Chợ cỏ vùng nước nổi

ĐỨC VỊNH 22/02/2014 23:02 GMT+7

TTCT - Cỏ là thứ mọc hoang và chẳng ai ngó ngàng đến. Vậy mà nó giúp người dân ở vùng Bảy Núi, huyện Tri Tôn (An Giang) có thu nhập ổn định, thoát nghèo bằng nghề cắt cỏ bán. Chỉ có điều họ phải đi cắt cỏ ở những vùng xa để phục vụ nghề nuôi trâu bò đang ngày càng phát triển tại địa phương.

Đưa cỏ về chợ cỏ Ô Lâm bán - Ảnh: Đức Vịnh

Bạn hàng mua cỏ ở chợ cỏ Ô Lâm để đưa đi bán cho người chăn nuôi - Ảnh: Đức Vịnh

Tại huyện Tri Tôn, thỉnh thoảng chúng tôi gặp những chiếc xe ba gác chất đầy cỏ tươi chạy rảo dọc theo một số ngả đường quê. Tiếng rao “bán cỏ đây!” cứ vang lên lanh lảnh chen trong tiếng máy nổ xành xạch. Thỉnh thoảng gặp ai đó vẫy gọi, xe dừng lại tấp vào bên lề để bán cỏ.

Có nhiều loại cỏ như cỏ mồm, cỏ ống, cỏ lúa trời... mỗi bó giá 2.500 đồng, bán chạy như tôm tươi. Người mua là những hộ nuôi trâu bò.

Nuôi bốn con bò đã phải mua cỏ

Đang xuôi trên dòng kênh T5, một chiếc trẹt chở cỏ vừa dừng lại dưới chân cầu treo ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước liền có nhiều người xúm lại lựa mua. Tuy có trữ rơm làm thức ăn cho trâu bò, nhưng mấy hộ có trại chăn nuôi gần đấy vẫn cần thêm chất tươi hằng ngày nên họ thường đón mua cỏ cho trâu bò ăn giặm.

Ông Lê Văn Na, chủ chiếc trẹt, cho hay cỏ này cắt tận trong những cánh rừng tràm bên Kiên Lương (Kiên Giang) đưa về bán. “Ở đây cỏ quá khan hiếm rất khó kiếm, hộ nào nuôi từ bốn con bò trở lên đều phải mua cỏ” - ông giải thích.

Người dân kể ngày xưa Tri Tôn vốn nhiều đồng cỏ, bà con có tập quán chăn nuôi bò, ngoài phục vụ cho việc cày bừa, kéo xe thì chủ yếu để bán thịt. Giống bò nơi miền biên viễn này có tiếng thịt ngon rất được ưa chuộng, thường đưa về tiêu thụ ở các tỉnh thành với số lượng lớn nên nghề chăn nuôi ngày càng phát triển.

Gần đây, họ còn mua bò từ Campuchia đưa về nuôi vỗ béo một thời gian rồi bán. Trong khi đó, đất hoang đã khai khẩn nhiều, ruộng đồng cũng liên tục trồng lúa luân canh không còn chỗ chăn thả, còn vào mùa nước nổi cánh đồng nào không trồng lúa vụ ba thì cũng cho xả lũ vào ngập trắng nước nên thiếu nguồn cỏ tươi trầm trọng.

Từ đó, nhiều lao động nghèo chuyển qua đi cắt cỏ ở những nơi xa đưa về bán cho hộ nuôi trâu bò để kiếm thu nhập, dần dà có thêm những hộ mua gom cỏ từ những người đi cắt để rảo bán dạo quanh vùng. Thế rồi hình thành nghề bán cỏ.

Để kiếm được nhiều cỏ phải đi cắt bên Kiên Lương, Giang Thành (Kiên Giang). Ông Na kể hằng ngày vợ chồng, con cái dong chiếc trẹt xuôi về bên đó tìm cỏ ở những cánh rừng tràm, đồng hoang xa xôi. Cỏ cắt được đem gom thành đống rồi chia ra buộc lại thành từng bó nhỏ cỡ cổ con bò, sau đó chở về rảo bán dạo dọc các ngả kênh ở Tri Tôn.

“Bình quân mỗi ngày cả gia đình tui cắt được 300 bó cỏ, trừ tiền xăng dầu cũng kiếm được 400.000 đồng. Nhờ vậy mà có cái ăn cái mặc, lo cho đứa con gái út đi học” - ông Na tâm sự.

Họp chợ bán cỏ

Vào mùa nước nổi, từ bờ kênh Ninh Phước, xã Ô Lâm nhìn ra thấy cả cánh đồng ngập nước trắng mênh mông. Đến trưa tiếng động cơ từ xa vọng lại mỗi lúc càng rõ dần, những chiếc tắc ráng, xuồng máy chất đầy cỏ chạy xé nước lần lượt tấp vào bờ. Cùng lúc đó, dọc theo bờ kênh, xe máy, xe đạp, ba gác lục tục đến đậu sẵn chực chờ.

Hàng đống bó cỏ được đem lên chất đầy bãi đất rộng trống trải, đám đông xúm lại chọn lựa, tiếng Khmer trao đổi qua lại nghe vui tai đến lạ. Mỗi bó cỏ xanh rì vừa một cánh tay ôm bán với giá 2.000 đồng. Đây là nơi mà dân đi cắt cỏ tập trung đưa cỏ về bán cho người nuôi trâu bò nên có tên là chợ cỏ Ô Lâm.

Chọn mua 20 bó cỏ chất lên xe máy rồi ràng buộc dây kỹ càng xong, ông Chau Dinh thủng thẳng kể gia đình mình ở ấp Tô Hạ, xã Núi Tô, có nuôi bốn con bò chuyên kéo bừa, kéo xe thuê và bốn con bò dành bán thịt nên thường đến đây mua cỏ về cho đàn bò ăn giặm.

“Nếu chỉ cho ăn rơm thì chúng ốm yếu, hay bệnh tật, kéo cày bừa không nổi. Những hộ nuôi nhiều trâu bò quanh vùng đều trông nhờ vào cái chợ này” - ông Dinh nói.

Về giữa trưa, thêm nhiều chiếc trẹt, vỏ lãi chở cỏ cập bến tấp nập, người đến mua cỏ mỗi lúc một đông hơn. Chợ nhóm đến quá trưa thì tan, lượng cỏ bán hết sạch. Lúc này, cánh lái xe ba gác mới leo lên xe xếp lại những bó cỏ cho ngay ngắn. Anh Chau Mone cho biết đã ba năm nay hằng ngày đều đến đây mua cỏ chở đi rảo bán cho nhiều hộ nuôi bò trong xã. Trừ chi phí xăng dầu, mỗi chuyến lời khoảng 150.000 đồng.

“Một số người đi buôn chỉ để có tiền mua cỏ cho bò nhà của mình ăn giặm. Cỏ thường không đủ bán” - anh Mone kể.

Theo ông Bùi Thanh Tùng - phó chủ tịch UBND xã Ô Lâm, khi đàn gia súc ngày càng đông mà đất hoang đều đã khai khẩn và trồng liên tục ba vụ lúa nên đồng cỏ và chỗ chăn thả thiếu trầm trọng. Chợ cỏ hình thành từ năm năm nay, nhờ đó bà con có nguồn cung ứng cỏ tươi cho đàn trâu bò.

“Giao dịch ở đây có lúc đến hàng trăm lao động tham gia. Bên cạnh việc giải quyết nguồn thức ăn chăn nuôi còn giúp dân nghèo có thêm nghề để mưu sinh, kiếm thêm thu nhập trong khoảng thời gian nông nhàn” - ông Tùng giải thích.

Người dân vùng Bảy Núi thuộc huyện Tri Tôn (An Giang) cắt cỏ bán cho người nuôi trâu bò - Ảnh: Đức Vịnh

Rảo bán cỏ dạo - Ảnh: Đức Vịnh

Kiếm cỏ đồng xa

Đàn trâu bò ngày càng đông, nhu cầu cỏ tươi ngày càng cao, người đi cắt cỏ càng nhiều buộc họ phải lặn lội tìm kiếm cỏ ở những chốn đồng xa, rừng hoang. Tại chợ cỏ Ô Lâm, mới 4g sáng hàng chục lao động trong các phum sóc đã tụ về đây. Mấy chiếc trẹt chở họ xuôi theo kênh Ninh Phước xuống tận Hòn Đất (Kiên Giang) rồi ghé lại ven một vạt rừng nào đó.

Sau bữa cơm nắm mang theo, mọi người vội vàng túa đi kiếm cỏ, ai nấy đều làm việc cật lực. Những bó cỏ được lần lượt vác về chất thành đống, gần trưa chiếc trẹt chở họ cùng số cỏ cắt được quay về cho kịp phiên chợ.

Ông Chau Sóc Kha, chủ trẹt, cho biết thấy cỏ ở vùng Bảy Núi khan hiếm, sẵn có chiếc trẹt chuyên chở bò đi cày bừa thuê nên hằng ngày tự mình đứng ra đưa rước 20-30 người xuống Kiên Giang kiếm cỏ, thu 20.000 đồng/người gọi là lấy lại tiền dầu chạy máy.

“Những lúc cao điểm có cả trăm người đi cắt cỏ, mỗi ngày tập kết về chợ Ô Lâm hàng tấn cỏ đủ loại” - ông Kha nói. Ông Chau Pô Lô, dân cắt cỏ, kể mỗi ngày cắt được khoảng 100 bó, sau khi chừa một ít cho sáu con bò nhà ăn giặm, còn lại bán được 150.000 đồng. “Mùa nước nổi, vào lúc nông nhàn ở vùng này rất khó kiếm việc làm, nhờ đi cắt cỏ bán mà nhiều người có thu nhập ổn định” - ông Lô nói.

Những hộ có xuồng, vỏ lãi thì tự đi kiếm cỏ. Hằng ngày, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tịch, ấp Ninh Hòa, xã An Tức, thức dậy từ sớm chạy vỏ lãi hướng về những cánh đồng sâu bên Giang Thành. Hễ nhìn thấy đoạn bờ nào xanh um họ liền tấp vào, cắt cỏ gom lại thành từng đống, đến trưa thì chở cỏ quay về rảo đi bán dạo dọc các ngả kênh.

“Ở ấp tôi những ai không có đất đai, không có nghề nào khác thường đi cắt cỏ bán. Nhờ đó mà thu nhập cũng ổn định, lo được cho con cái đi học” - ông Tịch nói.

Còn bà Neang Hai, ấp Phước An, xã Ô Lâm, kể gia đình mình chỉ có vài công đất ruộng vốn không đủ sống, mấy năm nay Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn nuôi năm con bò theo chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và xóa đói giảm nghèo. Hằng ngày, vợ chồng bà đi cắt cỏ bán, vừa kiếm thức ăn tươi cho bò, qua từng năm đời sống dần khấm khá lên.

Ông Lý Văn Chính, phó Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, cho biết tổng đàn bò của Tri Tôn hơn 22.000 con, nghề nuôi bò ngày càng phát triển. Tuy nhiên, nguồn cỏ tự nhiên nếu khai thác dài hạn cũng sẽ không đủ đáp ứng. Hiện nay huyện đang hướng dẫn nông dân tận dụng đất trống, đất ven bờ kênh, bờ đê để trồng các loại cỏ như VA06, cỏ voi, cỏ mồm... làm thức ăn cho trâu bò.

Bà Phan Thị Yến Nhi, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết: “Vùng Bảy Núi có tập quán nuôi bò, do đất đai đã canh tác nên thiếu đồng cỏ chăn thả cũng như thiếu cỏ tươi trầm trọng.

Dù hiện nay người dân kiếm cỏ từ nơi khác đưa về làm thức ăn chăn nuôi, nhưng khi đàn bò càng phát triển thì nguồn cỏ tự nhiên không thể đáp ứng đủ và ngày càng cạn dần. Vì vậy, ngành nông nghiệp đang triển khai đề án trồng bắp nếp, bắp trái non, bên cạnh thu nhập từ trái thì nông dân còn tận dụng thân bắp, vốn có dinh dưỡng cao hơn cỏ, làm thức ăn cho trâu bò. Mô hình này cho hiệu quả kinh tế khá cao, đang được nhân rộng”.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận