Haiku được yêu thích vì độc đáo
* Theo quan sát của ông, văn học Nhật Bản đến Việt Nam từ bao giờ, sức ảnh hưởng thế nào?
- Văn chương Nhật đến Việt Nam từ thời tiền chiến.
Trước hết là thơ, sau đó tới văn xuôi Nhật. Từ những năm 1950 - 1970, số lượng sách dịch tăng nhiều và từ thập niên 1980 đến nay, có thể nói văn học Nhật từ cổ điển đến hiện đại đã phổ biến rất nhanh.
Điều đó khiến cho văn học Nhật, từ các tác phẩm kinh điển đến các tác phẩm đại chúng đều trở nên quen thuộc ở Việt Nam.
Tôi ví dụ, tác phẩm Nuôi thù của Oe Kenzaburo được dịch ở miền Nam từ trước khi nhà văn này đoạt giải Nobel (năm 1994) rất lâu.
Hay những kiệt tác hiện đại của các tác gia Nhật như Kawabata Yasunari và Mishima Yukio đều được dịch từ lâu.
* Công chúng Việt Nam ưa chuộng thể thơ haiku của Nhật ra sao?
- Thập niên 1980 chứng kiến việc giới thiệu thơ haiku một cách có hệ thống bằng công trình nghiên cứu và dịch thơ haiku. Mở đầu với Basho và thơ haiku, sau đó là Ba nghìn thế giới thơm... Thơ haiku cũng được đưa vào chương trình sách giáo khoa của trung học và giáo trình ở đại học.
Các câu lạc bộ thơ haiku mở ra nhiều nơi, các cuộc thi thơ haiku cũng tổ chức thường xuyên. Nghiên cứu văn học Nhật Bản đã trở thành niềm yêu thích và lựa chọn của nhiều người.
* Theo ông, tại sao thơ haiku đại diện cho văn hóa Nhật Bản?
- Vì tính độc đáo của nó. Trước hết, thơ ca trên toàn thế giới hiếm khi ngắn gọn mà vẫn đạt đến độ kiệt tác như vậy. Hai là, thơ ca thế giới nói chung ít có nhà thơ nào có thể làm hàng trăm bài về những sinh linh rất nhỏ bé như ruồi, muỗi, côn trùng.
Với các nhà thơ Nhật, những hình ảnh đó lại hiện ra rất đẹp đẽ và đầy xúc động. Hơn nữa, tuy ít lời nhưng thơ haiku lại giàu ý nghĩa, thâm trầm.
Haiku giản dị, thân thuộc, viết về các mùa, những con vật nhỏ bé, cỏ, hoa... nên cũng rất gần gũi với thiếu nhi. Nó hết sức tối giản, thích hợp để các bạn nhỏ dựa vào thể thơ này mà tập làm thơ, tập diễn đạt ngắn gọn, trong sáng.
Nhiều tài năng Nhật chưa "sang" Việt Nam
* Văn học nói riêng và văn hóa Nhật nói chung có ảnh hưởng ra sao?
- Văn hóa cũng như văn học Nhật Bản có ảnh hưởng đáng kể với thế giới, đặc biệt là hội họa và thơ haiku.
Nếu chỉ kể văn hóa tinh hoa, chưa tính đến những khuynh hướng đại chúng như manga và karaoke thì có nhiều nhà thơ lớn trên thế giới sáng tác thơ haiku, có nhiều họa sĩ lớn của thế giới vẽ tranh theo phong cách Nhật.
Trong ấn bản Ba nghìn thế giới thơm lần này, tôi có nhắc đến những sáng tác thơ haiku của Jorge Luis Borges và Octavio Paz, những tác giả quan trọng trong thế kỷ 20.
* Ngoài Murakami Haruki và Yoshimoto Banana quá quen thuộc, còn tên tuổi nào, tác phẩm nào đang bị "lãng quên"?
- Đúng là những tác giả như Murakami Haruki, Yoshimoto Banana được chú ý quá nồng nhiệt.
Thực ra, họ chưa hẳn tiêu biểu cho văn học Nhật. Có nhiều tác giả kinh điển ít được biết đến hoặc chưa được dịch tốt như Truyện Genji của hơn ngàn năm trước.
Đó là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nhân loại. Nhiều nhà văn tài năng của Nhật vẫn chưa dịch sang tiếng Việt. Chẳng hạn như Fumiko Enchi với tác phẩm Mặt nạ. Những tác giả này tuy không có danh tiếng bằng nhiều nhà văn thần tượng hiện nay nhưng văn chương họ vô cùng sâu sắc.
* Cảm ơn nhà nghiên cứu.
Còn nhiều kiệt tác chưa được phổ biến
* Ngoài văn học Nhật, ông yêu thích những tác phẩm, tác giả nào nữa?
- Tôi chọn tác giả người Iceland Jón Kalman Stefánsson với tiểu thuyết bộ ba vĩ đại (đã dịch sang tiếng Anh và Pháp) là Heaven and hell (Thiên đàng địa ngục), The sorrow of angels (Nỗi buồn của những thiên thần), The heart of man (Trái tim người).
Đó là những tiểu thuyết hàng đầu của thế kỷ 21. Chúng khiến tôi choáng thực sự. Chúng ta nên nhìn toàn cảnh hơn để thấy trên thế giới có rất nhiều nền văn học lớn.
Đơn cử như Na Uy - tuy dân số không đông nhưng xuất hiện nhiều chủ nhân của giải Nobel Văn chương. Còn rất nhiều kiệt tác văn học thế giới mà Việt Nam chúng ta chưa dịch và phổ biến.
Nhật Chiêu sinh năm 1951 tại Sài Gòn. Ông dạy học, viết văn và có nhiều công trình nghiên cứu văn học Nhật cũng như thế giới.
Có thể kể đến các tác phẩm dịch như Tình trong bóng tối, Tiếu lâm Nhật Bản, Tuyển tập truyện ngắn hiện đại Nhật Bản (chủ biên và đồng dịch giả)...
Biên khảo: Basho và thơ Haiku, Nhật Bản trong chiếc gương soi, Câu chuyện văn chương phương Đông, Thơ ca Nhật Bản, Văn học Nhật Bản...
Ông là tác giả của các tập truyện Người ăn gió và quả chuông bay đi, Mưa mặt nạ, Viết tên trên nước, Ân ái với hư không, Lời tiên tri của giọt sương, và tập thơ Tôi là một kẻ khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận