Dù bản án đã có hiệu lực nhưng ông Bùi Quang Công vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường như chưa có gì xảy ra - Ảnh: H.T
Câu chuyện ông Bùi Quang Công bị phạt tù và bản án đã có hiệu lực nhưng 9 tháng qua ông này được chánh án TAND huyện Phú Quốc, Kiên Giang hai lần ra quyết định cho tạm khiến nhiều người ngạc nhiên.
Kỷ cương, phép nước còn đâu!
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, ông Bùi Quang Công (51 tuổi) là giám đốc Công ty TNHH Bảo Quân có trụ sở tại huyện Phú Quốc và là người nhậu say lái ôtô tông chết ông Doãn Tâm Hoàng Tuấn vào tối 1-6-2016.
Ngày 17-1-2017, TAND huyện Phú Quốc tuyên phạt ông Công 9 tháng tù. Ông Công kháng cáo xin hưởng án treo.
Ngày 26-6-2017 TAND tỉnh Kiên Giang xử phúc thẩm tuyên y án. Tuy nhiên, 9 tháng qua ông Công chưa chấp hành án ngày nào nhờ TAND huyện Phú Quốc hai lần cho tạm hoãn.
Theo chánh án TAND huyện Phú Quốc Trương Quốc Triều, lý do tạm hoãn lần đầu (6 tháng) là vì vợ ông Công bị bệnh, ông Công là lao động duy nhất trong gia đình và lần thứ 2 (3 tháng) là do chủ trương nhân đạo, không bắt đi tù vào dịp tết nguyên đán.
Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online cho rằng, lý do để cho ông Công hoãn chấp hành án như trên là không thể chấp nhận.
Bạn đọc Lê Hoàng Hùng bình luận: "Chính sách nhân đạo không có cụm từ "vợ bệnh" và "ăn tết", chỉ có người ký quyết định trên là có vấn đề thôi. Đọc xong mà không nhịn được cười, nếu tội phạm nào cũng viện lý do như vậy thì kỷ cương phép nước sẽ như thế nào?".
Nhiều bạn đọc khác thì cho rằng một người bị án tù được cho hoãn để "ăn Tết" đã vô lý, riêng ông Công lại được "ăn Tết" tới tận 3 tháng là không thể chấp nhận.
Bạn đọc Long79 còn mỉa mai: "Lòng nhân từ của vị thẩm phán thật bao la, ngành tư pháp nên nhân rộng để người dân thấy được tính nhân văn, vị tha và bao dung của luật pháp!".
Ông Công rời xe trong tình trạng say rượu sau khi tông chết người - Ảnh do bạn đọc cung cấp
Gia đình ông Công có "đặc biệt khó khăn"?
Luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết Bộ luật hình sự 1999 và Bộ luật hình sự 2015 đều có quy định tương tự nhau về các trường hợp được hoãn chấp hành hình phạt tù.
Trong đó, người bị phạt tù nếu bản thân bị bệnh nặng được hoãn cho đến khi sức khỏe hồi phục.
Ngoài ra nếu là người lao động duy nhất trong gia đình nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt thì được hoãn đến một năm, trừ trường hợp nbị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Trong quyết định hoãn thi hành án lần 1, Chánh án TAND huyện Phú Quốc đã áp dụng điểm c điều 61 Bộ luật hình sự 1999 đối với trường hợp là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt.
Như vậy người phải thi hành án có thể là người lao động duy nhất trong gia đình, nhưng nếu người này chấp hành hình phạt có thể "gây khó khăn đặc biệt" hay không mới là tiêu chí xét cho hoãn thi hành án.
Việc áp dụng điều luật trên để cho ông Công hoãn thi hành án, theo tôi là không hợp lý vì trước đây ông này là giám đốc, có xe hơi để đi thì gia đình có lẽ không đến mức khó khăn đặc biệt để hoãn thi hành án.
Luật sư Hà Ngọc Tuyền - Đoàn Luật sư TP.HCM
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM), có thể hai lần ra quyết định cho hoãn chấp hành hình phạt tù rơi vào hai thời điểm trước và sau khi Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên luật cũ và luật mới đều quy định về điều kiện được hoãn chấp hành hình phạt tù là như nhau.
Theo đó, quyết định hoãn lần đầu là phù hợp nếu thuộc trường hợp "là người lao động duy nhất trong gia đình", nhưng phải chứng minh được "nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt".
Có dấu hiệu ra quyết định trái luật
Cũng theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, trường hợp hoãn thi hành án lần thứ hai để ăn Tết thì luật không có quy định. Việc này cũng không thể hiện sự nhân đạo vì tính nhân đạo của pháp luật thường chỉ áp dụng nhằm giáo dục, cải tạo người phạm tội thành người có ích cho xã hội.
Luật sư Hưng cho rằng còn rất nhiều người vì công việc, vì nhiệm vụ mà không được đón Tết. Việc cho hoãn thi hành án để ăn tết mang tính dễ dãi hơn là nhân đạo.
Tương tự, một thẩm phán công tác tại TP.HCM cho rằng luật không có quy định được "hoãn thi hành án để ăn Tết". Vì vậy, việc ra quyết định hoãn thi hành án này có dấu hiệu ra quyết định trái pháp luật.
Theo quy định, hồ sơ xin hoãn chấp hành hình phạt tù phải có một trong các tài liệu chứng minh lý do xin hoãn và là căn cứ để chánh án toà án đã ra quyết định thi hành án xem xét quyết định việc hoãn chấp hành án.
Trường hợp không chấp nhận thì chánh án phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị hoãn biết, trong đó phải nêu rõ lý do về việc không chấp nhận đề nghị hoãn.
Trường hợp chấp nhận thì chánh án ra quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù và gửi quyết định này cho người được hoãn, Viện kiểm sát, cơ quan công an cùng cấp, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người được hoãn chấp hành hình phạt tù đang cư trú hoặc làm việc để quản lý theo quy định.
Nếu Viện kiểm sát cùng cấp thấy văn bản thông báo không có lý do xác đáng hoặc quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù không có căn cứ pháp luật thì kháng nghị.
Chánh án tòa án phải xem xét giải quyết, nếu kháng nghị có căn cứ thì huỷ bỏ thông báo hoặc quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù và thay thế bằng quyết định mới đúng quy định của pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận