Con trai phụ mẹ làm bánh - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Mỗi khi nhà có các sự kiện như liên hoan tất niên hoặc đám giỗ… anh Đ. (ở Q.Thủ Đức, TP.HCM) thường mời đồng nghiệp hay bè bạn thân tình đến tham dự.
Quan sát những bữa tiệc ấy, tôi chỉ thấy vợ chồng anh Đ. đều tự làm tiệc đãi khách hoặc có chăng cũng chỉ là một số đồng nghiệp, bè bạn phụ giúp mà không thấy hai con của anh chị phụ giúp cha mẹ.
Khi con là "khách quý"
Cô con gái lớn của anh Đ. đã tốt nghiệp đại học, còn con trai đang học cấp 3. Nếu các con của anh chị bận đi làm hoặc bận học thì chẳng nói làm gì, đằng này, trong nhiều bữa tiệc do anh Đ. tổ chức, cả hai đều ở nhà nhưng thái độ, cử chỉ đều thể hiện "cha mẹ muốn làm gì thì làm".
Đã vài lần tôi chứng kiến cháu H. (con gái lớn của anh chị) chỉ xuất hiện khi mọi việc đã đâu vào đấy, ăn xong rồi lại lên phòng, để người khác dọn dẹp. Trong khi đó, cậu con trai dán mắt vào chiếc điện thoại, ăn xong lại dán mắt vào điện thoại.
Cô D. (một đồng nghiệp trẻ ở cơ quan tôi) lại nói về đứa em chồng của mình với giọng đầy lo lắng: "Không biết em ấy sẽ tự chăm lo cho mình sau này ra sao!".
Theo cô D., dù em chồng cô ấy đã là sinh viên năm cuối của một trường đại học, nhưng cậu ấy chưa bao giờ phải đụng tay đụng chân vào bất cứ việc gì trong nhà. Thậm chí, mẹ chồng cô ấy còn phải dọn dẹp sách vở, thu gom quần áo cho con mỗi ngày.
Dù không phổ biến, nhưng những trường hợp tương tự vẫn xuất hiện trong nhiều gia đình. Có nhiều nguyên nhân làm cho trẻ "vô tâm", không chia sẻ những việc "nằm trong tầm tay" của các em với chính bố mẹ mình, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc trẻ không được rèn luyện, không được trao nhiều cơ hội làm việc nhà từ chính bố mẹ mình.
Vì đâu nên nỗi?
Trò chuyện với vợ chồng anh Đ., được biết khi con còn nhỏ, anh chị "chỉ có một yêu cầu là con chăm chỉ học tập, mọi việc nhà cứ để vợ chồng tôi lo" - anh Đ. chia sẻ. Trong khi đó, mẹ của các cháu cho rằng "bọn nhỏ vụng về lắm, làm gì cũng không vừa mắt, nên tốt nhất mình làm luôn cho đỡ bực".
Những lời chia sẻ của vợ chồng anh Đ. suy cho cùng chính là "bảo bối" để trẻ "né" việc nhà. Có thể ban đầu các em cũng cảm thông và mong muốn chia sẻ với cha mẹ nhưng đã không được cha mẹ cho làm việc nhà với lý do "lo mà học đi".
Không có cơ hội làm việc nhà dẫn đến việc trẻ không quen việc hoặc không muốn làm việc nhà, thậm chí xem việc cha mẹ làm việc nhà là bình thường, là nghĩa vụ, còn mình đương nhiên được "nghỉ ngơi".
Còn khi nói về việc em chồng mình "vụng về, không biết làm gì", cô D. cho rằng: "là do cha mẹ chẳng bao giờ để em ấy làm vì sợ em ấy mệt hoặc sợ làm sai, làm chưa chuẩn...".
Để con có trách nhiệm với chính mình!
Dịp tết vừa rồi tôi có đi thăm vợ chồng bạn tôi, thấy con trai lớn (8 tuổi) đang lúi húi nấu ăn trong bếp, còn con gái nhỏ (4 tuổi) sau khi quét nhà xong thì lấy giẻ phụ mẹ lau nhà. Và trong đợt hè năm ngoái về quê, tôi cũng được chứng kiến nhiều bé tuy nhỏ đã thành thạo việc nhà.
Ngoài việc học ở trường, các cháu còn phụ cha mẹ làm nhiều việc khác, trong đó có việc nhà. Những hình ảnh đó chứng minh rằng: trẻ vụng về, không chịu chia sẻ việc nhà với cha mẹ không phải do trẻ không biết làm, không làm được mà do không được làm.
Nhiều chuyên gia tâm lý học, xã hội học đã cố gắng đi tìm nguyên nhân và đã đưa ra những giải pháp nhằm định hướng, giải quyết hiện tượng "gà công nghiệp" cũng như tình trạng vụng về, thiếu kỹ năng làm việc ở trẻ.
Trong những giải pháp họ đưa ra, thì giải pháp "trải nghiệm cuộc sống", "tiếp xúc thực tế" được xem như chìa khóa khắc phục vấn đề nói trên. Việc cha mẹ tạo cho con cơ hội làm việc, độc lập, tự chủ trong mọi vấn đề của cuộc sống không chỉ giúp con hình thành kỹ năng lao động, kỹ năng sống mà còn giúp trẻ năng động hơn, nhanh chóng thích nghi với môi trường sống.
Đồng thời, đó cũng là cách giúp giáo dục con em sống có trách nhiệm hơn với chính mình, với người thân trong gia đình và với cộng đồng xã hội.
Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần tạo điều kiện, giáo dục, rèn luyện con mình cách tự lập, kỹ năng lao động ngay từ những việc tưởng chừng như nhỏ nhất, diễn ra trong cuộc sống gia đình. Được như vậy, trẻ sẽ không chỉ nhận ra giá trị của cuộc sống, mà đó còn là cách giúp trẻ ngày càng trưởng thành hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận