Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ rõ các hoạt động xây dựng, đào hè đường, sửa đường vẫn làm gia tăng nguồn bụi trong khi việc kiểm tra, xử lý chưa quyết liệt - Ảnh: XUÂN THÀNH
Chiều 18-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị đánh giá và bàn các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.
Thảm lại đường, không hút bụi còn gây bụi
Mở đầu cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung cho biết từ tháng 5-2017, Thành ủy Hà Nội đã có nghị quyết về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo".
Theo ông Chung, sau khi Thành ủy có nghị quyết, UBND TP đã ban hành kế hoạch thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ. Vì vậy, ông Chung nhấn mạnh cuộc họp này nhằm đôn đốc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp TP đã đề ra, đồng thời chỉ ra những tồn tại và những giải pháp phải làm trước mắt, giải pháp cần làm trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP dẫn chứng trong khi TP thực hiện quyết liệt các giải pháp, thực tế vẫn có đơn vị buông lỏng quản lý, không kiểm soát chặt các nguồn thải, thậm chí làm gia tăng nguồn thải gây ô nhiễm không khí.
Theo đó, có tình trạng các xe chở vật liệu xây dựng, chở cát, gạch chưa đảm bảo tiêu chuẩn, che chắn... cho thấy công tác kiểm tra, thanh tra có vấn đề, chưa thực hiện đúng trách nhiệm được giao.
Tương tự, công tác thu gom rác, quét hút bụi vùng giáp ranh giữa các quận, huyện… vẫn còn đùn đẩy nhau, đó là vấn đề trách nhiệm của các đơn vị thu gom rác, quét hút bụi.
"Rồi tình trạng cuối năm đào đường, đào làm vỉa hè. Hay việc thu gom rác, thực hiện thi công, yêu cầu đến 5h sáng phải trả lại sạch sẽ nhưng thực tế thực thi chưa được như vậy..." - ông Chung nêu.
Tuy nhiên, ông Chung cũng cho rằng với tốc độ phát triển nhanh, dân số cơ học tăng nhanh, trung bình mỗi năm Hà Nội tăng thêm 160.000 người, vì vậy công tác bảo vệ môi trường đòi hỏi phải có các giải pháp căn cơ, đồng bộ, đồng lòng mới giải quyết được.
"Công tác giữ gìn môi trường vệ sinh trên địa bàn TP nếu không có sự tham gia tự nguyện tích cực của người dân thì sẽ thất bại" - ông Chung nói.
Ông Chung cũng khẳng định TP luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, tuy nhiên để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí, giảm các nguồn thải không thể thực hiện trong ngày một ngày hai, mà cần phải có nhiều giải pháp bền vững.
Nhiệm vụ, chỉ tiêu giảm ô nhiễm môi trường chưa đạt yêu cầu đề ra
Báo cáo về thực tế ô nhiễm không khí những ngày qua, ông Lê Tuấn Định - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, cho biết từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn TP có 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài (trung bình 5-10 ngày), chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu.
"Đợt ô nhiễm không khí cao điểm nhất là trong tháng 12 (từ ngày 8-12 đến 14-12), chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu" - ông Định nói.
Đánh giá nguyên nhân, ông Định cho biết có hai nhóm nguyên nhân khách quan và chủ quan.
"Nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng từ điều kiện thời tiết cực đoạn, tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, đặc biệt tháng 12 mưa ít, ít gió, giảm đối lưu trong không khí khiến mức độ ô nhiễm không khí gia tăng".
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là từ 11 nguồn thải là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trên địa bàn TP thời gian qua.
"Thứ nhất, vẫn là nguồn thải từ các phương tiện giao thông như xe máy, ôtô những ngày mật độ giao thông cao tập trung ở đô thị. Thứ hai, do nguồn thải từ các hộ vẫn vẫn duy trì sử dụng bếp than tổ ong.
Thứ ba, do hoạt động đốt rơm rác ở các khu vực ngoại thành. Thứ tư là nguồn bụi từ quá trình phá dỡ các công trình cũ, mới, từ vận chuyển vật liệu xây dựng.
Tiếp nữa là nguồn gây ô nhiễm từ mùi hôi, từ quá trình thu gom rác thải, hệ thống nước thải, chăn nuôi. Rồi nguồn ô nhiễm khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn TP, các tỉnh lân cận" - ông Định nêu.
Theo ông Định, trong những ngày ô nhiễm không khí vừa qua, Sở Tài nguyên - môi trường TP đã công bố công khai chất lượng không khí hằng ngày. Trong những ngày chất lượng không khí xấu đã chủ động khuyến cáo tới người dân.
Tuy nhiên, theo ông Định, trong thực hiện nghị quyết của Thành ủy, kế hoạch của TP về tăng cường công tác bảo vệ môi trường có một số nhiệm vụ và chỉ tiêu thực hiện chậm tiến độ, chưa đạt yêu cầu, cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.
"Việc triển khai xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nội ô còn chậm. Việc xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, từng bước làm sống lại sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ và sông Đáy còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Việc di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Việc quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề và đưa các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm lớn tại các làng nghề ra khu sản xuất tập trung chưa đạt yêu cầu" - ông Định nêu.
Tại cuộc họp, một số quận, huyện cũng thừa nhận chưa kiểm soát nguồn thải từ các các công trình xây dựng, đặc biệt là hoạt động đào hè đường, quét hút bụi đường phố.
Đặc biệt về cơ chế phối hợp, đại diện Sở GD-ĐT TP Hà Nội đề nghị trong những ngày ô nhiễm không khí tới mức nguy hại, Sở Tài nguyên - môi trường cần chủ động thông tin sớm để ngành giáo dục kịp thời đưa ra các phương án, kể cả phương án cho học sinh nghỉ học.
Kiến nghị tăng tần suất rửa đường trong ngày ô nhiễm cao
Tại cuộc họp, một số quận, huyện đã đề nghị UBND TP cho phép tăng tần suất rửa đường trong những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Từ kinh nghiệm của quận Long Biên, lãnh đạo quận cho biết vào những ngày thời tiết hanh khô, khối lượng bụi phát sinh lớn, việc điều chỉnh tăng tần suất phun rửa đường góp phần giảm thiểu nguồn bụi trong không khí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận