TTCT - Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực từ ngày 4-11, nhờ sự đồng thuận phê duyệt của đa số các quốc gia chiếm 55% lượng xả khí thải nhà kính trên toàn cầu, là một chiến thắng đáng ăn mừng nhưng như các nhà bình luận ví von, đấy mới là một chiếc xe mà bánh còn chưa bám xuống đường. Toàn cảnh hội nghị COP22 Vì Marrakech (Morocco) - nơi diễn ra hội nghị lần thứ 22 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP22) (ngày 7 đến 18-11), mới là lúc gần 200 quốc gia từng vỗ tay ăn mừng cho “chiến thắng chung” cách đây gần một năm - phải nỗ lực đưa những nguyên tắc trên giấy tờ vào thực tiễn. Khi chiếc xe lăn bánh, ma sát sẽ xuất hiện và những căng thẳng lợi ích chắc chắn trở lại. Những thành công và dấu hỏi ở Paris Các nhà ngoại giao ở Paris đã hoàn thành một nhiệm vụ không tưởng: quy đồng mẫu số cho 195 quốc gia có quá nhiều khác biệt thông qua một thỏa thuận có tính chất ràng buộc pháp lý. Các cuộc đàm phán trước đây tập trung vào việc phân chia công bằng gánh nặng xả thải giữa các nước đã nhanh chóng đi vào bế tắc. Ai cũng biết rằng điều này tốt cho tất cả nhưng đều có lý do để không hành động, khiến Nghị định thư Kyoto và Hội nghị COP15 ở Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009 đều thất bại. Các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ khẳng định không thể bắt họ chịu trách nhiệm về quá trình biến đổi khí hậu vốn có lịch sử lâu dài. Họ cũng không chấp nhận chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo đắt đỏ trong bối cảnh cần tăng trưởng kinh tế. Các nước phát triển, đứng đầu là Mỹ, ngần ngại với viễn cảnh phải gánh vác một mình, cũng như chịu nhiều áp lực từ các nhóm lợi ích trong nước. Đàm phán ở Paris, vì thế, đưa ra một chiến lược độc đáo, từ dưới lên (bottom-up) thay vì xây nhà từ nóc (top-down, mô hình đàm phán có từ Hội nghị Rio 1992). Đây là lần đầu tiên các quốc gia có 9 tháng chuẩn bị một cam kết tự nguyện về giảm thải khí nhà kính (INDC) trước khi đàm phán, thay vì vào phòng đàm phán mới được phát một bản kế hoạch như trước kia. Kết quả của việc trao quyền tự quyết cho các quốc gia là họ đã tự nguyện thống nhất mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Kết quả đó cho thấy rào cản với chống biến đổi khí hậu không phải sự chia rẽ về quan điểm. Một nhóm các quốc gia tự gọi mình là “Liên minh hoài bão lớn” (High-Ambition Coalition) - bao gồm cả các nước giàu như Canada, Na Uy và Mỹ, cùng một số nước nghèo ở Caribê, châu Phi hạ Sahara, Mỹ Latin và Thái Bình Dương - đã dung hòa khéo léo những khác biệt không tưởng về văn hóa, địa lý, lịch sử và kinh tế. Đầu tháng 9 vừa qua, cái bắt tay giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đại diện cho hai quốc gia xả khí thải nhiều nhất hành tinh, là chất dẫn cho Hiệp định Paris “bùng nổ”: trước Mỹ và Trung Quốc, chỉ có 23 quốc gia phê chuẩn hiệp định. Tuy nhiên, ma sát lịch sử giữa các nước giàu và nghèo vẫn còn đó. Suốt Hội nghị Paris, nhiều nước, mà chủ đạo là Trung Quốc và Ấn Độ, liên tục nhắc đến “trách nhiệm chung nhưng có phân biệt” giữa hai phía. Một số bất đồng cũng mới chỉ được thỏa thuận bằng ngôn ngữ thiếu chắc chắn, những thứ mà các nhà đàm phán ở Marrakech sẽ phải nỗ lực biến thành các quy định cụ thể. Lại chuyện tiền nong Vấn đề tiền nong, đã gây ra bất đồng trong quá trình đàm phán tại Paris, có lẽ vẫn là chủ đề nóng ở Marrakech. Trong Hiệp định Paris, các nước giàu đã cam kết huy động 100 tỉ USD giúp các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu từ năm 2020. Nhưng đấy là một cam kết mơ hồ đã dẫn đến thất bại của Hội nghị Copenhagen 2009: hứa hẹn hùng hồn, nhưng hành động thì lạc lối và phó mặc vì thiếu các chi tiết cụ thể hóa. Các nhà đàm phán tại Marrakech sẽ phải vật lộn với những câu hỏi ai sẽ chi số tiền này, tính toán chúng như thế nào và sử dụng ra sao. Giữa Mỹ và Trung Quốc tại Hội nghị Paris có thể là cái bắt tay bằng mặt nhưng chưa thật bằng lòng. Nghị định thư Kyoto 1997 đặt ra thời hạn 10 năm không phải tham gia nghĩa vụ giảm khí thải nhà kính cho các nước đang phát triển và chỉ trong một thập kỷ đó, Trung Quốc tăng trưởng kinh tế vũ bão đi kèm với một kỷ lục khác: năm 2006, họ vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia xả khí thải nhiều nhất hành tinh. 10 năm được cho phép đứng ngoài cuộc ấy có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Chuyện ai chi tiền tất nhiên gây cãi vã nhiều nhất. Các nước giàu cẩn thận nhấn mạnh rằng “huy động tài chính chống biến đổi khí hậu có thể từ nhiều nguồn, phương tiện và các kênh khác nhau” tính gộp vào cái mốc 100 tỉ USD kia, bao gồm cả tiền từ khu vực tư nhân, ví dụ như một khoản vay của một công ty Mỹ để phát triển dự án năng lượng mặt trời ở Ấn Độ chẳng hạn. Nếu tính cách này thì khoản tiền thật sự mà các nước giàu phải móc hầu bao trực tiếp giảm đi rất nhiều. Một báo cáo chung của Úc và Anh tháng trước cho thấy với cách tính này, các nước giàu có thể dễ dàng hoàn thành mục tiêu 100 tỉ USD trong Hiệp định Paris. Các nước đang phát triển tất nhiên phản đối. Họ muốn nhận tiền trực tiếp từ chính phủ các nước cam kết chi tiết và qua các dự án hỗ trợ phát triển. Họ cho rằng sẽ rất khó xác định xem các khoản vay tư nhân có thật sự do nhà nước thúc đẩy hay không. Theo thang tính của các nước đang phát triển, các nước giàu có lẽ chỉ hoàn thành nổi 15% mục tiêu 100 tỉ USD vào năm 2020. Nếu mục tiêu này thất bại, Hiệp định Paris coi như là một văn bản “chết” vì như mọi khi, tiền lưng không sẵn thì chẳng xong việc gì! Nếu may mắn thống nhất được cách tính, vẫn còn một rào cản nữa: giải ngân thế nào. Các nước đang phát triển muốn nhận hỗ trợ tài chính qua Quỹ khí hậu xanh (Green Climate Fund - GCF), một tổ chức được thành lập vào năm 2010 để giải ngân các khoản hỗ trợ chống biến đổi khí hậu. GCF được các nước đang phát triển đánh giá cao, vì cam kết hỗ trợ bình đẳng cho các nỗ lực thích ứng lẫn giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, các nước phát triển lại thích hỗ trợ tài chính hơn cho các dự án như kiểu năng lượng sạch, vốn dễ thu hút tài trợ hơn từ khu vực tư nhân và cũng để thúc đẩy kinh tế ở chính các nước giàu, vốn luôn đi trước rất xa trong lĩnh vực này. Hiện GCF đã có 10 tỉ USD nhưng hành trình phía trước vẫn còn rất dài. Tất cả sẽ lại là chờ đợi, ở Marrakech. COP21 ở Paris là một bước tiến dài, nhưng hành trình chống biến đổi khí hậu còn rất gian nan -un.org Chiếc xe giật lùi Đáng lo ngại hơn, chiếc xe chống biến đổi khí hậu còn chưa kịp lăn bánh có thể sẽ phải lại giật lùi một khoảng xa sau kết quả bầu cử ở Mỹ. Reuters ngày 14-11 dẫn một nguồn giấu tên nói chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ “tìm những cách thức nhanh nhất có thể để rút lui khỏi thỏa thuận Paris”. Nguồn tin của Reuters, mà họ nói “thuộc nhóm chuyển giao của Trump”, khẳng định phe Cộng hòa - với nhiều người vẫn gọi biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp - đang tìm những cách khả dĩ rũ bỏ thỏa thuận Paris. “Thật vội vã khi thỏa thuận Paris lại đi vào hiệu lực trước bầu cử” - nguồn tin của Reuters nói. Nhưng tất nhiên, “vội vã” với người này có thể lại là “vừa kịp lúc” với người khác. Ngày thỏa thuận có hiệu lực (4-11), chỉ ba ngày trước cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ, thật không khác gì một “đám cưới chạy tang” khi những ai đặt bút ký hiệp định tại Paris hẳn cũng đã nghĩ trước tới sự sao đổi vật dời ở Mỹ, mà giờ đang diễn ra trên thực tế. Còn nếu việc xé bỏ thỏa thuận Paris quá khó khăn, một giải pháp khác của chính quyền mới là rút khỏi nghị định thư 1992, vốn là “hiệp ước mẹ” của thỏa thuận Paris. Cuối cùng là cách làm thô bạo nhất: ban hành một sắc lệnh tổng thống xóa chữ ký của Mỹ ở Paris, theo Reuters. Tất nhiên, nhiều nước hi vọng Mỹ sẽ hành xử khác. Chủ nhà của hội nghị Marrakech nói họ quyết tâm tới mức “nếu một bên rút lui thì không có nghĩa là thỏa thuận đạt được sẽ bị nghi ngờ”, theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Morocco Salaheddine Mezour, đồng nghĩa ngay cả nếu Mỹ có muốn bỏ cuộc, phần còn lại của thế giới vẫn sẽ tiếp tục tiến lên trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chính quyền đương nhiệm của Mỹ, sau những ngậm ngùi thua trận, đang cố gắng làm hết sức những gì có thể. Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry nói hôm 13-11 rằng ông sẽ tiếp tục các nỗ lực để triển khai Hiệp định Paris tới ngày 20-1-2017, ngày ông Obama phải rời Nhà Trắng. “Cộng đồng khoa học đã kết luận rằng không còn gì để nghi ngờ về biến đổi khí hậu - ông Kerry nói trong chuyến thăm New Zealand - Chúng ta không thể mãi né tránh hành động”. Giống như lời kêu gọi của ông Kerry, tại Marrakech, các quốc gia sẽ cố gắng duy trì động lực đã được tạo ra ở Paris. Họ có thể sẽ lại báo cáo rằng hội nghị thành công tốt đẹp, mà không phải băn khoăn rằng đó có phải lời nói dối hay không. Chiến thắng sự ích kỷ, vị lợi lẫn sự mặc cả trách nhiệm là một cuộc chiến lâu dài và một tuyên bố thành công đơn giản chỉ là để mở cửa cho những bứt phá hứa hẹn trong tương lai. Nếu trách nhiệm không xóa nhòa những ranh giới, thì nỗi sợ hãi về một thảm họa toàn cầu có thể xảy ra trong tương lai sẽ làm điều đó.■ Những bước tiến đáng khích lệ Paris không chỉ chứng kiến chiến thắng của chiến lược đàm phán đúng đắn, mà còn cho thấy những tác động nhãn tiền của biến đổi khí hậu đã buộc các nước phải thay đổi và chung tay hành động. Sương mù ô nhiễm bao phủ Bắc Kinh và bầu không khí nghẹt thở ở New Delhi ngay trong thời gian diễn ra COP21 buộc các nước này phải nhìn nhận thực tế về cái giá của biến đổi khí hậu. Những tiến bộ đáng kể về triển khai năng lượng sạch trên toàn cầu cũng cho thấy nhân loại đang thay đổi. Theo báo cáo mới nhất của Mạng lưới an ninh năng lượng REN21, năng lượng tái tạo hiện đã có thể đáp ứng được 1/4 nhu cầu năng lượng trên thế giới. Nhiều thành phố, cộng đồng, công ty trên toàn cầu đang đặt mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo, bao gồm nhiều thành phố lớn ở Mỹ và cả bang Hawaii. Nhiều nước cũng đã áp giá trần carbon, mới nhất là Canada, với mục tiêu năm 2018 đi vào hiện thực. Trung Quốc sắp khởi động chương trình thí điểm hạn chế và bán lại (cap-and-trade: hạn chế lượng khí thải một công ty có thể thải ra, nhưng đồng thời cho phép mua quyền thải thêm từ một công ty không sử dụng hết lượng khí thải cho phép) quy mô quốc gia, hứa hẹn tạo ra một thị trường carbon lớn nhất thế giới từ trước đến nay. Tags: Biến đổi khí hậuHiệp định ParisMarrakechXả khí thải nhà kính
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 23-11: Ông Putin tuyên bố sản xuất thêm tên lửa Oreshnik vì thấy hiệu quả BÌNH AN 23/11/2024 Mỹ hạn chế nhập khẩu thực phẩm, kim loại từ nhiều công ty Trung Quốc; Ukraine cầu cứu xin hệ thống phòng không tốt hơn.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
Tin tức sáng 23-11: Quốc hội họp bàn về AI; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100 TUỔI TRẺ ONLINE 23/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội họp bàn về công nghệ số, phát triển trí tuệ nhân tạo; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100; TP.HCM tiêm vắc xin sởi cho trẻ 6 - 9 tháng tuổi...
Ông Putin nói 'không ai trên thế giới' có tên lửa siêu vượt âm giống Oreshnik THANH BÌNH 23/11/2024 Ông Putin nói tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik không phải là phiên bản nâng cấp của các vũ khí có từ thời Liên Xô.