyên nhân khiến nhiều người không mặn mà với kịch vì đây là hình thức giải trí còn được xem là khá “xa xỉ” khi tình hình kinh tế khó khăn, hầu như ai cũng phải thắt chặt túi tiền chi tiêu.

Ðã mang trong mình tình yêu lớn với kịch, ông chủ trẻ lại suy nghĩ tìm cách đưa kịch đến gần hơn với mọi người.

Kiên nghĩ ra ý tưởng “Sân khấu kịch thông minh”. Với giá vé một suất kịch chỉ 10.000 đồng, sau khi xem xong chính khách hàng được tự ý trả tiền theo mức độ cảm nhận của mình về chất lượng vở diễn, nếu khách hàng không hài lòng có thể góp ý và không trả tiền.

Một thùng “lì xì” được đặt ngay bên ngoài cửa rạp để khi kết thúc vở kịch, khán giả tùy theo khả năng tài chính và mức độ đánh giá mà bỏ tiền.

Nói về ý tưởng sáng tạo đầy mạo hiểm này, Kiên cho biết:

“Mong muốn của Kiên và nhóm diễn là trao quyền văn hóa đánh giá sản phẩm cho người dùng để được nhận về sự minh chứng cho chất lượng vở diễn. Trên hết là tạo ra nơi giải trí lành mạnh cho mọi người và định hướng giá trị chân - thiện - mỹ cho giới trẻ”.

Ðảm đương vị trí giám đốc của một sân khấu kịch, là ông bầu của hơn 20 diễn viên, thế nhưng khán giả khi đến xem kịch đều thấy Kiên tất bật với công việc bán vé, hướng dẫn khách, loay hoay điều chỉnh âm thanh và ánh sáng.

Kiên cười bảo: “Vì các bạn diễn viên trẻ đã khơi nguồn cho Kiên đến với tình yêu kịch nói, đã tin tưởng vào Kiên và khán giả cũng đã ủng hộ, thì mình phải là bệ đỡ cho những tên tuổi hôm nay phát huy tài năng và sẽ tỏa sáng vào ngày mai. Những ai chưa yêu kịch sẽ có sự hiểu biết về nghệ thuật kịch nói, sẽ yêu kịch và có điều kiện thưởng thức nhiều hơn”.

VÂN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên