Phóng to |
Một “quý bà thông tin” đang giúp bà Amina Begum, 45 tuổi, trò chuyện với người chồng ở xa bằng Skype - Ảnh: AP |
Hiện Bangladesh có khoảng 5 triệu/152 triệu dân có Internet. Dự án “Info Ladies” (tạm dịch “Những quý bà thông tin”) ra đời từ năm 2008 bởi nhóm phát triển D.Net phối hợp với một số nhóm cộng đồng khác triển khai.
Theo đó D.Net tuyển dụng phụ nữ thất nghiệp và đào tạo họ trong vòng 3 tháng cách sử dụng máy vi tính, máy in, camera, cách truy cập Internet… Công việc của những phụ nữ này là chở một chiếc laptop trên xe đạp cùng thiết bị kết nối Internet di động đến với người dân tại các làng quê nghèo.
Bà Ananya Raihan, giám đốc điều hành của D.Net, chia sẻ: “Chúng tôi đang tạo công việc cho những phụ nữ thất nghiệp, đồng thời tạo cơ hội để nhiều dân làng tiếp cận thông tin”.
“Những quý bà thông tin” thường trở thành tâm điểm thu hút một nhóm hơn 10 người ngồi quây quần tại sân làng. Những ai có nhu cầu sử dụng dịch vụ Skype để nói chuyện với người thân ở xa, chat, điền hồ sơ nhập học điện tử, xem video… sẽ được đáp ứng tận tình. Mỗi giờ truy cập Skype khách hàng phải trả 2,4 USD, đăng ký hồ sơ nhập học online có giá 12 xu…
Bà Amina Begum (45 tuổi, sống tại làng Jharabarsha, quận Gaibandha) chia sẻ: “Chúng tôi thích sử dụng Skype hơn điện thoại vì cách này giúp chúng tôi có thể trò chuyện với chồng mình đang ở xa”.
Phóng to |
Các "quý bà thông tin" mang Internet về làng bằng xe đạp - Ảnh: AP |
Phóng to |
Sathi Akhtar, 29 tuổi, một trong những “quý bà thông tin” còn được gọi bằng tên Tattahakallayani, đang cho người dân xem một đoạn video dài 15 phút trên laptop - Ảnh: AP |
Phóng to |
Những cô gái Bangladesh (tuổi từ 12-17) được phổ biến kiến thức về sức khỏe sinh sản, HIV/AIDS - Ảnh: AP |
Các “quý bà thông tin” còn được đào tạo kiến thức kiểm tra huyết áp và lượng đường trong máu để giúp những ai có nhu cầu, ngoài ra họ còn kiêm thêm nhiệm vụ phổ biến kiến thức về sức khỏe sinh sản, HIV/AIDS, cách sử dụng các biện pháp tránh thai cho phụ nữ nông thôn.
Trong tháng 12 tới, Ngân hàng Trung ương Bangladesh sẽ hỗ trợ những phụ nữ của dự án Info Ladies vay không lãi suất với số tiền giải ngân đợt một lên đến 1,23 triệu USD nhằm giúp họ mua thiết bị cần thiết và xe đạp.
Ý tưởng Info Ladies được bà Raihan mua từ Muhammad Yunus, người từng đoạt giải Nobel. Năm 2004, ông Yunus đã giới thiệu mô hình Mobile Ladies (tạm dịch: Những quý bà điện thoại di động) nhằm phổ biến điện thoại di động đến nông thôn. Nhờ vào dự án này, hiện có hơn 92 triệu người dân Bangladesh sở hữu điện thoại di động.
D.Net cho biết hiện có khoảng 60 “quý bà thông tin” đang hoạt động tại 19/64 quận của Bangladesh. Tổ chức này hi vọng đến năm 2016 có thể đào tạo được 15.000 phụ nữ trở thành “quý bà thông tin”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận