23/06/2014 10:42 GMT+7

Chờ bản án tử hình mới buộc Dương Chí Dũng thôi việc?

VÕ XUÂN TRUNG(Đoàn Luật sư TP.HCM)
VÕ XUÂN TRUNG(Đoàn Luật sư TP.HCM)

TTO - Bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tuyên y án tử hình ngày 7-5-2014, mới đây Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mới bị Bộ GTVT buộc thôi việc. Việc cho thôi việc này có quá chậm?

hocmdDJp.jpgPhóng to
Dương Chí Dũng (trái) và Mai Văn Phúc (phải) đều đã bị kết án tử hình bằng bản án có hiệu lực pháp luật - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ

Thông tin Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa quyết định cho thôi việc đối với Dương Chí Dũng (nguyên cục trưởng Cục Hàng hải) và Mai Văn Phúc (nguyên vụ phó Vụ Vận tải) gây thắc mắc cho nhiều người: liệu quyết định xử lý kỷ luật cán bộ của Bộ GTVT có quá muộn?

Tuy nhiên, theo luật sư Võ Xuân Trung (Đoàn luật sư TP.HCM) thì việc Bộ GTVT cho thôi việc đối với hai quan chức “nổi tiếng” trong vụ tham nhũng hàng chục tỉ đồng tại Vinalines này gần 2 tháng sau khi tòa đã kết án tử hình là dựa theo quy định của pháp luật.

Sau đây là phân tích của luật sư Võ Xuân Trung:

Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã quy định người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Căn cứ vào nguyên tắc suy đoán vô tội trên đây thì việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam hay VKS ra cáo trạng truy tố đối với bị cáo thì người này vẫn chưa bị xem là người có tội, bởi biết đâu nếu trong khi xét xử, cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi phạm tội của các bị cáo thì tòa án cũng có thể tuyên cho bị cáo vô tội.

Kể cả đến khi bản án sơ thẩm xét xử xong thì người bị kết án cũng chưa bị xem là người có tội, bởi bản án sơ thẩm có thể bị chính các bị cáo, những người có quyền kháng cáo khác gửi đơn kháng cáo hoặc VKS ra kháng nghị.

Chỉ khi nào vụ án đã xử phúc thẩm xong, bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay thì người bị bản án đó kết tội mới bị xem là người phạm tội.

Trong vụ án của Dương Chí Dũng (nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines) và Mai Văn Phúc (nguyên vụ phó Vụ Vận tải Bộ GTVT, nguyên tổng giám đốc Vinalines), tại thời điểm bị khởi tố cả hai đều là những người đang giữ các chức vụ, quyền hạn tại Bộ GTVT.

Vẫn hưởng lương trong thời gian tạm đình chỉ

Theo điều 81 Luật cán bộ công chức thì trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức vẫn được hưởng lương theo quy định của Chính phủ.

Vì thế, căn cứ quyết định khởi tố và yêu cầu của cơ quan điều tra thì Bộ GTVT cho tạm đình chỉ công tác hai ông để phục vụ công tác điều tra. Việc tạm đình chỉ công tác hai công chức của bộ khi bị khởi tố, bắt giam trên được thực hiện theo điều 81 Luật cán bộ công chức. Việc tạm đình chỉ công tác trong trường hợp này là để chờ cơ quan chức năng làm rõ vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức ấy ra sao để đơn vị chủ quản có cơ sở xử lý.

Trong khi chờ đợi phán quyết cuối cùng của tòa án thì cơ quan chủ quản cũng chưa xử lý vi phạm của cán bộ, công chức mình quản lý mà phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan tố tụng.

Nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do. Hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.

Sau khi đã có bản án chung thẩm - có hiệu lực của tòa án cấp có thẩm quyền thì theo điều 79 Luật cán bộ công chức, sau quá trình tạm đình chỉ công tác để xem xét, nếu công chức bị tòa án kết án hình phạt tù (và không được cho hưởng án treo) thì đương nhiên phải chịu hình thức kỷ luật là buộc thôi việc.

Trong trường hợp của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, tuy đã bị Bộ GTVT tạm đình chỉ công tác từ tháng 5-2012 nhưng mới đây (sau 2 năm) thì Bộ GTVT mới có quyết định kỷ luật buộc thôi việc với hai người này là bởi vì còn phải chờ phán quyết cuối cùng (bản án phúc thẩm của TAND Tối cao đối với vụ án).

Tháng 12-2013, TAND TP Hà Nội đã tuyên tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc nhưng bản án này có kháng cáo, chưa có hiệu lực thi hành. Chỉ đến ngày 7-5-2014, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm thì bản án tử hình đối với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc mới có hiệu lực pháp luật.

Tương tự, nhiều trường hợp cán bộ, công chức hay viên chức khác khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đã bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự thì cơ quan chủ quản cần chờ phán quyết cuối cùng của tòa án về hành vi vi phạm của cán bộ, công chức viên chức để làm căn cứ xử lý kỷ luật.

Vì vậy, việc Bộ GTVT phải chờ bản án có hiệu lực pháp luật, sau đó mới thực hiện các bước trong quy trình về xử lý kỷ luật cán bộ công chức vi phạm pháp luật mới buộc thôi việc Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc là đúng quy định.

Gửi án phúc thẩm trong vòng 25 ngày

Điều 254 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thời gian giao bản án phúc thẩm như sau:

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày ra quyết định, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án hoặc quyết định phúc thẩm cho người kháng nghị, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan công an nơi đã xử sơ thẩm, người đã kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền (trong trường hợp bản án phúc thẩm có tuyên hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự); thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc.

Trong trường hợp tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xử phúc thẩm thì thời hạn này có thể dài hơn nhưng không quá 25 ngày.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

VÕ XUÂN TRUNG(Đoàn Luật sư TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên