Chờ ngày suối thơm

NGUYỄN HÀNG TÌNH 07/10/2011 08:10 GMT+7

TTCT - Người bạn nghèo ở hạ nguồn con suối miền Thượng, vì mang hồn văn nhân nên dựng một chiếc lều con dã chiến lút sau nhà nơi có con suối chảy qua để ra đấy ngồi nghe suối reo, cho những lúc cần an lành mơ tưởng.

Đến độ cái tấm ván lên màu rêu phong làm chỗ ngồi anh phải cố đặt thò một chút ra để nhìn thật rõ dòng nước chảy bên dưới mới chịu. Nỗi thèm khát “hoang dã”!

Phóng to
Phần hạ lưu của dòng suối Đại Lào còn lại chút thiên nhiên - Ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Nhưng mà tội cho bạn, cái anh gọi là suối kia, giờ gọi đúng tên chỉ là một cái cống, cứ nhỏ dần, nhỏ dần, và bêtông dần khi chảy qua mỗi đoạn phường phố, cho dù gốc gác nó lừng lững là con suối, mạch nguồn chính chảy xuyên qua lòng B’lao để đổ về sông Đại Bình trước khi hòa vào dòng La Ngà dưới kia. Rõ đã thành cống, nhưng người B’lao vẫn cứ nặng tình trìu mến gọi nó là suối, suối Đại Lào.

Trong lòng anh bạn văn sĩ của tôi, mà cũng có thể như bao người B’lao khác, con suối vừa sống cuộc đời một khe sâu, vùng trũng nhất của một dải núi đồi sơ nguyên một thuở, vừa sống cuộc đời hứng dẫn nước thải của một đô thị nên nó cứ thơ mộng phờ phạc, không đều.

Cứ mỗi lần ghé bạn, đều nhận ra anh chơi trò “du kích” với tâm hồn mình: khi nào thác “thơm”, trong vùng có mưa, là lẳng lặng ra bên dòng suối hồn xác bạc phơ này mà ngồi suy tư, nghe tiếng suối. Còn ngày nào “mùi đô thị” ngát trời thì thu mình trong nhà, là cách để giữ cảm xúc tinh khôi về dòng suối sơn cước dấu yêu. Con suối dài quá chục cây số, kể từ xóm Sình nằm giữa thành phố Bảo Lộc chảy về, nhưng không biết có bao nhiêu cư dân có kiểu gửi gắm tình yêu suối như anh chàng văn nhân này?

***

Giữa buổi đô thị hóa, những con suối tự nhiên trong một miền đất bỗng trở thành không gian xa xỉ... Khi mà nhìn đâu cũng bêtông, sắt thép di động, sắc màu vỗ vào tai mắt, thì hoang vu là cõi lắng, nhắc nhở cho cảm giác sống chậm lại. Anh chàng văn nhân tỉnh lẻ đạm bạc kia cứ “du kích” với cảm xúc của mình, nhưng thiên hạ mấy ai không muốn sở hữu những con suối mát lành (suối thật chứ không phải suối ở hòn non bộ nhé!).

Từ đó, những con suối cứ vậy được người đời “đoạn” ra, phân khúc, phân lô, cát cứ cái mạch nguồn chung của xứ sở. Không khó hiểu khi vài phút chim bay, ngay bên trên nơi bạn nghèo tôi sống, cũng dòng suối Đại Lào, người ta bắt đầu ngăn lập ao, rào giậu lưới B40 để sở hữu những mảng phần mặt nước, khúc suối chảy qua. Xu thế ăn nhậu bây giờ cũng đòi “sinh thái” và “hoang dã”, nên suối bị chặn lại liên tục đến tức ngực.

Những chỗ “hoang dã” xa xỉ như thế nông dân B’lao chắc khó mà bước vào, vì phải hái hai tạ trà búp tươi bán mới đủ cho một cái lẩu ba ba. Nhưng có một cái họ thuộc mười mươi là dòng suối từ ngày “đô thị hóa” nước đen hơn, nặng mùi hơn, khó tưới cây hơn. Và chắc chắn các làng người Châu Mạ nằm về hạ lưu hơn nữa, dưới chân núi Đại Bình, cảm nhận còn rõ hơn những gì khác biệt trong từng giọt nước của dòng suối lâu đời chảy qua quê hương họ.

***

Anh chàng văn nhân đồng bằng tha phương tá túc cao nguyên kia ngồi đấy mà chờ những ngày suối “thơm”. Không biết những lúc ngồi thẩn thơ bên dòng suối đó, anh có nhận ra chính căn nhà anh cũng là kẻ góp phần làm “biệt xứ” dần con suối cổ xưa Đại Lào. Mà không chỉ B’lao đâu. Trên miền Thượng ngày nay, không thiếu những con suối trong lòng những phố núi khác là Pleiku, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Kon Tum, Gia Nghĩa... bị đô thị đoạt hồn.

Đài truyền hình quốc gia báo hôm nay vùng nam Lâm Đồng có mưa, không biết anh chàng văn nhân gầy gò kia có ra nghe suối reo!?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận