Những thùng dâu tây này được bán với giá 200.000 đồng/thùng tại bãi xe gần cửa khẩu Kim Thành - Ảnh: VŨ TUẤN
Ra đến các cửa hàng bán lẻ ở chợ Cốc Lếu, dâu tây được bán 70.000 đồng/kg. Biết mặc cả, giá chỉ còn 50.000 đồng, rẻ hơn hẳn giá dâu tây nhập khẩu trong các siêu thị hay dâu tây Đà Lạt, Mộc Châu...
“Người không sành rất khó phân biệt được dâu tây Trung Quốc giả mác Đà Lạt, nhưng sự thật dâu tây Đà Lạt ngon hơn hẳn.
Một tiểu thương bán dâu tây trên đường Hoàng Sa, TP.HCM.
Dâu tây vào bãi xe cửa khẩu
Tôi chạy xe vào bãi Công ty Logistic Việt Trung ngay sát cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai). Hàng trăm xe tải, xe container hoa quả biển số Trung Quốc lẫn Việt Nam rầm rập chuyển hàng. Mỗi chuyến hàng từ Trung Quốc nhập về qua cửa khẩu này ít nhất cũng hơn chục tấn. Một lần thông quan, cả đoàn xe container xếp hàng kín cây cầu bắc qua sông Hồng từ Trung Quốc về Việt Nam.
Ở kiôt trong bãi xe, hai chiếc xe tải mang biển số Hà Nội lùi sát vào lô hàng hơn trăm thùng xốp trắng, trên mép in chữ Trung Quốc và biểu tượng quả dâu tây. "Hàng to đẹp đấy, giá "ba mươi" (300.000 đồng/thùng - PV). Anh lấy thì đặt trước, hàng này khách em lấy hết rồi" - người phụ nữ bóc băng keo, lật nắp thùng xốp cho tôi xem hàng.
Mỗi thùng xốp đựng hơn 10kg dâu tây. Hàng "phơi mặt" khá đẹp, quả to, đều, đã chín một nửa, một nửa vẫn trắng, trên cùng còn phủ lá dâu tây. Tôi nhón tay nhặt vài quả thử kiểm tra. Chị chủ hàng giải thích: "Đây là hàng khách đặt để bán trong vài hôm nữa, quả còn xanh. Nếu anh lấy để bán ngay thì em lấy cho anh hàng chín đều".
Tôi ngỏ ý muốn nhập số lượng lớn để đổ buôn ở chợ đầu mối Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội), chị chủ hàng cho số điện thoại, dặn add Zalo, cần bao nhiêu chỉ cần nhắn qua Zalo, báo số điện thoại của xe là dâu tây sẽ được gửi về tận nơi. Giá cả còn tùy từng hôm vì phía Trung Quốc hôm nhiều, hôm ít và phụ thuộc vào độ "khó" qua cửa khẩu. "Không phải lúc nào hàng cũng về được đâu. Giá lên xuống tùy chợ. Anh lấy 50 thùng trở lên thì giá mềm hơn. Dưới 50 thùng thì phải lấy giá bán lẻ" - chủ hàng nói.
Chiều cùng ngày, tôi quay lại bãi xe tiếp tục tìm mối buôn dâu tây. Vài người chỉ cho tôi sang dãy kiôt khác gần cổng ra vào. Trong thùng một chiếc xe tải mang biển số Trung Quốc, 12 thùng dâu tây xếp một góc, các góc còn lại là nho "móng tay", táo thuốc...
"Nho đẹp đấy, lấy nốt cho em, giá hữu nghị. Hàng to đẹp, sáng nay em bán 280.000 đồng/thùng, giờ chiều rồi hạ giá 200.000 đồng/thùng" - chủ hàng vừa nói vừa lấy cuộn băng keo bít lại thùng dâu tây rồi để mặc tôi leo lên thùng xe bóc hộp xốp xem hàng. Lúc này, một thanh niên chạy xe máy tới leo lên cùng tôi. Anh thanh niên đặt một thùng dâu tây xuống sàn xe, mở nắp và gọi video cho mối hàng ở Vĩnh Phúc. "Hôm nay có hàng dâu tây đây này. Chị lấy đi, em gửi cho - thanh niên vừa nói vừa cắn đôi một quả dâu tây xuýt xoa - Hàng thùng xốp nhưng ngon chẳng khác gì hàng khay đâu chị ạ. Chị cứ lấy thử chục thùng về "tuyển" vào khay, em chỉ còn chục thùng thôi, giá rất OK".
Anh ta nhanh chóng "chốt" đơn rồi quay lại mặc cả giá 200.000 đồng/thùng. Chủ hàng gật đầu cái rụp, giúp anh thanh niên xếp hàng lên xe máy.
Lô dâu tây chuẩn bị được chuyển về Hà Nội - Ảnh: VŨ TUẤN
Ngón nghề làm ăn
Phạm Quốc Bình (đã đổi tên) là một chủ buôn hàng hoa quả từ Lào Cai về chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội). Bình khoe nghề buôn hoa quả là nghề "gia truyền" của gia đình, chủ yếu là nho và xoài Trung Quốc. Thời gian trước, Bình "lấn sân" sang dâu tây. Cách đây hơn một năm, dâu tây Trung Quốc bán rất chạy, mở cửa thùng xe là tiểu thương đổ xô đến tranh nhau mua. Tuy nhiên, cánh buôn chuyến như Bình không ăn lãi nhiều mà chỉ "ăn" số lượng lớn. Mỗi thùng dâu tây lãi 30.000 là "ăn dày" vì mỗi xe cả trăm thùng.
"Người bán lẻ mua cả thùng về, nhặt ra khoảng 4kg dâu đẹp bán 200.000 đồng/kg là quá lãi rồi. Có dạo hàng rong Hà Nội bán đầy đường, dâu tây 200.000 đồng/kg, thậm chí hàng xấu hơn một chút bán 120.000", Bình nói. Sau vụ "dâu tây Trung Quốc gắn mác Đà Lạt", Bình không "đi" dâu tây mà tập trung vào nho, xoài.
"Dâu tây không để được lâu. Ở bên Trung Quốc, hái từ vườn ra đến kho đã mất một ngày, thông quan về bên này thêm một ngày nữa là hai. Mà chỉ bốn ngày là dâu hỏng, còn để được lâu hơn thì chắc chắn dâu bị "độ"" - Bình nói.
Tay buôn "gia truyền" bật mí, ở cửa khẩu Kim Thành chỉ có vài "nhà" lấy được dâu tây bên Trung Quốc về. Họ có mối làm ăn lâu dài, những người tôi gặp đã xin số điện thoại ở cửa khẩu Kim Thành, Lào Cai hay trên Zalo là bán lẻ. Họ nhận gom đơn hàng từ hôm trước rồi báo cho "bên kia", hôm sau dâu tây sẽ được nhập về đủ số lượng.
Nhập số lượng lớn dâu tây, sẽ có doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu. Nếu ít, dâu tây sẽ "về" cùng cà chua, nho, lựu. Bình chỉ chiếc xe tải màu đỏ đậm trong bãi xe rồi bật mí: "Mỗi cái thùng xe này tương đương với hai container, cùng đóng thùng xốp như nhau. Ngày trước thì có cả xe chở dâu tây, dạo này thì dâu về ít, nhét vào giữa xe. Bên ngoài là thùng cà chua hoặc nho, hồng...".
Tôi đặt vấn đề giấy tờ, Bình khẳng định "đầu buôn trên này" sẽ đảm bảo có đủ. "Yên tâm là hàng đi trên đường có bị kiểm tra cũng giấy tờ đầy đủ. Còn về dưới đó chế biến, đóng gói thế nào để ra được tem, mác, bao bì là việc của ông. Mà giá có giấy tờ thì phải đắt hơn một tí. Đi buôn mà đủ thủ tục thì chỉ ăn cơm với lạc rang, cá mắm thôi" - Bình cười.
Trở lại khu chợ hoa quả bên cạnh cửa khẩu quốc tế Lào Cai (phường Lào Cai), hơn chục kiôt đang nhộn nhịp đóng hàng để kịp chuyến xe đêm. Một kiôt có hơn 6 người làm, tiếng xé băng dính chói tai. Hơn chục thùng dâu tây đã được đóng sẵn, trên nắp thùng ghi rõ địa chỉ, số điện thoại của một người ở Phúc Yên (Vĩnh Phúc).
"Chị này bán chạy lắm, toàn bán lẻ ở khu công nghiệp, cứ vài ngày là nhập của nhà em mấy chục thùng" - cô nhân viên nói xong cho cuộn băng keo lên miệng cắn, miết chặt mép thùng, rồi lại nhanh tay đóng thùng khác.
Không có lô hàng mở tờ khai hải quan nhưng dâu tây vẫn được bán ở bãi xe gần cửa khẩu Kim Thành, ảnh chụp ngày 14-9-2020 - Ảnh: V.TUẤN
Sau khi nhận được văn bản cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm của Công an tỉnh Lâm Đồng, ngày 3-8 Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã có văn bản yêu cầu các chi cục kiểm dịch thực vật đưa mặt hàng dâu tây vào kiểm tra chặt.
Khi có hàng tập trung ở kho, bãi, chi cục kiểm dịch thực vật sẽ lấy mẫu gửi đi kiểm định. Kết quả kiểm tra có trong 7 ngày, chủ hàng phải chi trả tiền kho, bãi và chi phí kiểm định. Nếu đạt yêu cầu, chi cục kiểm dịch thực vật ra văn bản để doanh nghiệp làm thủ tục thông quan.
Trước đó, dâu tây Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam thực hiện quy trình kiểm tra theo nghị định số 15/2018 của Chính phủ. Toàn bộ các mặt hàng có nguồn gốc thực vật được kiểm tra giảm hoặc kiểm tra thông thường (chỉ kiểm tra về hồ sơ). Khi có cảnh báo của cơ quan chức năng, mặt hàng đó sẽ được kiểm tra chặt (lấy mẫu kiểm định). Nếu 3 lần kiểm tra chặt, mặt hàng đáp ứng yêu cầu thì quy trình lại trở về kiểm tra thông thường.
Ông Vũ Quang Huy - phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai - cho hay hàng hóa chủ yếu thông quan qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai là nông sản và phân bón. Nông sản xuất khẩu là thanh long, xoài, chuối, dưa hấu, còn nhập khẩu gần như tất cả các loại rau, củ, quả. Riêng dâu tây, từ đầu năm đến nay chỉ 95 tấn làm thủ tục thông quan, chiếm một tỉ trọng rất nhỏ so với các mặt hàng nông sản khác. Từ đầu tháng 8 đến nay, chưa có doanh nghiệp nào mở tờ khai thông quan mặt hàng dâu tây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận