08/10/2016 11:19 GMT+7

Chợ Bến Thành cũ lừng lẫy cả thế kỷ trên... vỉa hè

CÙ MAI CÔNG
CÙ MAI CÔNG

TTO -  Đánh chiếm thành Gia Định ngày 17-2-1859, chỉ một năm sau một ngôi chợ Bến Thành mới được chính quyền Pháp ở Sài Gòn xây dựng lại, thay gian chợ trước đó hầu như bị hủy diệt hoàn toàn trong cuộc chiến.

Chợ Bến Thành cũ trên kinh Chợ Vải trước năm 1887 khi chưa lấp kinh (nay là đường Nguyễn Huệ) - Ảnh tư liệu

Kỳ 1:  

Kỳ 2: 

Kỳ 3: 

Kỳ 4: 

Kỳ 5: 

Việc xây dựng tiến hành ngay cả khi chưa chiếm xong toàn bộ Gia Định, thậm chí hàng vạn quan quân nhà Nguyễn đang ồ ạt tập kết, xây dựng chiến tuyến ở đại đồn Chí Hòa cách đó vài cây số cho thấy người Pháp đã nhận ra vị trí quan trọng của ngôi chợ nằm giữa lòng Sài Gòn này.

Nhưng ngôi chợ Bến Thành mới được bố trí vô sâu trong kinh chợ Vải, trên đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ) chứ không nằm bến sông như ngôi chợ cũ.

Từ sông Sài Gòn nhìn vô, chợ bên tay trái nhìn ra kinh chợ Vải (hay kinh Charner).

Vị trí chợ Bến Thành cũ trên bản đồ Sài Gòn năm 1881 do người Pháp vẽ - Đồ họa: T.Thiên
Vị trí chợ Bến Thành cũ trên bản đồ 3D Sài Gòn năm 1881 do sĩ quan công binh Pháp Fauvre vẽ rất chính xác từng tòa nhà thời kỳ đó. Trong bản đồ, kinh Coffyn, kinh Cây Cám, rạch Cầu Sấu đã bị lấp thành đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Hàm Nghi hiện nay. Kênh Chợ Vải (màu xanh trong bản đồ) mới bị lấp một phần. Nhiều công trình thời đó hiện nay vẫn còn: UBND TP.HCM, Cục Hải quan TP.HCM...  - Đồ họa: T.Thiên
Vị trí Chợ Bến Thành cũ trong bản đồ Sài Gòn (Nam Kỳ) năm 1878 - Đồ họa: T.Thiên
Vị trí chợ Bến Thành cũ trong bản đồ Sài Gòn (Nam kỳ) năm 1878. Bản đồ này cuối đường Charner chưa có tòa nhà trụ sở UBND TP.HCM hiện nay (chưa xây dựng) và khu vực chợ Bến Thành hiện nay còn là ao/đầm Bồ Rệt - Đồ họa: T.Thiên

Cụ thể chợ Bến Thành cũ hiện nay nằm trong phạm vi bốn con đường (theo chiều kim đồng hồ; chúng tôi dùng tên hiện nay để bạn đọc không rối): Nguyễn Huệ - Hải Triều - Hồ Tùng Mậu - Ngô Đức Kế.

Chợ Bến Thành xưa nhanh chóng hồi sinh mạnh mẽ

Ngôi chợ xây dựng rất nhanh và hoạt động từ năm 1860 với năm gian cột gỗ, mái lá như ngôi chợ Vải một gian đầu đường trước đó. 10 năm sau, năm 1870, một gian cháy và đó là cơ hội để ngôi chợ được xây dựng lại theo các nghị định của Thống đốc Nam kỳ lúc ấy (cấm nhà cửa, dinh thự ở nội ô Sài Gòn lợp tranh): cột gạch, sườn gỗ, lợp ngói (riêng gian bán thịt lợp tôn, lát đá granit).

Ngôi chợ xây dựng lại này cũng có năm gian bày bán đồ khô, cá, thịt, thực phẩm và tạp hóa. 

Chính thức "hồi sinh", ngôi chợ Bến Thành ngay lập tức sống mạnh mẽ: ghe thuyền các nơi đổ đến mua bán chật kênh Charner (nay là Nguyễn Huệ) trước chợ và rạch Cầu Sấu (nay là Hàm Nghi) góc trái sau chợ - hai đường nước lên xuống hàng hóa và khách đi chợ.

Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong (xuất bản năm 1909) đã dành 50 dòng thơ ca ngợi sự sầm uất của ngôi chợ này: Bến Thành chợ rộng tứ vi - Mấy cửa hàng xén ở thì quanh năm (...) - Bánh trái biết mấy chục hàng - Bò heo thớt thịt nhảy tràn dọc ngang...

Đám con nít phụ bốc vác ở chợ Bến Thành cũ năm 1907 hoặc phụ khách đi chợ mang hàng về (đựng trong đồ thúng) - Ảnh tư liệu

Năm 1887, kinh Charner bị lấp thành đại lộ Charner (dân lúc đó gọi là đường Kinh Lấp). Hai bên đường, nhà cửa người Việt, Hoa, Ấn, Miên... san sát, buôn bán sầm uất đến mức xung quanh chợ là hàng loạt nhà hàng, khách sạn, thậm chí cả tòa soạn báo.

Nhiều năm hoạt động, ngôi chợ xuống cấp, cùng với đó là kinh Chợ Vải nhiều rác bốc mùi hôi thối ngay trước Tòa thị chính (nay là trụ sở UBND TP.HCM) đến mức cư dân xung quanh làm đơn phản đối lên Hội đồng TP Sài Gòn lúc ấy.

Hội đồng thành phố lên kế hoạch làm chợ Bến Thành mới, xa nơi cũ, cụ thể ở khu vực ao/đầm Bồ Rệt (marais Boresse) với kinh phí dự trù 400.000 franc, thực tế 975.000 franc (để so sánh, cùng thời điểm này nhà thờ Huyện Sĩ trên đường Nguyễn Trãi hiện nay được xây dựng với kinh phí 1,5 triệu franc).

, chợ Bến Thành cũ bị giải tỏa để xây dựng ngân khố (trước 1975 là Tổng nha Ngân khố, nay là Kho bạc TP.HCM).

Riêng một trong năm gian là gian bán thịt lợp tôn phía sau được giữ lại.

Chỉ một "mầm mống" đó thôi, chợ Bến Thành cũ lại tiếp tục sống đến tận hôm nay, hơn 1 thế kỷ.

Chợ Cũ sầm uất với thịt quay bánh mì, cơm thố và... cà phê dĩa

Chợ Bến Thành cũ, người dân nói gọn thành chợ Cũ;

Từ gian thịt được giữ lại nhưng đẩy ra phía sau, chợ Cũ hoạt động ngay vỉa hè đại lộ de la Somme rộng lớn như mặt tiền cũ ở đại lộ Charner; vừa tiếp tục thông ra sông Sài Gòn như trước để dễ dàng đi thẳng ra chợ Bến Thành mới cách đó vài trăm mét.

Gian hàng thịt sau đó cũng bị giải tỏa. Không nhà lồng chợ, không bảng tên, chỉ sống trên vỉa hè vậy mà chợ Cũ vẫn sống rất khỏe, hùng cứ cả hai con đường nhỏ thông ra đại lộ de la Somme như (tên hiện nay): Tôn Thất Đạm, Hồ Tùng Mậu, thậm chí mon men ra tới Hải Triều, Pasteur...

Quầy bánh mì trên đường Hàm Nghi sầm uất trước năm 1975 - Ảnh: LIFE
DÃy tiệm thịt quay chợ Cũ nổi tiếng trước 1975 trên đường Hàm Nghi, hiện chỉ còn một tiệm (Thiên Nhiên - tiệm giũa, có mấy khách phía trước) - Ảnh tư liệu

Khi chợ Mới có thị phần mạnh về thực phẩm thì bên cạnh những món hàng chợ nào cũng có này, chợ Cũ tập trung khai thác thêm chuyện ăn uống.

Nhiều cư dân vốn gốc Quảng Đông với nền ẩm thực hàng đầu Trung Hoa, chợ Cũ không hề thua kém hàng quán ở Chợ Lớn, dễ dàng trở thành nơi tìm đến thưởng thức các món ăn không chỉ của dân Sài Gòn mà còn của khắp Nam kỳ lục tỉnh nếu có dịp đến Sài Gòn.

Gian hàng thịt hóa thân thành nhiều tiệm thịt quay bánh mì lừng lẫy cho đến nay với da giòn, ngọt vị mật ong nhưng thịt rất mềm. “Cao lầu chợ Cũ”, cà phê dĩa, hủ tiếu, bánh mì xíu mại... có ai người Sài Gòn không muốn từng một lần ghé ăn?

Một quán hủ tiếu trước chợ Bến Thành cũ năm 1908 với thực khách Sài Gòn ngồi... chồm hổm - Ảnh tư liệu
Một chị bán rau củ quả chồm hổm phía sau chợ Bến Thành cũ (nhìn ra đường Hồ Tùng Mậu hiện nay) - Ảnh tư liệu
Đường Hồ Tùng Mậu, mặt sau chợ Bến Thành cũ sáng 7-10. Tòa nhà Bitexco bên phải ảnh là nơi mấy chị tiểu thương chợ chồm hổm ngồi khi xưa - Ảnh: M.C.

Thế nhưng hai món tuyệt chiêu nhất nhưng cũng rẻ rề của khu chợ Cũ này là cơm thố và cà phê dĩa.

Nhiều ngày chủ nhật trước năm 1975, mấy thằng con nít chúng tôi được gia đình đưa đi Sở Thú chơi sau khi ghé chợ Cũ ăn đã đời. Ở chợ Cũ, đám nhỏ chúng tôi há hốc mồm khi thấy hàng trăm vị khách ngồi chồm hổm trên ghế. Khi ly cà phê nóng hổi bưng ra trên dĩa, mấy vị khách từ "thầy Hai" cho đến ông ba gác, đạp xích lô. thợ thuyền đổ ra dĩa, thổi cho bớt nóng và... húp. 

Mùi cà phê nóng bay ngập quán cà phê, khách từ "Thầy Hai" (công chức, trí thức) đến ông xích lô, ba gác ngồi bên nhau chật chội có lẽ đã thành ký ức khó quên của người Sài Gòn về ngôi chợ này. 

Còn cơm thố đựng trong các thố men hoa xanh nước biển, hấp trong chiếc xửng nhiều tầng bằng tre ăn với cá kho khô, canh cải bẹ nấu với cá thác lác ở mấy quán góc Tôn Thất Đạm – Hàm Nghi (hiện còn một quán trên đường Tôn Thất Đạm). 

Chợ Tôn Thất Đạm, một khu vực của chợ Cũ sáng 7-10. Ảnh chụp góc ngã tư Tôn Thất Đạm - Hàm Nghi, trước năm 1975 là nơi tập trung nhiều quán cơm thố - Ảnh tư liệu

Mỗi thố chừng một chén cơm nhỏ nên có ông chạy ba gác ăn lần 5, 6 thố. Dân có tiền thì chỉ ăn 1, 2 thố nhưng thay vì kêu cá kho khô thì kêu gà nướng, bồ câu quay, cá hấp... Giàu nghèo gì cũng ngồi cạnh nhau ăn rầt bình thường, chuyện trò với nhau rôm rả...

Riêng món “hầm vĩ chưng hột vịt, chưng giấm đường” là món cá lù đù (hầm vĩ) trộn chung hột vịt rồi hấp hoặc chưng, ăn với rau sống, dưa leo (học giả Vương Hồng Sển đã kể món này ra ngay phần mở đầu Sài Gòn năm xưa - 1960).

... Hơn 200 năm có mặt trên đất Sài Gòn (có lẽ khoảng từ khi thành Gia Định 1790 được xây dựng), chợ Bến Thành đã bao phen long đong, dời đổi, thậm chí có lúc tưởng đã chết.

Nhưng rồi ngôi chợ ấy lại hồi sinh mạnh mẽ, dù sống vỉa hè vẫn tồn tại cho đến nay, hơn một thế kỷ... không nhà.

Con nít Sài Gòn trước quán thịt heo quay, vịt quay Thiên Nhiên trên đường Hàm Nghi trước 1975. Người mặc áo thun trắng chống nạnh là Xá Xây, thợ chặt thịt lúc ấy của tiệm (giờ đã mất) - Ảnh tư liệu
Dãy tiệm thịt quay bánh mì san sát trên đường Hàm Nghi trước 1975. Tiệm Thiên Nhiên (cạnh cột điện) giờ vẫn còn, tiệm bìa trái ảnh giờ là tiệm bánh Như Lan - Ảnh tư liệu
Dãy cửa hàng trên đường Hàm Nghi, khu chợ Cũ hiện nay. Quán thịt quay Thiên Nhiên lừng lẫy hơn nửa thế kỷ trước giờ vẫn còn - Ảnh: M.C.
Khu vực chợ cũ được bao bởi các con đường Hàm Nghi - Tôn Thất Đạm - Hồ Tùng Mậu nằm cách vị trí chợ Bến Thành ngày nay không xa - Đồ họa: T.Thiên
Khu vực chợ Cũ hiện nay nằm trong khu vực các con đường: Hàm Nghi - Tôn Thất Đạm - Hồ Tùng Mậu (đoạn từ Ngô Đức Kế đến Hải Triều). Chợ Cũ cách vị trí chợ Mới (Bến Thành) hiện nay vài trăm mét - Đồ họa: T.Thiên

 

CÙ MAI CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên