23/09/2013 10:12 GMT+7

Chợ Lớn Quy Nhơn: chuyện buồn chưa qua

BẢO TRUNG
BẢO TRUNG

TT - Đã gần bảy năm trôi qua kể từ ngày chợ Lớn Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) bị thiêu rụi hoàn toàn vào tối 16-12-2006. Các tiểu thương ở chợ xưa bây giờ người về chợ mới, người bán nơi khác, người bỏ nghề, người lưu lạc phương xa.

X3J5a8BW.jpgPhóng to
Trên nền chợ Lớn Quy Nhơn bị cháy cuối năm 2006 giờ là Trung tâm thương mại - An Phú Thịnh Plaza - Ảnh: Trần Hoa Khá

Hơn 100 tỉ đồng hàng hóa chuẩn bị phục vụ mùa Giáng sinh và đón tết của hàng trăm tiểu thương phút chốc thành tro bụi, đẩy số phận nhiều tiểu thương vào nợ nần chồng chất, tán gia bại sản. Quy Nhơn năm ấy đón một cái tết thật buồn.

Dấu xưa đã mất

Trên nền chợ Lớn Quy Nhơn thuở nào giờ đã mọc lên một trung tâm thương mại quy mô với tổng vốn đầu tư hơn 340 tỉ đồng. Đồ sộ, khang trang, hiện đại, không còn tìm thấy một chút dấu tích của chợ Lớn Quy Nhơn ngày trước. Cách đó gần 300m, góc đường Tăng Bạt Hổ - Cao Thắng là chợ Lớn mới Quy Nhơn hơn 11.000m2, được đầu tư xây dựng 41 tỉ đồng. Cả hai công trình này đều do Công ty An Phú Thịnh đầu tư xây dựng.

Trong hơn 900 tiểu thương bị thiệt hại trong vụ cháy chợ bảy năm trước, bây giờ có 535 tiểu thương được bố trí vào kinh doanh tại hai cơ sở này và được hưởng một số ưu đãi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp rơi vào cảnh thất nghiệp vì không còn vốn liếng và cũng không thể chuyển đổi ngành nghề. Một số người bỏ lên Tây nguyên lang bạt làm thuê, có người gom góp, vay mượn chút ít sắm chiếc ba gác, xích lô kiếm ăn vật vạ qua ngày, có người sắm gánh chè, gánh rau chạy ăn từng bữa. “Nhà tui ngay bên cạnh chợ, tui biết có tiểu thương ngày trước buôn bán rất khá, giờ phải đi gánh nước mướn, chạy xe ôm, chật vật kiếm gạo nuôi con. Sau cái đêm cháy chợ kinh hoàng năm ấy, giờ nhiều người đứng dậy không nổi, rồi con cái họ thất học, gia đình ly tán, đủ chuyện buồn” - ông Nguyễn Đức Trí, viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Định, kể.

Mua bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm tài sản là những khái niệm xa vời đối với hầu hết tiểu thương ở chợ Lớn Quy Nhơn ngày ấy. Do vậy, khi xảy ra cháy chợ, bà con bỗng chốc trắng tay. “Chính quyền cũng đã làm mọi cách để cứu tiểu thương, như bố trí ngay lập tức vị trí buôn bán mới cho bà con tại trung tâm hội chợ - triển lãm giữa TP, các ngân hàng và quỹ tín dụng cho vay ưu đãi, tạo điều kiện cho bà con ổn định cuộc sống, làm ăn. Nhưng phải thừa nhận sự gắng gượng tự vực dậy sau mất mát lớn như thế không phải là chuyện ngày một ngày hai” - ông Thái Ngọc Bích, phó bí thư Thành ủy Quy Nhơn (lúc xảy ra vụ cháy chợ, ông là phó chủ tịch UBND TP Quy Nhơn), nói.

BBC1cddU.jpgPhóng to
Chị Nguyễn Thị Diệu Thu sau khi mất tài sản hàng trăm triệu đồng do cháy chợ Lớn Quy Nhơn, giờ làm nhân viên tiếp thị mì gói - Ảnh: Trần Hoa Khá

Về nơi mới

Cuối năm 2011 đến đầu năm 2012, các tiểu thương bị thiệt hại sau khi cháy chợ Lớn Quy Nhơn lần lượt được bố trí vào buôn bán tại trung tâm thương mại. “Khách hàng rất thưa thớt, thời buổi làm ăn khó khăn, người ta mua sắm ngày càng ít hơn, trong khi tiền thuế hằng tháng không giảm” - chị Nguyễn Thị Bạch Yến, kinh doanh hàng mỹ phẩm, nói.

Chị Yến và một số tiểu thương khác như Hà Thị Mỹ Lệ, Trần Thị Thu An là những tiểu thương bị thiệt hại nặng trong vụ cháy chợ năm 2006. “Hàng hóa bị cháy, mỗi người mất gần 1 tỉ đồng. Bây giờ nhiều người trong chúng tôi tiếp tục thế chấp nhà cửa vay vốn ngân hàng, nhưng kinh doanh tại trung tâm thương mại ngày càng khó khăn. Nếu cứ đà này cũng khó duy trì lâu ở đây, mà chuyển sang ngành hàng khác cũng không dễ chút nào”- tiểu thương Hà Thị Mỹ Lệ nói.

Bà Nguyễn Thị Quế (50 tuổi) và vợ chồng anh Nguyễn Thanh Quang buôn bán các mặt hàng thực phẩm khô có đỡ hơn phần nào. Bà Quế cho biết sau khi được bố trí trở lại buôn bán ở trung tâm thương mại, nhờ có bạn hàng cũ nên doanh thu mỗi ngày chừng 300.000-400.000 đồng. “Tính ra tiền lãi mỗi tháng cũng tạm đủ trang trải gia đình, lo cho con cái cơm ngày hai bữa” - bà Quế nói. Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Quang cũng tương tự. “Nhờ bạn bè, anh em gom góp cho mượn vốn để tiếp tục làm ăn và mặt bằng kinh doanh được miễn giảm nên chúng tôi cũng tạm qua ngày nuôi con ăn học - anh Quang nói - Cuối ngày vợ chồng tôi còn đi bỏ mối dầu ăn cho các bạn hàng quen, họ ủng hộ mình là chính, lời lãi không bao nhiêu nhưng kiếm thêm đồng nào hay đồng đó”.

izNVW8Rv.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Luận (68 tuổi) - tiểu thương gắn bó với chợ Lớn Quy Nhơn hơn 30 năm - sau vụ cháy chợ mất tài sản gần 200 triệu đồng, giờ bà được bố trí buôn bán rau quả tại chợ Lớn mới - Ảnh: Trần Hoa Khá

Lay lắt phận người

Nhiều tiểu thương sau khi xảy ra cháy chợ Lớn Quy Nhơn cuối năm 2006 bỗng rơi vào cùng quẫn, gia đình ly tán. Chồng chị Nguyễn Thị Diệu Thu bỏ đi làm ăn biền biệt. Không chỉ trắng tay mà nợ nần chồng chất, chạy gạo từng bữa, vợ chồng chị Thu cuối cùng không giữ được nhau. Hai con trai của chị Thu đứa lớp 12, đứa lớp 9 lần lượt nghỉ học. Họa vô đơn chí, đứa con đầu sau đó bị tai nạn chấn thương sọ não, tới nay vẫn chưa hồi phục hẳn, đứa em xin mẹ nghỉ học để chạy bàn quán cà phê góp thêm tiền phụ mẹ chữa chạy bệnh tật cho anh trai. “Bảy năm qua, nhiều đêm tui bị chìm trong những giấc mơ nặng nề. Vài năm nay mới xin được chân tiếp thị bán mì gói, tháng nào không mưa gió, kiếm vài ba triệu nuôi con. Lúc ngặt, xoay triệu bạc mua thuốc cho con không ai đưa, khổ lắm” - chị Thu giàn giụa, nghẹn ngào.

Tiểu thương Nguyễn Thị Đào vay mượn góp tiền cùng một người khác mở một quán bún nhỏ hè phố, lấy công làm lời, ráng dè sẻn đắp đổi qua ngày cho cả nhà. Rồi chồng chết, bỏ lại cho chị Đào hai con nhỏ dại, gia cảnh của chị ngày càng bế tắc hơn. Chồng chị Nguyễn Thị Hạnh bị đột quỵ rồi mất, bỏ lại bầy con thơ dại, chị Hạnh xin làm nhân viên tiếp thị bánh kẹo. “May hơn bạn bè cùng cảnh ngộ một chút là tui còn nuôi được mấy đứa nhỏ ăn học, mong sao đời tụi nó bớt nhọc nhằn hơn, đỡ rủi ro hơn” - chị Hạnh nói.

Chị Đặng Thị Duyên - một tiểu thương khác - may mắn hơn là vợ chồng chung lưng đấu cật vượt qua khó khăn. Chồng chị Duyên làm thêm nghề thợ tiện và thu xếp cho chị buôn bán vặt tại nhà. “Cho dù tui cũng được bố trí vào kinh doanh ở trung tâm thương mại mới xây trên nền chợ Lớn cũ, nhưng không thể xoay ra đủ vốn liếng để gầy dựng lại nữa, nên đành thôi” - chị Duyên nói.

Vụ cháy chợ Lớn Quy Nhơn sau ba lần xét xử mới kết thúc tại phiên xử cuối cùng vào tháng 9-2012, sáu năm sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn nghiệt ngã. Nhớ lại chuyện cũ, ông Trương Quốc Dũng - chánh án TAND Quy Nhơn - nói: “Xử đi xử lại cũng xong rồi. Thiệt hại rồi cũng thuộc về bà con tiểu thương thôi, rất cay đắng. Mấy ông trong ban quản lý, bảo vệ chợ bị bắt giam rồi cũng thả ra, tòa tuyên án tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cho hưởng án treo. Ngày xưa trong số họ có những người từng tham gia kháng chiến, gia đình chính sách, giờ bị kêu án, bị khai trừ Đảng luôn, mà hoàn cảnh họ cũng nghèo khổ, bệnh tật, sống rất lây lất. Nhìn lại sau vụ hỏa hoạn năm ấy, biết bao phận người khuất lấp, bẽ bàng” - ông chánh án thở dài.

Sau khi xảy ra vụ cháy chợ Lớn Quy Nhơn, ông Vũ Hoàng Hà - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - quyết định chi hơn 2 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho các tiểu thương bị thiệt hại có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Cụ thể, hỗ trợ 100% lãi suất vay trong sáu tháng đầu và 50% lãi suất trong sáu tháng tiếp theo. Đồng thời, ông Hà chỉ đạo nhanh chóng bố trí gần 500 lô cho các tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau quả, hải sản tại đường Tăng Bạt Hổ (đoạn từ Cao Thắng đến Đinh Bộ Lĩnh), hơn 150 tiểu thương buôn bán mặt hàng khô, vải vóc, mỹ phẩm... tập trung kinh doanh tạm thời tại Trung tâm hội chợ - triển lãm tỉnh. Sau đó, Bình Định tiếp tục trích ngân sách hơn 1 tỉ đồng cấp không cho các tiểu thương bị thiệt hại tự tìm mặt bằng kinh doanh, ổn định cuộc sống. Cuối tháng 12-2006, Chính phủ đã hỗ trợ 6 tỉ đồng và 200 tấn gạo cho các tiểu thương.

* 19g40 ngày 16-12-2006: chợ Lớn Quy Nhơn bị cháy rụi, thiệt hại hơn 120 tỉ đồng.

* Ngày 5-5-2008: TAND tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm vụ án cháy.

* Tháng 9-2008: trên nền chợ cháy khởi công xây dựng Trung tâm thương mại chợ Lớn Quy Nhơn (An Phú Thịnh Plaza).

* Ngày 31-10-2008: tòa phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án điều tra lại.

* Tháng 12-2011: Trung tâm thương mại chợ Lớn Quy Nhơn khánh thành.

* Đầu năm 2012: chợ Lớn mới Quy Nhơn xây dựng xong, bố trí mặt bằng kinh doanh cho tiểu thương.

* Ngày 12-9-2012: TAND Quy Nhơn mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với Đỗ Thanh Tâm (nguyên trưởng ban quản lý chợ) 12 tháng tù, Phạm Viết Ngò (nguyên đội phó đội bảo vệ) 18 tháng tù, Đỗ Thanh Tân (nguyên phó ban quản lý chợ) và hai nhân viên bảo vệ là Nguyễn Thành Hải, Đoàn Bình cùng mức án 9 tháng tù. Tất cả đều được hưởng án treo.

BẢO TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên