16/02/2019 22:41 GMT+7

Chờ một tuyển tập ca khúc Trần Tiến

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

TTO - Đọc tản văn Tống cựu nghinh tân của Trần Tiến (Tuổi Trẻ ngày 27-1-2019), tôi thật ngạc nhiên khi biết người nhạc sĩ nổi tiếng này chưa hề in một tập nhạc nào của riêng ông.

Chờ một tuyển tập ca khúc Trần Tiến - Ảnh 1.

Hai bài hát của Trần Tiến đã xuất bản ở hình thức nhạc tờ: Ngọn lửa Cao nguyên (NXB Văn hóa, 1986) và Tạm biệt chim én (NXB Trẻ, 1992) - Ảnh: THÁI LỘC

Tôi vội lục tìm trong ngăn nhạc của tủ sách nhà mình thì quả đúng như vậy: bên cạnh những tập nhạc của các nhạc sĩ mà tôi sưu tầm được, Trần Tiến chỉ có những bản nhạc tờ in khổ nhỏ: Tạm biệt chim én, Tóc gió thôi bay, Thành phố trẻ…

Hồi 1988, ở Moskva, tôi nhận được tờ báo Văn Nghệ đặt mua từ Hà Nội, sửng sốt đọc ca từ của ba bài hát như ba bài thơ của Trần Tiến, một Trần Tiến dữ dội mà thật đời, thật bụi. Người du ca Trần Tiến làm người yêu nhạc nhớ đến V. Vysotsky và Bob Dylan trong thế giới đang chao đảo này. 

Hồi đó, Việt Nam vừa đổi mới, giới văn nghệ hay nói đến chức năng dự báo; nhóm Du Ca Đồng Nội của Trần Tiến không dự báo những ngày mai được tô hồng mà dự báo những chấn động của xã hội và chấn thương trong lòng người. 

Khi nghe Hồng Ngọc hát Trần Tiến ở nhà một người bạn, tôi nghĩ những ai chỉ mới biết một Trần Tiến trữ tình (Chị tôi, Chiếc vòng cầu hôn, Tùy hứng lý qua cầu…) và trầm hùng (Giai điệu Tổ quốc, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Ngọn lửa cao nguyên…), mà không biết Trần Tiến thao thức thế sự (Rock đồng hồ, Trần trụi 87, Ý nghĩ trong phòng hải quan…) thì quả là thiệt thòi.

Nhưng tại sao Trần Tiến không in nhạc tập? Ông không muốn hay các nhà xuất bản không chịu đầu tư? Từ thời Đổi Mới, thị trường xuất hiện nhiều tập nhạc của Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Phú Quang, Trần Quang Lộc, Vũ Đức Sao Biển…; gần đây hơn là Phạm Duy, Vũ Thành An. 

Ở miền Nam trước 1975, nhạc tập và nhạc tờ là cách hiện diện và đi vào đời sống văn nghệ của các nhạc sĩ, trước khi được thâu băng thâu đĩa. Có người chỉ cần bán cho nhà xuất bản một ca khúc đặc sắc cũng đủ tiền sống nửa năm.

Những bản nhạc đó quý đến mức bây giờ nhìn thấy hình ảnh trên các chương trình Giai điệu vàng, Người kể chuyện tình, Tình khúc vượt thời gian… như những của hiếm. Tôi hay đi hiệu sách cũ, thấy người ta mua một bản nhạc cũ như vậy giá 80 đến 100 ngàn đồng và bán lại cho người sưu tầm 150 ngàn. Còn các tập nhạc thì giá đến cả triệu đồng, có chữ ký tặng của tác giả giá sẽ tăng gấp đôi. 

Trịnh Công Sơn là người chăm chút những tập nhạc của mình, với tranh bìa và phụ bản rất đẹp, in cả vạn bản trên giấy croquis. Ông còn tự xin giấy phép ấn hành các nhạc phẩm ấy với tên nhà xuất bản Nhân Bản không đụng hàng.

Nhạc sĩ Trần Tiến tuổi Đinh Hợi, năm Kỷ Hợi này nên kỷ niệm đời nghệ sĩ của mình bằng cách in tuyển tập ca khúc. Lẽ nào đêm nhạc Trần Tiến cháy vé, giao lưu tản văn Ngẫu hứng của Trần Tiến đông người dưới mưa mà nhạc tập Trần Tiến không bán chạy. Và biết đâu vài ba mươi năm nữa các nhà sưu tầm sẽ không săn lùng những ấn bản ca khúc của ông được phát hành trong tháng năm này.

Tống cựu nghinh tân - tản văn của nhạc sĩ Trần Tiến

TTO - Cuộc đời mà lại xấu xa / Thì sao cây táo nở hoa / Sao rãnh nước trong veo đến thế... Nhớ Lưu Quang Vũ quá. Tôi đã hát câu thơ này của anh trong bài Con chim sẻ tóc xù của tôi, ngày anh ra đi, bỏ cuộc rượu dở dang với bạn bè...

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên