Tại thôn Làng Nủ, tính đến chiều 15-9, theo số liệu của Sở chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn, hiện số người tử vong do lũ quét, sạt lở đất xác định được là 52 người, trong đó có 1 trường hợp chết tại bệnh viện.
Làng Nủ còn 14 người mất tích
Số người còn mất tích được xác định là 14 người, giảm so với số liệu trước đó.
Trong những ngày qua, tại Làng Nủ trời nắng nóng đã làm nền đất bị khô và dần nén chặt khiến việc dò tìm tung tích nạn nhân càng thêm khó khăn.
Việc tìm kiếm cũng được mở rộng ra dọc khu vực hạ lưu của dòng suối, kéo dài nhiều km. Hàng trăm chiến sĩ, công an, dân quân, người dân hiệp đồng, tích cực chạy đua với thời gian tìm kiếm người dân đang bị vùi lấp, mất tích.
Lực lượng tìm kiếm đã lật từng cây gỗ, bới từng lớp bùn đất dày. Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên Trần Văn Mạnh nêu rõ dù vất vả nhưng các lực lượng vẫn đặt quyết tâm tìm nhiều nhất các nạn nhân còn mất tích trong thời gian sớm nhất để đưa về với người thân, gia đình.
Trong khi đó, người thân các nạn nhân vẫn túc trực liên tục tại khu vực nhà văn hóa thôn để theo dõi, hỗ trợ việc tìm kiếm. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, anh Hoàng Văn Voi (35 tuổi) nói những ngày qua anh đã cùng tham gia hỗ trợ việc tìm kiếm người dân trong thôn cũng như anh trai Hoàng Văn Giới (39 tuổi) còn đang mất tích.
Theo anh Voi, đã qua 5 ngày xảy ra vụ lũ quét, các lực lượng chức năng dù rất vất vả, gian khổ nhưng vẫn đang tích cực tìm kiếm. Do vậy anh và cũng như nhiều người dân khác đều mong muốn có những phép màu để các lực lượng chức năng sớm có thể đưa các nạn nhân bị vùi lấp mất tích trở về với người thân, gia đình.
Chưa tìm thấy nạn nhân trong xe tải ở Phong Châu
Trong ngày 15-9, các chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ, Lữ đoàn công binh 543 và Công an tỉnh Phú Thọ cùng thợ lặn tiếp tục triển khai tìm kiếm người liên quan vụ sập cầu Phong Châu hôm 9-9.
Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Phú Thọ đã huy động thêm 30 chiến sĩ được trang bị thiết bị lặn chuyên dụng để tiếp cận hiện trường cách cầu Phong Châu bị sập gần 100m về phía hạ lưu - vị trí nhịp cầu Phong Châu trôi sau khi sập và có ô tô đầu kéo đang mắc kẹt.
Công an tỉnh Phú Thọ cho biết đến trưa 15-9, lực lượng chức năng không tìm thấy nạn nhân trong cabin xe tải. Lực lượng chức năng đang huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị triển khai phương án tìm kiếm nạn nhân mất tích và trục vớt phương tiện bị nạn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 15-9, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông (Phú Thọ), thông tin sau khi nước sông rút, các lực lượng cứu hộ đã tìm kiếm nạn nhân, lên phương án trục vớt hiện trường cầu Phong Châu bị sập và lắp cầu phao tạm thay thế.
Ông Hùng cũng cho hay hiện mới tìm thấy 1 nạn nhân cách vị trí cầu Phong Châu khoảng 10m và đã bàn giao cho gia đình. Như vậy tính đến chiều 15-9, vụ sập cầu Phong Châu đã tìm thấy 1 nạn nhân tử vong, 3 nạn nhân được cứu sống.
"Hiện còn 7 nạn nhân vẫn đang được các lực lượng phối hợp tìm kiếm. Bên cạnh việc tìm kiếm tại khu vực cầu Phong Châu, các lực lượng cũng phối hợp các địa phương phía hạ nguồn để rà soát trường hợp nạn nhân bị nước lũ kéo trôi", ông Hùng nói.
Về việc lắp đặt cầu Phong Châu tạm để người dân đi lại, ông Hùng thông tin hai bến phà đã được lực lượng quân đội dọn dẹp, đồng thời gia cố các khu vực bị sạt lở. Dự kiến 1 - 2 ngày tới, khi điều kiện an toàn đảm bảo sẽ lắp đặt cầu phao.
Hôm nay học sinh Làng Nủ đi học lại
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thầy Phạm Đức Vinh, hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai), cho hay sau khi trao đổi với phụ huynh, trường quyết định chuyển toàn bộ học sinh của thôn Làng Nủ về trường chính để học. Các em được bố trí ăn ngủ tại trường để đảm bảo an toàn.
"Chúng tôi đã tổng dọn vệ sinh toàn trường và kê thêm bàn tại các lớp để đón gần 100 học sinh của các gia đình ở thôn Làng Nủ, từ lớp 1 tới lớp 9 đến học, ăn ở lại tại trường, lớp. Trong ngày 16-9, trường sẽ đón các em học lại", thầy Vinh nói.
Chuyến xe cứu trợ tới vùng biên giới Bát Xát
Sau một tuần bị cô lập, xã A Lù, huyện Bát Xát (Lào Cai) mới có một chuyến xe chở hàng cứu trợ đến nơi.
Tuyến đường duy nhất đến được xã A Lù phải đi từ trung tâm huyện Bát Xát qua xã Y Tý khoảng 70 cây số. Tuy nhiên mới chỉ tiếp cận được đến khu vực trung tâm xã Ngải Thầu cũ (đã sáp nhập vào xã A Lù). Còn gần 15 cây số mới đến trung tâm xã A Lù.
Từ xã Y Tý sang Ngải Thầu hơn 5 cây số có hơn chục điểm sạt lở mới chỉ được khắc phục tạm. Nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chiều tối 14-9, mới có sóng điện thoại, nửa đêm qua mới thông đường, 6h sáng, chiếc xe tải đầu tiên chở 400 suất quà vượt đèo sạt lở đến A Lù.
Chuyến xe chở những món quà của nhóm thiện nguyện Thiện Ước (Hà Nội) mất hai ngày để di chuyển từ Hà Nội về đây. Những suất quà bao gồm: gạo, cá khô, lạc rang, dầu ăn, nước mắm và một số nhu yếu phẩm khác. Thào A Giáy (ở thôn Phìn Chải) tay run run nhận suất quà từ các bạn trẻ. Nhà của A Giáy bị đất đá sạt xuống sập mất, anh phải ở nhờ nhà văn hóa của thôn mấy ngày nay.
Ở nhà văn hóa của thôn có 7 hộ gia đình cùng ở. Ban ngày họ đi làm, đi lấy rau về chăn lợn. Đêm đến lên nhà văn hóa ngủ để tránh sạt lở. Không có điện, không có sóng điện thoại, đường đi cũng mất. Thóc trong nhà đã bị nước mưa làm cho mọc mầm, không ăn được. Bộ đội biên phòng đã phát gạo cho dân.
Ông Lù A Sình, bí thư Đảng ủy xã A Lù, cho hay có rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm, cứu nạn cũng như khắc phục hậu quả mưa bão. Từ việc ăn uống, sinh hoạt... hiện tại các thôn gần như không có nước sạch.
Lù A Súng (thôn Phìn Chải) cho hay chưa bao giờ người dân ở đây bị sạt lở nhiều như vậy. Đỉnh núi Ngải Thầu Thượng cứ thỉnh thoảng lại có tiếng nổ như sấm, sau đó là tiếng ầm ầm, vì cây đổ, đá lăn.
Người dân Ngải Thầu Thượng, Ngải Thầu Hạ, Phìn Chải... đi từ sáng sớm đến trường học nhận quà cứu trợ. Ai cũng hăng hái giúp nhóm tình nguyện chuyển hàng xuống xe. Trưởng các thôn đọc danh sách từng hộ gia đình bước lên nhận quà. Ai cũng được quà mang về, nhà đủ cái ăn trong mấy ngày nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận