Nhiều điểm mua bán heo thừa vú mọc lên ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, một huyện rất phát triển ngành chăn nuôi heo - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Có một ngôi chợ độc đáo chỉ mua bán duy nhất một món hàng: heo thừa vú.
Dưới ánh đèn đường nhợt nhạt, ông Võ Văn Huy liên tục đảo mắt như đang tìm kiếm ai đó. Nhác trông thấy một người chạy xe máy dừng bên kia đường, ông nhanh nhẹn băng qua quốc lộ 1 rồi tiếp cận và hỏi: "Được mấy con, heo đẻ hồi nào? Xem được tui mua".
Heo thừa vú là heo gì?
Hỏi cho có như để thay lời chào, ông nhanh nhẹn thọc tay vào chiếc túi đựng heo của người đi xe máy lôi ra hai con heo con.
Cầm chân sau dốc ngược hai con heo lên, thấy heo chỉ ré lên một tiếng nhỏ rồi ngoan ngoãn nằm im, ông Huy liền nói: "Heo yếu quá vậy, có bị gì không?".
Nói đoạn, ông xách heo vào sát bóng đèn nhà dân bên đường quan sát kỹ, rồi mang ra trả lại người bán.
Giải thích vì sao không mua hai con heo con đó, ông nói: "Mấy con heo này không có hậu môn".
Bí quyết để nhận biết heo thừa vú khỏe mạnh là cuống rún còn tươi, vai nở, cầm heo lên nó vẫy vùng mạnh.
Bà Tám Hoàng
Mỗi heo con ông mua vào với giá 100.000 đồng và bán ra 150.000 đồng, mỗi con ông kiếm lời 50.000 đồng. Năm nay 52 tuổi, ông Huy đã gắn liền với nghề mua heo thừa vú ở ngã ba Nhị Quý này hơn 27 năm.
Bà Tám Hoàng ở xã Nhị Quý, người đã nghỉ nghề thương lái heo thừa vú vài năm, cho biết: "Trước đây nghề này dễ kiếm ăn nên có khá đông người tham gia. Chỉ cần mỗi đêm mua được 5-7 con là sống khỏe".
Rồi bà giải thích heo thừa do heo mẹ đẻ nhiều khiến số heo con nhiều hơn số vú heo mẹ có, nên phải bán con thừa đó đi (người mua loại heo này nuôi heo nái đẻ ít con hơn số vú đang có). Khi mua loại heo này phải cẩn thận nhầm heo ngộp, heo 5 móng, heo không có hậu môn vì sẽ bị lỗ.
Một thời sung túc
Trước đây có khoảng 20 người làm nghề mua heo con thừa vú như ông Huy, bà Tám Hoàng, nhưng hiện nay số người bám chợ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ông Huy và một số người còn lại như bà Ba Lan, ông Năm Chiến... là một số thương lái ít ỏi còn đeo bám với nghề mua bán heo thừa vú ở chợ này.
Gọi là " Thuộc Nhiêu" nhưng thực ra ở đây không có bảng hiệu, không có tên chính thức, mà người dân chỉ truyền miệng với nhau rồi tìm đến đây mua bán heo con khi cần.
kéo dài khoảng 6km dọc quốc lộ 1, từ ngã ba Đông Hòa, huyện Châu Thành đến ngã ba Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang.
Chợ bắt đầu nhóm họp từ 3h sáng đến hết ngày. Ai có nhu cầu mua bán heo thì ra chợ và ở đây có sẵn nhiều người làm trung gian - mua heo thừa vú rồi bán lại cho người cần.
"Nhà nào có heo con đẻ nhiều thì chủ nhà sợ heo mẹ thiếu sữa nên bán bớt, còn nhà nào có heo nái đẻ ít thì mua thêm để tăng đàn" - bà Nguyễn Thị Tư, ngụ xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, nói.
Bà Tư là người gắn bó với chợ heo thừa vú hàng chục năm, trải qua biết bao thăng trầm với nghề mua bán heo con cho biết vì sao chợ lại chủ yếu họp vào ban đêm. Theo bà, heo có tập tính đẻ vào ban đêm nhiều hơn ban ngày.
Việc bỏ heo con vào chuồng ban đêm lúc heo mẹ còn ngủ sẽ hạn chế được chuyện cắn heo lạ. Song quan trọng nhất vẫn là hàng xóm không thấy người nuôi heo đẻ bổ sung heo thừa vú vào bầy để sau này dễ bán heo con...
Mấy chục năm trước đây, chỉ cần mang giỏ heo con ra chợ Thuộc Nhiêu là có cả chục người đón mua. Heo con thời đó hiếm nên giá bán mỗi con heo thừa vú có thể mua được một giạ gạo (40kg) trong khi một tạ heo thịt có thể mua được một lượng vàng.
Điểm mua bán heo thừa vú của ông Nguyễn Văn Tư tại chợ Gạo - Ảnh: Mậu Trường
Chợ heo thừa vú mai một
Những ngày này, khi giá heo thịt tại khu vực miền Tây lên ngưỡng 50.000 đồng/kg kéo theo giá heo con cũng lên sát giá 1.000.000 đồng/con. Nhưng trước đợt lên giá này là một đợt heo thịt rớt giá thê thảm khiến người nuôi treo chuồng, heo nái đẻ không đủ nuôi nên cũng không có ai bán. Chợ heo thừa vú Thuộc Nhiêu bị ảnh hưởng.
Bà Bảy Tú - ngụ xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang - nhớ lại cách đây hơn 10 năm, khi nghề chăn nuôi heo còn thuận lợi, nhu cầu mua bán heo con còn nhiều, mỗi ngày có khi bán được cả vài ba chục heo con.
"Nhưng đợt heo xuống giá trong năm rồi và đầu năm nay khiến người chăn nuôi không mặn mà, nên mỗi ngày bán được vài ba con là mừng. Tiền lời không đủ chi phí" - bà Bảy Tú nói về lý do chuyển từ nghề thương lái heo sang nghề may gia công tại nhà.
Ngoài lý do giá heo bấp bênh, hiện nay nhiều người chăn nuôi có nhu cầu bán hoặc mua heo con sẽ liên hệ với cán bộ thú y địa phương. Cán bộ thú y sẽ đóng vai trò đầu mối để giới thiệu cho người có nhu cầu, nên chợ heo thừa vú Thuộc Nhiêu cũng dần ít khách.
Thêm vào đó, sự phát triển của công nghệ giúp các hộ chăn nuôi kết nối với nhau, chia sẻ nguồn heo giống đã làm giảm vai trò của chợ heo thừa vú Thuộc Nhiêu.
Nhưng với những người gắn liền với ngành chăn nuôi lâu đời ở miền Tây, họ xem chợ heo thừa vú Thuộc Nhiêu như một phần của lịch sử phát triển ngành chăn nuôi. Đây là một phương thức giao dịch đơn giản nhưng rất thiết thực với người dân vùng nông thôn miền Tây.
Nguồn gốc
Ông Võ Văn Huy đang mua heo thừa vú tại chợ Thuộc Nhiêu - tháng 9-2018 - Ảnh: THANH TÚ
Không ai nhớ rõ chợ heo thừa vú Thuộc Nhiêu ra đời từ khi nào nhưng theo các bô lão sống tại đây, ở vùng này xưa kia vốn nổi danh với một giống heo được đặt theo tên làng Thuộc Nhiêu, xã Dưỡng Điềm.
Khoảng những năm 1960, loại heo này phát triển rất mạnh ở các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Cần Thơ... Phong trào nuôi heo kéo theo nhu cầu về con giống tăng cao, nên người dân chọn luôn làng Thuộc Nhiêu bên quốc lộ 1 làm chỗ giao dịch mua bán heo con.
Kỳ tới: Chợ cá đồng giữa... rốn lũ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận