Phóng to |
Ông Obama gặp ông Tập Cận Bình lần đầu vào tháng 2-2012 khi ông Tập là phó chủ tịch nước - Ảnh: Reuters |
Khung cảnh đón ông Tập là ốc đảo Sunnylands với những hàng ôliu xanh dịu và hồ nước nhân tạo - đầy những hình ảnh biểu tượng. Cuộc gặp thượng đỉnh này, chỉ vài tháng sau khi ông Tập nhậm chức, cũng là một cử chỉ bày tỏ nồng ấm. Thường Washington chỉ mời lãnh đạo Trung Quốc qua Mỹ một năm sau khi họ nhậm chức - thời gian đủ để họ tập trung quyền lực và ổn định chính sách.
Các cố vấn của ông Obama nói tổng thống muốn có mối quan hệ cá nhân với ông Tập - điều ông không làm được với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Các cố vấn cũng nói ông Obama không hài lòng khi trong hơn chục lần nói chuyện với ông Hồ Cẩm Đào, câu trả lời luôn là từ tờ chương trình khô khan được chuẩn bị sẵn.
Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo, được cả Nhà Trắng và Bắc Kinh nhấn mạnh, là nhằm thúc đẩy quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo. Với Washington, đây là cơ hội để hiểu rõ hơn về ông Tập và định hướng chính sách mới của ông. Giống như ông Giang Trạch Dân với thuyết “Ba đại diện”, Hồ Cẩm Đào với “Xã hội hài hòa”, ông Tập Cận Bình khi mới nhậm chức đã đưa ra thông điệp về “Đại phục hưng” và “Giấc mơ Trung Quốc”. Tuy vậy, cho đến nay nội hàm thật sự của học thuyết mà ông Tập muốn theo đuổi vẫn còn là một dấu hỏi. “Đại phục hưng” có nghĩa là Trung Quốc tiếp tục “cứng rắn” trong chính sách ngoại giao? Câu hỏi này hiện chưa có lời đáp.
Những nghi ngờ của hai bên vẫn còn đó. Ông Tập và đoàn tùy tùng sẽ chọn ở khách sạn Hyatt gần đó thay vì ở ngay tư dinh giữa sa mạc này. Với Mỹ, những cuộc tấn công của tin tặc Trung Quốc, đặc biệt là đối với chương trình vũ khí công nghệ cao của Mỹ, đang là vấn đề nhức nhối. AP cho biết những vấn đề dân chủ, nhân quyền và các điểm nóng như Syria, CHDCND Triều Tiên cũng là những chủ đề sẽ được nêu ra.
Trong sáu giờ gặp gỡ và một bữa tối trong hai ngày, quan chức hai bên hi vọng ông Obama và ông Tập sẽ hiểu nhau hơn và tìm ra những cách thức kiểm soát mối quan hệ chồng chéo phức tạp giữa hai bên.
New York Times dẫn lời các nhà phân tích ở Bắc Kinh nói ông Tập có hai mục đích: một mặt là gây dựng niềm tin đồng thời thể hiện sự tự tin của cá nhân và Trung Quốc, mặt khác là mong muốn mối quan hệ ổn định có hiệu quả với Mỹ.
“Bắc Kinh vẫn lo ngại về ý đồ thật sự của Mỹ. Trung Quốc hi vọng chuyến đi sẽ giúp xây dựng mối quan hệ cá nhân giữa hai lãnh đạo để có thể điều tiết các xung đột giữa hai bên - ông Sun Zhe, giám đốc Trung tâm quan hệ Mỹ - Trung thuộc Đại học Thanh Hoa, nhận định - Nhưng cũng không nên kỳ vọng quá nhiều; nếu không, có thể dẫn tới thất vọng”.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã nóng lên với việc Mỹ chuyển trục chiến lược sang châu Á, một điều bị Trung Quốc xem là nhằm kiểm soát ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực. Tại hội nghị Shangri - La vừa diễn ra, Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel dù lên tiếng chỉ trích tin tặc Trung Quốc, lại đã trấn an Trung Quốc khi nhấn mạnh chiến lược tái cân bằng của Mỹ chủ yếu là về “đối ngoại, kinh tế và văn hóa” thay vì là quân sự như vẫn được hiểu ban đầu.
Với “sự ngờ vực chiến lược” giữa hai bên còn đó, không phải các học giả đều tin vào một hội nghị thượng đỉnh thành công. Các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung thường được kỳ vọng nhiều và thường kết thúc bởi thất vọng vì những bất đồng cơ bản vẫn y nguyên. Michael Auslin viết trên tờ Foreign Policy rằng “Ông Tập chưa sẵn sàng.” Theo ông, Trung Quốc sẽ không sẵn sàng thay đổi khi “chính sách đối với Trung Quốc của Washington gồm toàn cà rốt mà không thấy cây gậy đâu”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận