22/09/2018 11:46 GMT+7

Chợ 'độc' miền Tây - kỳ 4: Chợ bò Tà Ngáo

CHÍ HẠNH
CHÍ HẠNH

TTO - Ngày nào cũng vậy, sóc Tà Ngáo ở ấp Phú Tâm, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, An Giang cứ rộn ràng tiếng "ụm ò" của hàng trăm chú bò. Nơi này là điểm giao thương bò duy nhất, độc đáo nhất miền Tây.

Chợ độc miền Tây - kỳ 4: Chợ bò Tà Ngáo - Ảnh 1.

Sau mỗi cuộc giao dịch thành công, bò được bấm khoen, đóng dấu và đưa lên xe tải chuyển đi khắp các tỉnh thành - Ảnh: BỬU ĐẤU

Bò "ngoại" vượt biên giới

Sóc nằm cách huyện Ki-ri-vông (tỉnh Tà Keo, Campuchia) chỉ một cánh đồng và con kênh Vĩnh Tế.

Theo lời truyền miệng của các bô lão, Tà Ngáo vốn được hình thành bởi những người dân vùng lân cận đến đây khai hoang, lập nghiệp.

Ngày trước, Tà Ngáo rất nghèo vì đất đai chỉ là cát trắng, rất khó khăn cho việc tăng gia sản xuất ruộng vườn. Cuộc sống của người dân trong sóc chủ yếu dựa vào cây thốt nốt.

Tà Ngáo là sóc nằm chơi vơi giữa cánh đồng, xung quanh được bao bọc bởi những hàng cây thốt nốt cao vút.

Lão nông Lê Văn Lon (82 tuổi), một người gắn bó với sóc Tà Ngáo từ những ngày đầu hình thành , nhớ lại: "Hồi trước, người dân trong sóc này xem bò như một báu vật, vì ai sở hữu bò đều cải thiện kinh tế đáng kể. Do đó mà có lúc bò được sống chung trong nhà với người dân".

Còn theo lời ông Thạch Khổng (78 tuổi) - một "chuyên gia" xem tướng bò nổi tiếng trong vùng, gần 20 năm về trước người dân sóc Tà Ngáo chỉ mua bán, trao đổi bò trong sóc với nhau.

Nhưng về sau này, dân trong vùng thấy nghề lái bò ăn nên làm ra nên mới băng đồng, lội sông qua tận Campuchia lùng sục bò mua về bán lại.

Ông Khổng nói: "Nghề lái bò coi vậy chứ không phải dễ ăn. Khi tìm mua được bò, dân lái trong sóc phải dẫn chúng hì hục bơi qua con kênh Vĩnh Tế để về nhà, có khi phải đến tận giữa khuya".

Dần dà về sau này không còn cảnh người dân Tà Ngáo phải đi sang nước bạn mua bò về bán. Thay vào đó, người dân ở phía bên kia biên giới tự đưa bò sang đây giao dịch.

Chỉ cần đến Tà Ngáo tầm từ 7h-9h sáng, ai cũng bắt gặp được cảnh thương lái đưa cả trăm con bò lớn nhỏ tiến lên bờ đê kênh Vĩnh Tế, rồi sau đó lùa chúng lên chẹt (một loại phương tiện vận chuyển) ùn ùn vượt qua biên giới.

Ban đầu, chuyện giao dịch bò ở sóc Tà Ngáo chỉ gói gọn trên mảnh đất rộng 8.000m2. Nhưng cách đây 8 năm, ngôi chợ bò duy nhất ở miền Tây này được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép hoạt động nên quy mô mở rộng lên gần 4ha đất.

Chợ độc miền Tây - kỳ 4: Chợ bò Tà Ngáo - Ảnh 2.

Từ những cuộc giao thương nhỏ lẻ, hiện nay sóc Tà Ngáo trở thành một chợ bò lớn nhất ở miền Tây - Ảnh: BỬU ĐẤU

Cách làm ăn ở chợ bò

Nhờ làm ăn có uy tín mà chuyện giao thương bò ở sóc Tà Ngáo vang xa khiến thương lái khắp miền Đông - Tây lui tới tấp nập. Bây giờ cặp hai bờ kênh Vĩnh Tế (cả phía Việt Nam lẫn Campuchia) nhà nhà đều có chuồng bò, bò có ở khắp xóm, cả làng đều theo nghề mua bán bò.

Chợ giao thương sôi động nhất là vào mùa nước nổi (từ tháng 7 đến hết tháng 12 âm lịch), bình quân mỗi ngày có gần 300 con bò được mua đi bán lại. Bò đến chợ này đủ các loại màu sắc, to nhỏ, mập ốm...

Người bán, kẻ mua đến đây từ rất sớm. Họ tụ họp để ngã giá trước hàng trăm con bò đi lại xen lẫn nhau. Tiếng người í ới hòa lẫn tiếng "ụm ò" của bò chộn rộn suốt ngày. Cả ngày đêm xe chở bò từ đây rầm rập tỏa đi tứ xứ.

Sóc Tà Ngáo không chỉ diễn ra chuyện mua bán bò để giết thịt mà thương lái đến đây tìm kiếm bò với nhiều nhu cầu khác nhau. Người mua về vỗ cho mập bán lại kiếm lời, người kiếm bò giống, và có người mua bò về để kéo xe, kéo cày.

Anh Nguyễn Văn Thắng, một thương lái đến từ Đồng Nai, tiết lộ người dân bên nước bạn rất thiệt tình và quen với kiểu buôn bán truyền thống "nhìn mặt bắt hình dong". Tức là thương lái và chủ bò đồng ý ước chừng trọng lượng con vật rồi giao tiền.

Còn đối với những người mua bò về dùng sức kéo chỉ cần săm soi những con có tướng mạo đặc biệt, có xoáy trên thân, trên đuôi... rồi chốt kèo giao dịch.

Ông Sam Ri, một chủ bò bên Campuchia, cho biết có bữa ông bán từ sáng đến trưa ngót nghét chục con bò, buổi chiều còn vớt vát được thêm vài con nữa.

"Có ngày nắng cũng có ngày mưa, có ngày bán ế là tôi phải cho bò đi "ở trọ". Rồi phải ra ngoài xóm mua cỏ làm thức ăn cho chúng, chờ hôm sau lái đến xem tiếp" - ông Sam Ri nói.

Những khu "nhà trọ" của bò mà ông Sam Ri nói đến là những khu chuồng nằm bao quanh chợ do ban quản lý chợ dựng lên. Đây là điểm "lưu trú" tập trung của bò "ngoại" khi người dân Campuchia mang qua bán không hết trong ngày.

Ở Tà Ngáo, không chỉ mỗi thương lái và chủ bò mới kiếm ra tiền mà người già, người trẻ trong làng cũng có cơ hội ăn nên làm ra.

Việc mua bán bò đã kéo theo nhiều nghề khác phát triển. Ở đây, trẻ em và phụ nữ có thể làm nghề cắt cỏ thuê hoặc dắt bò mướn, còn người già có tay nghề thì chuyên "xem bò" cho lái mà người ta gọi là "thầy bò".

"Từ đầu trên xóm dưới ít gì cũng chục thầy xem bò. Khi xem chính xác trọng lượng mỗi con bò giao dịch thành công, các thầy xem bò thường được lái trả công đến một hai trăm nghìn. Ở vùng này, ngay cả nghề hốt phân bò cũng kiếm được khá bộn tiền" - lão nông Lê Văn Lon cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Đông - phó ban quản lý chợ bò Tà Ngáo, hiện nay chuyện giao dịch bò ở Tà Ngáo được hợp pháp hóa và kiểm dịch nghiêm ngặt. Việc mua bán bò qua biên giới được tập trung về một chỗ ở bến kênh Vĩnh Tế.

Bên xã Kam-náp (huyện Ki-ri-vông, Campuchia) cũng có đầu mối thu gom bò chuyển về Tà Ngáo. Loại tiền giao thương chính ở Tà Ngáo là đồng riel của Campuchia. Mỗi con bò có giá dao động 1-6 triệu riel, tương đương 5-30 triệu đồng.

Mở đường để giao thương

Ông Nguyễn Văn Đông - phó ban quản lý chợ bò Tà Ngáo - cho biết: "Nhờ có nguồn cung ứng bò thường xuyên nên chợ bò Tà Ngáo không ngừng phát triển.

Từ một nơi xa xôi hẻo lánh, nay Tà Ngáo được mở năm con đường để giao thương. Đời sống người dân trong sóc cũng khấm khá hơn nhiều.

Chợ bò được chính quyền hai bên biên giới thường xuyên phối hợp duy trì trật tự, bảo vệ tốt an ninh vùng giáp biên".

________

Kỳ tới: Lên mây nhóm chợ

CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên