Một binh sĩ ly khai bên đống đổ nát ở làng Olenivka, phía nam Donetsk tại miền đông Ukraine - Ảnh: Reuters |
Theo đó, các nhà lãnh đạo này sẽ gặp nhau tại Minsk (Belarus) ngày 11-2 để tiếp tục tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Reuters dẫn lời người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert nói trong một tuyên bố: “Các nhà lãnh đạo đã thảo luận sâu hơn về một loạt biện pháp nhằm giải quyết xung đột ở miền đông Ukraine. Việc này sẽ tiếp tục vào ngày 9-2 tại Berlin với mục tiêu tổ chức hội nghị cấp cao ở Minsk ngày 11-2”.
Ông này cho biết các bên ký vào thỏa thuận Minsk hồi năm ngoái bao gồm đại diện Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Nga, Ukraine và quân ly khai cũng sẽ gặp nhau tại thủ đô Belarus vào ngày 11-2.
Trong diễn biến mới nhất, như AFP cho biết, chiến sự tại miền đông Ukraine tiếp tục diễn ra, trong khi Kiev cáo buộc quân ly khai đang tích trữ vũ khí hạng nặng chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới. Trước đó các nhà lãnh đạo phương Tây yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ rõ thái độ và có những động thái cương quyết chứng minh rằng Matxcơva thật sự muốn hòa bình cho Ukraine.
Ông Putin nói nước Nga đang không tham chiến và cũng không muốn chiến tranh với bất cứ ai. Ông cũng chỉ trích các lệnh cấm vận của phương Tây lên Matxcơva khi khủng hoảng ở Ukraine thêm trầm trọng.
Thời khắc bước ngoặt
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói số phận bản kế hoạch hòa bình cho Ukraine do Đức và Pháp thúc đẩy sẽ trở nên rõ ràng trong vòng 2-3 ngày tới. AFP dẫn lời ông Steinmeier nhấn mạnh vẫn còn quá sớm để dự đoán sự thành công của sáng kiến ngoại giao này, điều mà Tổng thống Pháp François Hollande mô tả là “một trong những cơ hội cuối cùng” để chấm dứt 10 tháng xung đột tại Ukraine.
AFP dẫn một nguồn tin ngoại giao Mỹ cho biết kế hoạch hòa bình dựa trên thỏa thuận ngừng bắn ký tại Minsk (Belarus) hồi tháng 9-2014 nhưng thừa nhận những sáng kiến này vẫn còn “rất nhiều thay đổi”.
Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình Pháp France 2, ông Hollande cho biết đề xuất hòa bình mới bao gồm việc tạo ra một khu vực phi quân sự trải dài 50-70km dựa trên chiến tuyến hiện tại ở miền đông Ukraine.
Tuy nhiên, sáng kiến vấp phải sự phản đối của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vì Kiev đã mất một phần lãnh thổ vào tay quân nổi dậy kể từ khi thỏa thuận Minsk được ký. “Chỉ có một đường ranh giới thôi và đó là đường ranh giới từ thỏa thuận Minsk” - ông Poroshenko nói.
Trong khi đó Tổng thống Pháp Hollande nhìn nhận: “Nếu chúng ta không tìm thấy một thỏa thuận hòa bình cuối cùng, chúng ta biết kịch bản hoàn hảo cho việc này. Nó có một tên gọi là chiến tranh”.
Mỹ sẽ hỗ trợ thêm cho Ukraine
Các nhà lãnh đạo phương Tây cùng lên án Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine nhưng lại có những quan điểm khác nhau về việc hỗ trợ quân sự cho chính quyền Kiev.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng việc gửi vũ khí hỗ trợ Ukraine chống quân ly khai thân Nga sẽ không giúp gì cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại đất nước này. Pháp và Áo cũng ủng hộ lập trường này của bà Merkel.
Đáp lại, theo Reuters, các nghị sĩ Mỹ chỉ trích mạnh mẽ tuyên bố của bà Merkel, cáo buộc Berlin quay lưng lại với đồng minh trong tình thế hiểm nghèo.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua 8-2 bác bỏ việc có sự chia rẽ giữa Washington và châu Âu về cách ứng phó với Nga sau khi các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ chỉ trích kịch liệt Đức và các nước khác phản đối vũ trang cho quân đội Ukraine.
Thượng nghị sĩ Mỹ Lyndsey Graham và John McCain thuộc Đảng Cộng hòa tham dự hội nghị tại Munich chỉ trích: “Người Ukraine đang bị giết chết và chúng ta đang gửi cho họ chăn và các bữa ăn. Chăn không tốt trong việc chống lại xe tăng của Nga”.
Trong khi đó, như AFP cho biết, Mỹ đang xem xét khả năng hỗ trợ bổ sung cho Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Kerry nói: “Tôi không có nghi ngờ gì việc hỗ trợ bổ sung trên phương diện kinh tế và các phương diện khác sẽ đến với Ukraine”. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ không đề cập đến chuyện Washington có gửi vũ khí đến cho Kiev hay không.
Trả lời phỏng vấn kênh NBC, ông Kerry nói: “Và chúng ta hiểu rằng không có giải pháp quân sự nào hết. Giải pháp ở đây là chính trị và ngoại giao”. Cho đến nay, Mỹ mới chỉ hỗ trợ các thiết bị quân sự không sát thương cho Kiev như áo giáp và mũ bảo hiểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận