10/07/2017 17:03 GMT+7

Chở mẹ đi chơi

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Ngày ngày, dù nắng hay mưa, anh Nguyễn Hùng (43 tuổi) với chiếc xe ba bánh cà tàng vẫn mải miết  “chở mẹ đi chơi” mặc cho bản thân anh lúc mê lúc tỉnh..

Bữa cơm trưa bên bờ sông Hàn của hai mẹ con bà Huệ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Mỗi sáng sớm, trên chiếc xe điện ba bánh tự chế do phường Nam Dương (quận Hải Châu) cấp tặng, bà Nguyễn Thị Huệ (81 tuổi) bám vào lưng người con trai vừa tàn tật ở chân lại ngờ nghệch, ngọng nghịu.

Những vòng quay cuộc đời

Hai mẹ con chạy dài qua những con đường quanh co tưởng như đã cũ mèm bởi những năm tháng mưu sinh dài đằng đẵng. Nhưng với trí nhớ chập chờn của người con trai, mỗi ngày đều là một chuyến đi mới mẻ với anh và với mẹ mình.

Đã mấy chục năm từ ngày thằng bé Hùng rơi từ tầng hai của một trường tiểu học xuống nền gạch, bà mẹ tật nguyền chạy thất thểu đến bệnh viện nhìn con nằm gọn thỏm trong lòng kính rồi ngất lịm đi.

Bà những tưởng sẽ mất đi hy vọng cuối cùng của đời mình cùng những tháng ngày chăm con trong bệnh viện. Rồi Hùng ra viện sau tháng năm được cưu mang bởi bà con chòm xóm. Mang trên ngực một vết sẹo mổ dài, đôi chân không lành lặn và một cái đầu không còn tinh anh như trước, Hùng chỉ còn nhớ được mẹ - người ở bên anh trong những tháng ngày giành giật sự sống.

Những năm sau đó, trong căn nhà nhỏ sâu trong con hẻm trên đường Ông Ích Khiêm,ngày ngày người ta vẫn nghe thấy tiếng cười ngờ nghệch của hai mẹ con bà Huệ.

“Dường như bà thấy con mình khờ khạo rồi bà cũng sống theo kiểu khờ khạo để hòa nhập vào thế giới của thằng Hùng cho nó khỏi lạc lõng, rồi chẳng biết từ bao giờ bà Huệ cũng giống y con mình” - bà Hường hàng xóm của bà Huệ chia sẻ.

Vài năm sau, ai nấy ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh một cậu bé chừng10 tuổi, yếu ớt quay chiếc xe gỗ 3 bánh tự chế kéo mẹ đi dọc bờ sông Hàn mỗi sớm chiều.

Sáng sớm khi mặt trời mới hé, Hùng trở dậy lo việc vệ sinh cho mẹ mình, rồi kiếm thứ gì đó cho hai mẹ con bỏ bụng. Xong đâu đấy, Hùng dìu người mẹ run run lưng còng lên chiếc xe gỗ, hai mẹ con đi quanh các con đường Đà Nẵng nhặt nhận chai lon...

Bà Huệ run run nói từng từ một vì chứng co giật: “Ngày xưa tui chỉ nó đường sá, mấy cái hay ho, cái chi với nó cũng mới, cũng lạ. Chừ tui già, nó lại làm y chang. Nó tưởng tui quên, sợ tui quên…”

Và cứ thế, những vòng xe gỗ quay suốt tuổi thơ Nguyễn Hùng, nuôi anh lớn trên từng con đường, hẻm phố nhờ những mớ ve chai của những người dân tốt bụng bên đường. Hùng không nhớ từ bao giờ mình lớn và mẹ già đi. Anh chỉ biết suốt mấy mươi năm không cho mẹ đụng tay vào làm bất cứ việc gì từ ăn uống, nấu nướng, vệ sinh cá nhân...

Chở mẹ già đi qua năm tháng

Hơn 30 năm hai mẹ con rong ruổi khắp nơi, nay anh Hùng đã là người đàn ông lớn tuổi. Mái tóc mẹ anh cũng đã bạc màu. Ngày ngày trên đường đi nhặt ve chai, anh vẫn thường dừng xe trước những tòa nhà cao, quán sá hai bên đường hay nơi có gió mát, cảnh đẹp và chỉ cho mẹ xem.

Mỗi lần dừng xe trước một địa điểm, anh cẩn thận cà đôi bàn chân trần với lớp da sần sùi xuống mặt đường, một tay giữ đầu xe, tay kia vịn vào cánh tay mẹ. Chốc chốc lại chỉ về phía có thứ gì làm anh thích thú. Người mẹ ngước mắt nhìn theo. Hai mẹ con cùng cười vui.

Khi được hỏi vì sao không để mẹ ở nhà mà lại chở đi dọc đường chi cho vất vả, anh Hùng ngô nghê nói: “Xương mẹ giòn rồi lỡ để mẹ ở nhà một mình, mẹ té rồi xe cứu thương chở đi biết mô mà tìm. Hùng thương mẹ lắm, không có Hùng thì không ai chăm mẹ. Chở mẹ đi chơi cho mẹ vui.”

Mỗi ngày hai mẹ con đi từ sáng đến tối mịt kiếm được đôi ba chục nghìn. Bữa trưa trong hộp cơm mua vội ở quán cơm bụi ven đường. Hùng đút cho mẹ những miếng có cá, thịt. Đợi mẹ anh ăn xong hết, anh mới ăn những rau, canh còn lại.

Khi hoàng hôn xuống, ba chiếc bánh xe đã mòn vết bám lại quay đều trên con đường cũ đưa hai mẹ con về căn nhà nhỏ, nơi chất đầy những vỏ lon chai, giấy caton, bao bì đủ loại - nơi chất đầy yêu thương dù có khiếm khuyết trăm bề.

Hãy lắng lại đôi chút trong cuộc sống hối hả này để chia sẻ những khoảnh khắc, những câu chuyện mà bạn nghe thấy, quan sát được xung quanh để chúng ta cùng thấy cuộc đời còn có rất nhiều mảnh ghép thú vị khác. Xin mời bạn gửi những sẻ chia, cảm nhận của mình về địa chỉ: [email protected] hoặc [email protected]. Cảm ơn bạn!

 

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên