TTCT - Chợ Ga ở Phú Nhuận gắn bó với cư dân cố cựu ở đây và trở thành kỷ niệm sâu đậm khi họ đã sinh sống ở nơi khác, dù không mấy ai biết gốc tích của ngôi chợ. Chợ Ga đã gần 70 năm gắn bó với cư dân Phú Nhuận. Ảnh: Quang Địnhchợ ga ở Phú Nhuận ngày nay vẫn là ngôi chợ cũ kỹ với vách ván, mái tôn nhô ra thụt vào. Nhưng từ năm 1954, tức là gần 70 năm nay, ngôi chợ này vẫn là nơi cung cấp thực phẩm và vật dụng gia đình cho nhiều thế hệ người dân Phú Nhuận. Chợ gắn bó với cư dân cố cựu ở đây và trở thành kỷ niệm sâu đậm khi họ đã sinh sống ở nơi khác, dù không mấy ai biết gốc tích của ngôi chợ.Trước năm 1954, quanh khu vườn của ông Lê Tài Chí nằm ngay góc hai con hẻm (một hẻm nay là đường Đỗ Tấn Phong, một là đường Trần Khắc Chân thuộc phường 9, Phú Nhuận), vài phụ nữ tới bày mấy rổ hàng dưới đất, buôn bán các thứ lặt vặt cho dân quanh vùng. Sau năm 1954, trong số người Bắc di cư vào Nam, một số người tìm đến khu đất này bán hàng để tạm kiếm sống thời gian đầu.Mảnh vườn thành nhà lồng chợThấy bà con người Bắc mới vào chưa có cuộc sống ổn định, chính quyền thời đó đến gặp ông Lê Tài Chí. Họ đề nghị ông cho mượn mảnh vườn sát nhà ông để xây lên một cái chợ giúp đồng bào di cư có chỗ mua bán.Ông Lê Tài Chí, thường được gọi là ông Mười, hay ông Mười chủ đất, nguyên là nhân viên một hãng buôn của Pháp. Ông sinh năm 1905, gốc gác ở Tân Trụ, Long An nhưng đã lên Gia Định sống từ năm 1941. Ông có hai người con trai, Lê Tài Quốc lớn lên sang Pháp học kỹ sư và Lê Tài Bổn, sau là chánh án tỉnh Long An trước năm 1975. Người vợ đầu mất sớm, ông đi bước nữa với em gái của thủ tướng VNCH Trần Thiện Khiêm nhưng bà này cũng mất sớm. Một thời gian sau, ông tục huyền với người vợ thứ ba và sống cùng nhau đến mãn đời. Tổng cộng ông có 8 người con, 5 trai và 3 gái. Đất đai của ông bao gồm ngôi nhà và toàn bộ khu chợ Ga ngày nay.Vợ chồng ông MườiBiết rõ tình cảnh những người buôn bán vất vưởng chung quanh nhà, ông Mười đồng ý phá bỏ ngôi vườn để giao đất lập chợ.Và một ngôi chợ bằng gỗ, mái tôn được cất lên trong khuôn viên vườn cây của ông Mười. Người con trai thứ hai, anh Lê Tài Bổn, là người vẽ sơ đồ bố trí sạp và lối đi trong chợ. Chợ không có tên chính thức, người ta thường gọi là chợ Ga vì gần ga xép Phú Nhuận, hoặc gọi là chợ Di Cư vì có nhiều người Bắc di cư vào buôn bán. Gia đình ông Mười trở thành chủ chợ, mỗi tháng được quyền thu tiền chỗ từng sạp bán ở đó.Má tôi buôn bán ở chợ này từ trước khi nhà lồng hình thành nên có một sạp hàng trong chợ khi xây xong. Má kể, số tiền chỗ do người nhà ông Mười thu mỗi tháng khá nhẹ, ông còn tốt bụng cho má và một người nữa gửi thùng đồ hàng mắc tiền (không dám cất trong sạp vì sợ trộm cạy cửa) trong nhà của ông bà. Ông Mười lúc đó đã già yếu. Sau năm 1975, tuy giấy tờ còn giữ nhưng gia đình ông không biết làm sao mà thu hồi miếng đất là của cải hợp pháp. Năm 1998, ông Mười từ trần, thọ 94 tuổi.Những hàng ăn thương nhớHàng ăn khu chợ Ga khá phong phú, trong nhà lồng chợ và ở các dãy phố vây quanh đều có những hàng quán ăn thu hút khách, giá cả vừa phải. Hàng nào được khen ngon là ngon thật sự, vì khách toàn là dân biết nấu nướng lại sành ăn.Trước cửa nhà ông Mười có các quán bún măng, bún măng cô Vũ và bún ốc. Đáng nhớ nhất là bà bún ốc. Bà tên gì? Chỉ biết bà là người Bắc di cư vào năm 1954, mang theo bí quyết ẩm thực ngàn năm của đồng quê Bắc Bộ, dùng nguyên liệu có sẵn ở ruộng nhà như con cua cái ốc. Dáng bà mập mạp, răng đen, áo tay ngắn, quần đen như nhiều phụ nữ ra chợ thời đó.Quán ốc của bà chỉ có một đòn gánh, một bên nồi đất gáo dừa đựng nước lèo, một bên có sọt đựng ốc. Bà nấu ốc bằng cái nồi đất tròn to, vá múc nước lèo làm bằng gáo dừa, ốc được rỉa từng con. Bà có tô ớt khô tự chế biến không cho ai đụng tới. Khi bán, bà múc ra tô gồm có bún, ốc và ớt khô, chan nước lèo vô, nêm thêm giấm, không có miếng rau nào… Ai muốn thêm ớt khô là tính tiền riêng. Khách đến ăn đông nhưng ai nấy kiên nhẫn chờ đến lượt cầm tô bún nóng để ăn tại chỗ.Sau khi bà cụ mất, người con trai tiếp tục bán nhưng không ngon như trước. Trước dịch covid, hàng ốc nghỉ bán cho đến nay, chỉ còn là huyền thoại trong ký ức của khách từng đến ăn.Trước cửa nhà ông Phó May đối diện nhà ông Mười có hàng bán lòng heo có tiếng khu này. Mỗi chiều khoảng 3h, bà Phượng từ khu Ông Tạ lên đây bán lòng heo luộc, lòng sống, tiết canh… - những món khoái khẩu được người Bắc ưa chuộng. Lòng hàng bà Phượng ngon vì mới lấy từ trong các công-xi heo khu Ông Tạ, trong hẻm chùa Khuông Việt. Hồi xưa bà Phượng bày thức bán trên mâm, đậy lồng bàn lại. Bây giờ, bà mất, cô con dâu bán thay, giờ cô sắm cái xe đẩy có tủ kính sạch sẽ và dễ nhìn.Ra chợ, tôi thích ăn hàng bánh cuốn của cô Bính - một phụ nữ Bắc cao lớn, da mặt trắng bóng. Khoảng thập niên 1980, cô đã trên dưới bốn mươi tuổi, chưa chồng. Mỗi sáng, sau khi bày bàn ghế và các thứ ra trên nắp cái hầm trữ chuối, cô ngồi sau cái bàn, tráng và hấp bánh, cuốn lại, đặt vào dĩa, cho hai lát chả lụa mỏng, rau sống, giá. Khách tự lấy đũa trong ống, tự chan nước mắm vào dĩa - một thứ nước mắm ớt được pha dịu nhưng không nhạt, thấm vào miếng bánh còn nóng, dậy mùi thơm.Nhà ông MườiĐám rước kiệu về Lăng Võ TánhĐường Trần Khắc Chân hiện nay băng ngang chợ Ga, đâm thẳng về phía đường rầy, băng qua một đoạn là tới đường Hồ Văn Huê cắt ngang. Trước năm 1975, đường Hồ Văn Huê là đường nội bộ của căn cứ Bộ tổng tham mưu quân đội VNCH nên ngăn lại bằng một hàng rào kẽm gai. Cư dân quanh đó nghe những người cố cựu kể bên trong khu quân sự có lăng mộ và đền thờ ông Võ Tánh, vị tướng theo phò chúa Nguyễn Ánh và tuẫn tiết năm 1801 khi quân Tây Sơn vây thành Quy Nhơn. Lăng mộ do chúa Nguyễn Ánh xây dựng.Năm 1968, sau trận tổng tấn công Tết Mậu Thân, thỉnh thoảng vẫn còn những lần pháo dội về hướng Bộ tổng tham mưu. Có lần, một trái pháo không biết từ đâu phóng tới, rớt xuống đoạn đường rầy gần ga Phú Nhuận, chui xuống kẽ giữa các thanh tà vẹt, nằm yên đó. Trái pháo này lớn, nếu nổ, có khi nhà ga Phú Nhuận và dân chúng gần đó sẽ gặp nguy hiểm. Bà con xóm chợ Ga bảo nhau: "Đó là nhờ đức ông Võ Tánh phù hộ độ trì nên xóm mới được bình an".Mọi người nhận ra từ khi đồng bào miền Bắc di cư vào hòa nhập với dân bổn địa hình thành xóm chợ này, xóm rất yên bình, chưa bao giờ có hỏa hoạn, làm ăn ngày càng phát triển. Vài cụ lớn tuổi bàn nhau nên có cách gì đó để tạ ơn đức ông Võ Tánh. Một ban tư tế được thành lập để tổ chức việc đó, đặt tại nhà ông Tăng, nơi có tiệm may Ngọc Loan do con gái ông mở. Vài người đến cổng số 2 Bộ tổng tham mưu xin phép vào lăng để thắp nhang cho đức ông, trở về cho biết là có vài bàn thờ trong lăng thiếu bộ lư, có thể do trong khu quân sự nên khó được chăm sóc chu đáo. Ban tư tế quyết định quyên góp trong xóm, khấn hứa mỗi năm sẽ dâng cúng ít nhất một hay vài bộ lư đồng.Từ đó, mỗi năm trong ngày lễ giỗ cúng ông, ban tư tế huy động cô bác trong xóm nấu xôi, sắm sửa quay nướng heo gà bày biện lên mâm lớn đẹp mắt, dùng vài cái bàn kết lại thành những cái kiệu, cột níu chắc chắn để đặt những bộ lư phía trên. Các cụ ăn bận áo dài khăn đóng tề chỉnh làm đại diện, vài thanh niên nam nữ trong xóm cũng lên quần áo tươm tất, gánh kiệu đội xôi, hình thành đám rước uy nghi dâng lư đồng cúng ông. Đám rước phải đi vòng khá xa, vòng ra đường Trương Tấn Bửu nối dài (nay là Đỗ Tấn Phong) ra đường Võ Tánh, rẽ vào cổng trại lính số 2 (nay là Hồ Văn Huê) mới đến được lăng.Từ năm 1968 cho đến 1974, xóm chợ Ga với những người theo Phật giáo, thờ ông bà đóng góp nhiều đợt mua được nhiều bộ lư đồng để cúng đức ông. Đó là những kỳ lễ trang trọng, khá độc đáo vì chỉ có ở mỗi xóm chợ Ga này. Sau năm 1974, xóm ngưng tiến hành lễ vì tình hình chiến sự căng thẳng, dân thường không được vào khu quân đội. Từ đó, kết thúc một tục lệ vừa mới hình thành rất có ý nghĩa của người dân ở đây.…Ngôi chợ Ga hiện giờ vẫn mua bán như bấy lâu nay trong bộ dạng cũ kỹ như cách nay mấy chục năm, phô bày những đầu hồi bằng gỗ và mái tôn gỉ sét. Khi đến thăm nhà ông Mười chủ đất, tôi thắp nhang và thấy lại tuổi thơ của mình qua cái nhìn hiền từ của ông, một cư dân cố cựu đất Gia Định xưa đã trải qua bao thăng trầm trên khu đất chợ Ga này. Tags: Chợ ga thân yêuChợ ga Phú NhuậnChợ ga nhà ông MườiChợ GaPhú NhuậnSài GònKý ức xưaSài Gòn xưaPhạm Công Luận
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam và Malaysia chia sẻ những lợi ích chiến lược trong thế giới biến động THANH HIỀN 22/11/2024 Sáng 22-11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và phát biểu tại trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất của Malaysia.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.