TTCT - Thấy được nhu cầu bò giống lai của người chăn nuôi địa phương, mươi năm trước vài ba người ở thôn Cộng Hòa 2, xã Tịnh Ấn Tây (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đã mở ra khu chợ bò ngay tại quê mình. Một góc chợ bò Tịnh Ấn Tây với bốn trại bò nằm kề nhau bên quốc lộ 24B, nay thành đường nội thị hai chiều thuộc TP Quảng Ngãi - Ảnh: Huỳnh Văn MỹTừ xe xuống, những con bò này chưa kịp vào chuồng đã được người mua chọn - Ảnh: Huỳnh Văn MỹVới sự năng động của họ, khu chợ bò giống này ngày càng phát triển với hàng trăm con bán ra mỗi ngày.Khác với những chợ bò các nơi thường ở ngoài trời, chợ bò giống tại Tịnh Ấn Tây là những dãy trại có mái lợp và cọc trụ trồng trên nền tráng ximăng, nằm sát bên quốc lộ 24B cũng là đường nội thị.Chợ ngàyMới 6g, những người giúp việc ở chợ bò chưa kịp đưa hết bò từ chuồng ra cột ở các dãy cọc trụ thì đã có khách hàng. “Anh chờ mấy đứa cột hết bò ra cọc để dễ lựa. Còn muốn chọn bò lai rặt (bò Thái), loại to con thì đợi chừng một tiếng nữa anh Xiêm (ông chủ) mới chở từ trại bên kia qua” - Minh, tài xế vừa lái xe chuyển bò đến nhà của người mua trở về, nói. Chỉ nửa giờ sau, chủ trại Xiêm (Phạm Tấn Xiêm, 39 tuổi) đã đưa mười con bò Thái xuống xe.Phấn chấn ngắm đàn bò đẹp vừa nhập chợ, anh Trương Văn Tiên ở xã Bình Thanh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) chọn được hai con. Chủ trại Xiêm dứt giá 47 triệu đồng nhưng sau lại bớt 500.000 “để lai phước”. “Nhưng tui còn thiếu 10 triệu đồng, anh để chịu cho được không?”, “Được, nhưng cố gắng sớm sớm cho, chừng mươi lăm ngày trở lại...”.Không cần ghi giấy nợ, anh Tiên săm se đôi bò thêm một lát rồi lên xe máy về, trong khi tài xế Minh và người giúp việc ở trại đưa bò lên xe để chuyển đến tận nhà cho anh Tiên.8g-9g, khách hàng đổ đến đông dần. Con hẻm trước chợ dựng dày xe của người mua bò. Ở trại của ông Phạm Em (67 tuổi) và của anh Phạm Ngọc Hiền (36 tuổi), kề sát trại của anh Xiêm, cũng có khá đông người đến mua. Dừng lại bên con bò Thái màu trắng ở trại anh Hiền, ông Lưu Tới ở xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) nói dăm bảy năm trước ông đã nuôi bò lai, nhưng là bò lai pha chứ không có bò lai rặt vì bò mua lại của người chăn nuôi trong huyện.“Từ khi có chợ bò giống mới với nhiều chủng loại bò lai, từ lai pha đến lai rặt (bò Thái), lai siêu nạc để mình chọn, bò giống lại đủ loại lớn nhỏ hợp với khoản tiền mà người mua có được thiệt tiện lợi” - ông Tới nói.Gần 17g vẫn còn người mua tranh thủ đến chọn bò. Họ giao tiền cho chủ trại rồi về, chuyện chuyển bò đến nhà do chủ trại lo hết, không chuyển kịp vào chiều tối sẽ chuyển vào sáng hôm sau. Ngoài việc cho để nợ không cần thế chấp, các chủ trại ở chợ bò Tịnh Ấn Tây còn có quy chế “bảo hành bò” cho người mua sau khi bán đến 15 ngày.“Khi mua về hễ thấy không thích con bò ở điểm nào, hoặc nó có vấn đề đau ốm thì mình báo với chủ trại, họ sẽ cho xe đến nhận lại và cho mình chọn con khác. Còn nếu nó đau mà mình chữa thuốc khỏi bệnh thì họ sẽ hoàn tiền chữa thuốc cho mình. Nói là bảo hành 15 ngày nhưng có khi đến 20 ngày hoặc một tháng họ vẫn giải quyết cho mình chứ không câu nệ, ép xách gì” - ông Ngô Văn Diễm (ở xã Tịnh Sơn, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, người từng mua bò ở đây bảy năm nay) cho biết.Khách mua xem bò ở trại của anh Phạm Ngọc Hiền - Ảnh: Huỳnh Văn MỹChợ đêm20g, tại ngôi nhà nghỉ kề trại bò của anh Xiêm, nhiều người mua bò lục tục đỗ xe. Họ ngồi bệt trên nền gạch, cùng uống trà, hút thuốc, ăn vặt, râm ran trò chuyện, có người cột võng nằm. “Họ đến ở lại đây chờ xe bò về trong đêm để mua” - anh Xiêm giải thích.Những năm gần đây, ngoài bán lẻ - bán trực tiếp cho người chăn nuôi đến mua tại chợ, các chủ trại bò còn bán sỉ cho các chủ buôn nhỏ ở một số xã, huyện trong tỉnh. Để tiện việc mua bán, những người mua sỉ chọn cách mua ngay sau khi bò được chuyển từ xe xuống trại.Theo các chủ trại ở đây, giống bò lai pha một số được mua ở Bình Định, Gia Lai và TP.HCM, trong khi giống bò lai rặt được các thương lái mua từ Thái Lan mang đến các cửa khẩu đường bộ ở phía Nam để họ chuyển về.“Mỗi xe tải chuyển được 40 con. Xe bò phải đi chậm, từ cửa khẩu phía Nam về đây thường vào lúc nửa đêm, mất một ngày với gần hai đêm. Riêng trại của tui trung bình mỗi tháng nhập về khoảng 20 xe bò. Tính luôn các trại khác, gần như đêm nào cũng có bò nhập về. Chợ bò ở đây còn bán ra cho người mua ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế...” - anh Xiêm cho biết.1g sáng, hai xe tải chuyển bò về đến trại. Chỉ chờ bò xuống xe, vào chuồng, năm người mua kẻ chen vào chuồng, người đu bám xà chuồng để chọn bò. Mỗi người dùng một đoạn thừng ngắn buộc vào cổ và mõm bò để làm giàm, không quên làm dấu riêng để sớm mai biết bò của mình đã chọn để đưa lên xe chuyển về nhà mình.“Mình ít vốn, chỉ mua mỗi người 5-7 con, ai khá hơn thì mươi con, đều được anh Xiêm cho nợ, mua về bán lại cho người ta nuôi, xong mới thanh toán cho ảnh. Mùa nắng bò bán chạy, tính ra cứ hai đêm mình lại đến đây thức đón bò về một lần. Thức đêm mãi cực, nhưng quen rồi” - anh Đào Duy Ba ở Tịnh Minh (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) nói.Anh Nguyễn Văn Thảo từ huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đến để chọn năm bò đực Thái về bán lại cho người mua nuôi lớn để phối giống. “Lựa bò đực nuôi để vỗ béo bán thịt thì dễ, chứ để phối giống thì khó hơn nhiều. Mỗi con suýt soát 30 triệu đồng chứ không ít” - anh Thảo cho biết.5g, tài xế của ba xe tải nhỏ của chủ trại Xiêm bắt đầu cho bò lên xe để chuyển đến nơi cho người mua. Nhìn từng con bò để định giá và ghi vào mảnh giấy nhỏ đưa cho khách hàng, anh nói: “Nhờ có họ mà người chăn nuôi có điều kiện để mua bò ở gần nhà, khỏi cần phải đến Tịnh Ấn Tây. Với mươi con bò, họ thường bán trong vài ngày là hết. Tui cũng như những chủ trại khác thường để chịu cho họ một ít, bởi họ đều là những người bán lại, kiếm mỗi con bò chỉ được một ít, làm ăn với nông dân mà”.Trong khi đó, ông Đỗ Văn Minh ở xã Nghĩa Kỳ (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) cũng áp dụng dịch vụ tương tự: chuyển bò đến nhà người mua bằng xe nếu họ ở xa, bảo hành bò 15 ngày, nếu họ thiếu một ít phải cho nợ...Một chọn lựa đúngĐứng nhìn khu chợ bò với hàng trăm con, người mua kẻ ra người vào, những chiếc xe tải chuyển bò đến nơi cho người mua rầm rịch nổ máy mới thấy được sức hấp dẫn của chợ bò này. Ông Lưu Tới nói con bò lai đã giúp vùng quê ông khá lên, nhà nào cũng bỏ bò cỏ để nuôi bò lai, ít nhất một nhà cũng nuôi hai con để ăn cỏ trồng.“Trồng non sào cỏ nuôi hai con bò lai chừng một năm kiếm được ít nhất cũng vài chục triệu đồng. Cái chợ bò ở đây tiện đủ bề cho người nuôi bò. Trước đây có muốn nuôi bò lai cũng không biết đâu mà mua” - ông Tới chia sẻ.Những người đến chợ bò ai cũng nhìn nhận cái lợi của việc nuôi bò lai. Nhiều người nay đã nuôi đến hai cặp (bốn con), cứ mỗi lần bán ra một cặp bò thịt (khi chúng vừa đạt chuẩn bò thịt), trích ra khoản tiền lãi chừng 20 triệu đồng để chi tiêu, họ lại đến chợ bò Tịnh Ấn Tây mua lại một cặp khác để giữ đàn.Ông Phạm Em, một trong những người đi đầu trong việc mở ra chợ bò giống Tịnh Ấn Tây, nhận xét thời gian đầu đa số người mua bò đều từ tiền vay mượn của ngân hàng, của bà con. Chừng năm năm trở lại đây thì ngược lại, phần nhiều là từ tiền bán bò, có người lấy tiền lãi từ nuôi bò lai để mua thêm cho lớn đàn.“Bà con thiệt thà lắm, tiền mua bò từ đâu họ “khai” tuốt luốt hết mà” - ông Em nói.Kỹ sư Ngô Hữu Hạ, giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng nuôi bò lai là hướng đi, chọn lựa đúng của người nông dân. Cái lợi họ có được trong khoảng mươi năm nuôi bò lai từ buổi đầu đến nay đã nói lên như thế. Kỹ sư Hạ phân tích: “Vượt qua khó khăn bước đầu, khu chợ bò này đã phát triển khá nhanh, nay đã có đến tám chủ trại. Chính họ đã góp phần tích cực vào việc phát triển đàn bò lai của tỉnh nhà (hiện chiếm đến 58% trong tổng đàn bò của Quảng Ngãi). Không có họ, đầu vào đầu ra của con bò lai rất khó khăn, ngành khuyến nông chúng tôi sẽ cực nhọc hơn trong việc tạo thị trường cũng như đi mua con giống ngoại tỉnh mang về.Để hướng người dân ở vùng sâu vùng xa nuôi bò lai, chúng tôi thường đưa họ đến chợ bò Tịnh Ấn Tây tham quan, tìm hiểu. Thấy tác động tích cực của chợ bò, chúng tôi luôn giúp các chủ trại bò ở đây về quy trình kỹ thuật, cung ứng thông tin cần thiết, giúp họ các thủ tục pháp lý để chuyện làm ăn của họ được thuận lợi”. Tags: Chợ bò
Giá cà phê cao chưa từng thấy khi vào chính vụ, nông dân thành 'đại gia' NGUYỄN TRÍ 26/11/2024 Giá cà phê có xu hướng tăng dần khi vào chính vụ khiến nhiều nông dân phấn khởi bởi 'chưa năm nào vào vụ mà giá cao như năm nay'.
Bất động sản, ai ai cũng... khóc ÁI NHÂN 26/11/2024 Lâu nay nhiều người cứ nghĩ làm bất động sản dễ ăn lắm, giá nhà đất cứ lên vù vù mới có chuyện "một người cười, chín người đau".
Khởi tố, bắt 4 bị can gồm 2 giám đốc trong vụ án nhận hối lộ ở Nha Trang PHAN SÔNG NGÂN 26/11/2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can liên quan việc đấu thầu thi công các dự án do Công ty TNHH Dũng Lợi thực hiện trên địa bàn TP Nha Trang.
Bà Trương Mỹ Lan nói chưa từng được ngủ với con, từ khi sinh ra đã giao cho vú nuôi ĐAN THUẦN 26/11/2024 'Thậm chí cho đến hôm nay, bị cáo vẫn chưa được ngủ với con của mình, vì từ khi sinh ra bị cáo đã giao nó cho bà vú để lao vào công việc', bà Trương Mỹ Lan nói lời sau cùng.