Như Tuổi Trẻ Online phản ánh, sáng 18-6, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip cô gái lao ra giữa đường ray để tạo dáng chụp ảnh, bất chấp một đoàn tàu đang lao tới.
Thấy vậy, chủ quán cà phê vội vàng lao đến, kịp thời đẩy cô gái là vị khách của quán mình ra khỏi đường ray trước khi tàu chạy đến.
Sau đó, chủ quán bị chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm hành chính.
Xung quanh câu chuyện này khơi lên nhiều ý kiến tranh luận.
Người thì đề nghị dẹp ngay cà phê đường tàu để tránh những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra. Ngược lại, cũng không ít ý kiến cho rằng không thể vì hành vi bất thường của cô gái làm "chết" oan sản phẩm du lịch độc đáo.
Một số ý kiến đề nghị nên học cách làm của nước láng giềng Thái Lan, bởi nơi đây còn họp chợ trên đường tàu.
Vậy, chợ đường sắt ở Thái Lan hoạt động ra sao và có an toàn?
Chợ đường sắt "mạo hiểm tính mạng"
Đó là ngôi chợ có tuổi đời hơn 100 năm, được hình thành trước khi khánh thành đường sắt Maeklong (Thái Lan) vào năm 1904.
Được mệnh danh là ngôi chợ độc nhất vô nhị của người Thái, chợ đường sắt Maeklong ở tỉnh Samut Sakhon, cách thủ đô Bangkok 60km, nổi tiếng với hình ảnh những tiểu thương dựng sạp cách đường ray chỉ trong gang tấc và bày bán hàng trực tiếp dọc theo hai bên.
Ngày nay, ngôi chợ chỉ dài 100m không chỉ dừng lại ở việc mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là địa điểm thu hút khách du lịch tới tham quan và khám phá.
Người ta quen gọi ngôi chợ là chợ Siang Tai, có nghĩa là "mạo hiểm tính mạng", cũng vì cách thức hoạt động đặc biệt của nó.
Chợ Maeklong, video quay từ trên tàu, khi tàu đi qua các hàng quán lại buông mái che xuống - Video: Cát Khuê
Theo đó, mỗi ngày, những người bán ở chợ hết thu vào rồi lại bày đồ ra để dẹp đường cho xe lửa chạy ngang, vì xe lửa hiện vẫn còn đang hoạt động trên tuyến đường sắt Maeklong cắt ngang khu chợ, dù chỉ di chuyển chậm ở vận tốc khoảng 30km/h.
Đều đặn như một cỗ máy, trước khi tàu tới 3 phút, các tiểu thương nhịp nhàng thu gọn hàng hóa của họ lại, người mua và du khách cũng đứng sát vào một bên.
Đoàn tàu vừa lướt qua, hàng hóa lại được bày ra, mọi thứ trở lại tấp nập và nhộn nhịp như chưa có gì xảy ra vài phút trước đó.
Làm gì để an toàn khi một ngày né xe lửa đến 8 lần?
Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, trung bình một ngày ngôi chợ phải né xe lửa đến 8 lần. Du khách đến đây đều rất ngạc nhiên, song cũng thích thú trước cảnh tượng này.
Dù hiếm có tai nạn xảy ra, tháng 11 năm ngoái, báo Pattaya Mail cho biết chợ đường sắt Maeklong đã bắt đầu áp dụng quy trình an toàn.
Cụ thể, ban quản lý chợ yêu cầu tiểu thương dựng sạp cách đường ray ít nhất 40-70cm. Song, các sạp hàng vẫn được phép đặt cọc dựng bạt che nắng trên đường ray và chỉ việc gấp chúng lại khi có tàu đến.
Biện pháp trên nhằm giảm bớt ùn tắc giao thông và ngăn ngừa tai nạn có thể xảy ra khi tàu chạy ngang, nhưng vẫn giữ nguyên hoạt động gấp bạt, mang tính biểu tượng của ngôi chợ.
Cũng vì hành động này, khu chợ này còn được biết đến với cái tên "Rom Hoob", có nghĩa là gấp dù.
Ngoài ra, ban quản lý chợ này cũng muốn mở ra không gian rộng hơn, thuận tiện và an toàn hơn cho du khách đi dạo và dừng lại chụp ảnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận