Nông sản và thực phẩm là các mặt hàng được kỳ vọng sẽ tăng tốc xuất khẩu vào EU khi EVFTA có hiệu lực- Ảnh: T.MẠNH
"Thuế suất mà các mặt hàng của ta khi xuất sang EU thường dao động từ 7-10%, thậm chí 30% nên năng lực cạnh tranh của ta thấp hơn các đối tác khác... Tôi tin chắc với việc cắt giảm thuế quan rất lớn, ta có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào EU với thị phần và giá trị gia tăng cao hơn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
Theo ông Phan Minh Thông - tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh, doanh nghiệp này đang sẵn sàng đón nhận các đơn hàng mới đến từ châu Âu sau dịch bệnh.
Cú hích hồi phục kinh tế sau đại dịch?
Về ngắn hạn, ông Thông nhận định sẽ có nhiều đơn hàng từ châu Âu hơn khi thuế giảm xuống 0% so với nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến đang phải chịu 6%.
"Chúng tôi đang xuất khẩu rất nhiều cà phê, điều, hạt tiêu và hương vị sang châu Âu những năm qua và kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đơn hàng mới nhờ tác động của EVFTA. Đây là một hiệp định thương mại mang tính đột phá và sẽ đem tới nhiều cơ hội" - ông Thông nói.
Suốt mấy tháng nay loay hoay tìm thị trường do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bà Vũ Thị Hồng Yến - giám đốc Công ty TNHH thêu Minh Trang (Ninh Bình) - cho biết đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp mình bị giảm tới hơn 60%.
"Khách hàng của chúng tôi trước đây có nhiều ở Pháp, Đan Mạch, Anh... nhưng gần đây EU phong tỏa do dịch nên phải tìm thêm thị trường mới. Chúng tôi kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, đến khi EVFTA được thực thi, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn vì đây là thị trường chính của chúng tôi" - bà Yến chia sẻ tầm quan trọng của thị trường EU.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh.
Nguồn: nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và đầu tư - Đồ họa: N.KH
San bớt khoảng cách giá với các "đối thủ"
Cũng theo ông Phan Minh Thông, khi thuế nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm của VN giảm xuống 0% theo EVFTA là lúc mức cạnh tranh về thuế của chúng ta đã ngang hoặc thậm chí hơn nhiều nước khác trong ASEAN. Do đó, với những công ty đã có hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm đạt chuẩn châu Âu, sẽ là cơ hội lớn để tăng xuất khẩu vào EU.
Những năm qua EU luôn là thị trường hàng đầu trong nhập khẩu thủy sản từ VN, nhất là hai sản phẩm chủ lực cá tra và tôm. Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), mức thuế nhập khẩu thủy sản vào EU hiện nay trung bình là 14%; trong đó, nhiều mặt hàng chịu thuế cao tới 26%.
Khi EVFTA có hiệu lực thì có khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở, chiếm khoảng 50% số dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản sẽ giảm về 0%, số còn lại có lộ trình cắt giảm từ 3-7 năm.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thời gian qua doanh nghiệp trong nước còn loay hoay tại thị trường EU do cạnh tranh đến từ các nền công nghiệp quy mô khác, đặc biệt là Trung Quốc. Trong đó, giá sản phẩm của VN thường cao hơn 10-20% nên dù đây là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới (quy mô tới 2.338 tỉ USD), song thị phần xuất khẩu của VN chỉ khoảng 2%.
Theo bộ trưởng Bộ Công thương, hiện cũng chỉ có hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Do đó, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu là rất lớn, nhất là với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ...
"Nghiên cứu cho thấy EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 so với không có hiệp định..." - ông Tuấn Anh nói.
Theo bộ trưởng Bộ Công thương, EVFTA cũng thúc đẩy sự chuyển dịch chuỗi giá trị mới, thu hút đầu tư FDI từ EU vào VN nhiều hơn, đặc biệt là các lĩnh vực như dịch vụ, tài chính, ôtô, chế biến chế tạo...
Tất cả phải cùng vào cuộc
Dù rất mong chờ tác động tích cực của EVFTA nhưng bà Vũ Thị Hồng Yến cho rằng để tận dụng được hiệu quả thị trường EU, cần phải nâng cao năng lực cung ứng nguyên phụ liệu vì hiện nay trong ngành may mặc vẫn phụ thuộc chủ yếu nguyên liệu nhập khẩu.
Đơn cử như tại doanh nghiệp thêu Minh Trang, ngoài nguyên liệu lụa tơ tằm trong nước sản xuất được, còn lại đa số các nguyên liệu khác như vải nhung đều phải nhập từ Thái Lan và Trung Quốc.
"Nếu Nhà nước có chính sách để thu hút các nhà máy, công ty đầu tư máy móc thiết bị sản xuất nguyên liệu tại VN thì doanh nghiệp nhàn hơn nhiều. Hiện chúng tôi phải mất gần cả tuần nhập khẩu nguyên liệu" - bà Yến nói.
DN trong nước cũng sẽ chịu áp lực cạnh tranh từ EVFTA. Ông Trần Tuấn Anh khẳng định ngay sau khi EVFTA được bấm nút thông qua, một chương trình hành động sẽ được ban hành.
"Chúng tôi cũng triển khai ngay nhiệm vụ và yêu cầu cần thiết như rà soát, xây dựng ngay văn bản quy phạm pháp luật... để ngay khi hiệp định có hiệu lực từ ngày 1-8 sẽ thực thi ngay" - ông Tuấn Anh nói.
Nhấn mạnh EU là thị trường khó tính, có những yêu cầu cao, ví dụ như thủy sản có điều kiện liên quan chống đánh bắt cá bất hợp pháp... Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng áp lực là rất lớn. Vì vậy DN cần chủ động và có tinh thần trách nhiệm lớn. Bởi dù có sự vào cuộc của Chính phủ nhưng DN cũng phải hiểu điều kiện, yêu cầu, tiêu chí và luật chơi mà hiệp định đặt ra.
TS Nguyễn Đình Cung (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):
Cơ hội có thực nếu chúng ta thay đổi
TS Nguyễn Đình Cung
Nếu chúng ta đầu tư nhiều hơn, thay đổi nhiều hơn vào nông nghiệp và tái cấu trúc trên 3 phương diện: thị trường, sản phẩm và tổ chức sản xuất, tôi cho rằng đây là một cơ hội có thực về tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Thêm nữa là cơ hội đến từ các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư của EU có những dịch chuyển để thay đổi cấu trúc của chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để giảm rủi ro...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận