Nhiều chợ cho rằng việc ế ẩm phần nào được dự báo trước do kinh tế khó khăn và xu hướng tiêu dùng thay đổi, nhiều người dân thích mua sắm online.
Chợ sỉ... đến chợ lẻ "ngắc ngoải" mùa cuối năm
Dạo một vòng quanh chợ sỉ quần áo lớn nhất TP.HCM - chợ An Đông (quận 5) ngày 11-11, không khí u ám vẫn bao trùm, tình cảnh ế ẩm vẫn kéo dài từ trước dịch cho tới nay, tỉ lệ sang sạp vẫn chiếm tỉ trọng cao, nhiều sạp quần áo vẫn kiên trì đóng cửa phủ bụi cả năm trời vẫn chưa tìm được chủ mới.
Trong chợ, người bán nhiều hơn khách mua, tiểu thương ngồi lướt điện thoại còn nhiều hơn số người bán. Không chỉ lướt điện thoại, các tiểu thương còn tìm cách "giết thời gian" khác như nhổ tóc sâu cho nhau, hát loa kẹo kéo, chơi bài, thêu thùa, làm móng...
Cách chợ An Đông khoảng 3km, chợ sỉ Bình Tây (quận 6) cũng chẳng khá hơn. Ngồi từ sáng tới chiều nhưng bà Thu (65 tuổi), tiểu thương bán mũ tại chợ, vẫn chưa bán được cái nào. Bà Thu cho hay đây là tình trạng diễn ra thường xuyên kể từ ngày bùng dịch.
"Bằng giờ những năm trước dịch là vào vụ buôn bán nhộn nhịp, shop quần áo, chợ lẻ ở tỉnh lấy hàng sôi động nhưng nay dù đã vào mùa nhưng lâu lâu mới có khách hỏi. Tuy nhiên khách chỉ đặt đơn sỉ nhỏ chứ không nhiều như trước", bà Thu nói.
Bà Thu cho hay giờ bà chuyển sang bán lẻ để duy trì sạp. Thường chỉ có sạp của nhà thì còn mở chứ những sạp thuê lại không trụ nổi, đóng sạp nhiều lắm.
Các chủ trong chợ thì có tuổi chủ yếu bán cho mối quen nhưng giờ kinh tế khó, các mối mất dần, không bán được nữa nhưng khó chuyển qua bán online như giới trẻ được vì không rành công nghệ. "Thậm chí như cô còn chẳng biết dùng điện thoại "giết thời gian", chỉ biết mở sạp rồi... ngủ gật", bà Thu nói.
Trong khi đó, bà Nga, tiểu thương bán hàng thời trang tại chợ, cho biết một ngày bà sạc điện thoại tới 2 - 3 lần vì ngoài chơi điện thoại cũng không có phương thức "giết thời gian" nào vui hơn trong cảnh đói khách.
Tương tự, tại nhiều chợ lẻ như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Định (quận 1)..., lượng khách vào mua sắm cũng không được như xưa, đặc biệt các ngành hàng thời trang chịu cảnh ế ẩm kéo dài. Dù là sạp mặt tiền tại chợ, nhưng theo bà Nguyễn Ngọc Thủy - hơn 10 năm kinh doanh tại chợ, chưa lúc nào cảm nhận được sự khó khăn như lúc này.
"Nhiều ngày, tôi ngồi 3 - 4 tiếng đồng hồ nhưng không có một khách hỏi mua hàng, trừ giai đoạn dịch COVID-19, điều chưa từng có trong những năm trước đó. Giờ thuê lại sạp nên phải bán, bởi có cho thuê lại cũng khó tìm người thuê", bà Thủy than.
Ở tầng trệt chợ Bà Chiểu là nơi buôn bán đủ loại thực phẩm nên khách còn ra vào, lầu 1 của chợ thường xuyên trong tình trạng "người bán nhiều hơn người mua". Nhiều tiểu thương cho biết ra bán chủ yếu giữ mối sỉ bán kiếm sống qua ngày, còn lại khách lẻ gần như không có.
Tết sợ cũng "khó sống"
Khi được hỏi kỳ vọng thế nào vào những tháng Tết, bà P.T.H., chủ sạp quần áo, chỉ lắc đầu cười không nói nên lời. Bà H. cho biết bằng giờ mọi năm đã bắt đầu vào mùa mua sắm nhưng năm nay tới giờ vẫn chưa thấy khách.
Chỉ vào mấy sạp đóng cửa bên cạnh, bà H. nói: "Đã đóng từ lâu mà không có người mướn, giờ ế ẩm đâu buôn bán được, ai mà mướn nổi".
Tương tự, là sạp kinh doanh lớn tại chợ Bình Tây nhưng khi được hỏi về kỳ vọng sức mua cuối năm nay, bà Nga chỉ than "chắc năm nay chẳng có Tết", bởi không chỉ khách Việt mua ít, những đoàn khách Tây giờ đây cũng "keo" hơn trước, chỉ hỏi chứ chẳng mua.
"Mọi năm giờ khách đã đặt hàng Tết rồi, hai tháng cuối năm bán gấp đôi, gấp ba tháng thường, đặc biệt là khách sỉ ở các tỉnh mua nhiều, nhưng giờ này chả thấy thông tin gì, chắc khó khăn", bà Nga than và cho biết nhiều trường hợp khách sỉ ở tỉnh mua rồi "quỵt tiền" nên giờ cũng dè dặt bán buôn hơn mọi năm.
Khu chợ buôn bán ế ẩm ảnh hưởng tới cả hàng quán ăn uống xung quanh chợ Bình Tây. Bà Đào, bán nước bên cạnh chợ đã 20 năm, cho biết trước kia vào khoảng thời gian này bà và con gái làm không hết việc, không kịp ăn trưa, khách tỉnh lên đánh hàng nhộn nhịp tạt vào quán nước của bà nghỉ ngơi đông không có chỗ nhưng giờ quán bà chủ yếu tiếp các shipper, bốc vác, vận chuyển.
Tìm phương án "cứu" tiểu thương
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-11, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, phó ban quản lý chợ An Đông, cho biết chợ có 2.300 sạp với nhiều ngành hàng, trong đó đa phần hàng quần áo, thời trang. Tuy nhiên sau dịch COVID-19 đến nay, lượng khách đến chợ ở mức thấp, nhất là nguồn khách lẻ.
Tình trạng này dẫn đến có những trường hợp tiểu thương hạn chế mở cửa bán hàng, hoặc chọn tạm nghỉ, sang sạp, đặc biệt ngành hàng như quần áo, vải, thời trang...
Theo bà Hà, để hỗ trợ tiểu thương, chợ phối hợp với chính quyền tìm nhiều giải pháp, trong đó có mời báo cáo viên (cá nhân có kinh nghiệm bán hàng online) về để hướng dẫn tiểu thương kinh doanh online như livestream bán hàng trên Facebook, TikTok, Zalo... và hiện nhiều tiểu thương đã áp dụng cách bán này, livestream ngay tại chợ và hút thêm được nhiều khách hàng.
"Chợ bán sỉ nên thực tế khách lẻ không nhiều, và gần đây khách lẻ chủ yếu mua đồ trên mạng nên càng không đến chợ, đây là thực tế diễn ra ở hầu hết các chợ, đặc biệt là chợ kinh doanh thời trang. Do đó, người bán bắt buộc thay đổi để phù hợp thị hiếu, xu hướng của người mua", bà Hà nhận định.
Trong khi đó, đại diện ban quản lý chợ Bến Thành xác nhận dù chợ có phần sôi động trở lại so với các tháng trước, nhưng là chợ du lịch, lượng khách quốc tế chưa nhiều, nên những ngành hàng như đồ lưu niệm, thời trang còn tương đối ế ẩm, sức mua nhìn chung chỉ bằng phân nửa các năm ổn định, nhiều sạp còn đóng cửa. Theo đó, để hỗ trợ kinh doanh, chợ đã tập huấn cho tiểu thương kinh doanh online, và liên kết với ngành du lịch TP để kéo thêm khách đến chợ.
Mỗi sạp đóng 400.000 - 800.000 đồng tiền phí
Theo ban quản lý chợ An Đông, với năm loại phí (trừ điện dùng riêng), hiện mỗi sạp tại chợ đóng hơn 400.000 đồng/tháng tiền phí, và trên 800.000 đồng/tháng (nếu dùng máy lạnh), mức phí này ổn định như trước đó. Riêng khoản thuế do cơ quan thuế thu, chợ không can thiệp.
Khuyến khích tiểu thương bán hàng qua app
Theo Sở Công Thương, TP đã phối hợp với một doanh nghiệp triển khai đề án "bán hàng qua ứng dụng online" tại 33 chợ, với khoảng 1.400 tiểu thương tham gia. Theo đó, với ứng dụng này, thông qua điện thoại thông minh, khách hàng tại nhà sẽ mua được các hàng hóa tại chợ lẻ, có shipper giao tận nơi. Sở sẽ xem xét tiếp tục nhân rộng đề án này ra các chợ trong thời gian tới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-11, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết TP có 233 chợ (tính luôn 3 chợ đầu mối) nhưng hiện chỉ có 225 chợ hoạt động. Theo đó, các chợ nghỉ chủ yếu do cơ sở vật chất xuống cấp, chính quyền rà soát để chuyển đổi công năng cho phù hợp, hút khách hơn.
Đơn vị này xác nhận nhiều chợ truyền thống gặp phải tình trạng kinh doanh khó khăn, đặc biệt sức mua nhiều ngành hàng không thiết yếu như quần áo, thời trang... giảm sút.
"Ngoài khó khăn chung là do sức mua giảm, có tình trạng chợ tự phát mọc lên nhiều, "giành" khách với tiểu thương trong chợ. Sở đã nhận được phản ánh của các chợ và đang phối hợp chính quyền xử lý trình trạng này, nhưng chưa triệt để", vị này nói.
Cũng theo vị này, hiện TP đang rà soát lại các phương án triển khai tại chợ, và nghiên cứu thêm các đề án để định hướng chuyển đổi mô hình, công năng kinh doanh tại chợ cho phù hợp, trong đó ưu tiên áp dụng mạnh chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh để phù hợp thị hiếu, xu hướng mua sắm.
Theo đại diện ban quản lý một số chợ, cuối năm với nhiều chương trình lễ hội, Tết, nên tình hình kinh doanh thường tốt hơn, do đó kỳ vọng sức mua sẽ được cải thiện. Tuy vậy, so với các năm, sức mua không thể bằng, thậm chí sẽ còn giảm sâu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận