Phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19-3 vừa rồi là lần đầu tiên thể thức "hỏi nhanh đáp gọn" được thí điểm thành công - Video: T.CHUNG
Đầu tiên là việc đổi sang thể thức "hỏi nhanh đáp gọn" với việc mỗi đại biểu chỉ có 1 phút để hỏi thay vì 2 phút như trước đây, các bộ trưởng sẽ phải trả lời sau khi 3 đại biểu chất vấn, thay vì 5 đại biểu với các câu hỏi "nhồi nhét" nhiều câu hỏi bên trong như trước đây.
Và các câu trả lời cũng sẽ buộc phải tiết chế phần trình bày báo cáo thành tích hay dẫn hết văn bản này đến văn bản khác vì thời gian cho mỗi lần trả lời chỉ là 3 phút.
Sau lần "tập dượt" khá thành công với phiên chất vấn và trả lời chất vấn bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và bộ trưởng Khoa học công nghệ Chu Ngọc Anh tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19-3 vừa rồi, Quốc hội đã quyết định đem ra áp dụng ở quy mô toàn thể với những điều chỉnh phù hợp với phòng họp Diên Hồng.
Nhận xét về lần đầu tiên cải tiến cách thức chất vấn đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá cao việc nó tạo được sự tương tác nhiều hơn, sự đối thoại trực diện giữa người hỏi và người trả lời.
"Cách thức này nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn. Các đại biểu đã hỏi ngắn gọn, không trùng ý, bộ trưởng trả lời trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề, không mất nhiều thời giờ để ghi chép câu hỏi, khi trả lời không bỏ sót câu hỏi", bà Ngân nói.
Nếu những gì thể hiện trong phiên chất vấn "thí điểm" là chỉ báo cho những gì có thể mong đợi ở phiên chất vấn tuần sau, thì rõ ràng khi đại biểu hỏi thẳng vào vấn đề, bộ trưởng sẽ phải trả lời đúng trọng tâm, khi đại biểu giảm lê thê, bộ trưởng sẽ bớt vòng vo.
Như vậy, dù trong 4 bộ trưởng đăng đàn lần này có 2 người đã trả lời chất vấn ở các kỳ họp trước, thể thức mới vẫn là thử thách công bằng cho cả 4 vị. Với những vấn đề thực tế mà người dân và cử tri đang rất sốt ruột trong 4 lĩnh vực giao thông, giáo dục, lao động và tài nguyên môi trường, hỏi và trả lời cũng không được phép chung chung, rề rà.
Cuộc tranh luận xung quanh phiên toà bác sĩ Hoàng Công Lương là một trong những lần các tấm bảng mã số đại biểu được giơ lên rất nhiều - Nguồn video: VTV
Cũng có những băn khoăn về việc liệu 3 phút có đủ để trả lời hết ý những vấn đề phức tạp, liệu có vì vắn thời gian mà trả lời qua loa, chiếu lệ. Nếu có thì đây là lúc một cải tiến khác của Quốc hội được kỳ vọng phát huy tác dụng - tranh luận.
Tấm bảng ghi mã số của các đại biểu đã được giơ lên nhiều lần trong 3 ngày chất vấn của kỳ họp trước, tạo nên những tranh luận khá sôi nổi về chuyện đánh giá nợ công hay thương vụ Mobifone mua AVG.
"Vũ khí" này dường như được các đại biểu sử dụng ngày càng mạnh dạn, dứt khoát và được những người điều hành không ngại ưu tiên, tạo điều kiện. Kỳ họp thứ 5 mới trải qua gần 2 tuần mà đã có không ít cuộc tranh luận dậy sóng nghị trường và dư luận.
Diễn đàn Quốc hội nói chung, các phiên chất vấn nói riêng, đang trở nên rộng mở và thuận lợi hơn cho sự chủ động của các đại biểu. Các đại biểu có sẵn sàng nắm lấy cơ hội để phát huy triệt để vai trò người đại diện của cử tri, để các giờ họp trong Nhà Quốc hội có thể thiết thực góp phần giải quyết rốt ráo những vấn đề gai góc ngoài xã hội?
Ba ngày đầu tuần tới sẽ cho chúng ta câu trả lời.
4 thành viên Chính phủ sẽ ngồi vào "ghế nóng" của phiên chất vấn kỳ họp này lần lượt là bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, bộ trưởng Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà, bộ trưởng Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung và bộ trưởng Giáo dục đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Chờ đợi các vị trưởng ngành này sẽ là những vấn đề bức xúc đã kéo dài lâu nay như tai nạn giao thông, khiếu kiện đất đai, giải quyết việc làm, cải cách giáo dục… và những vấn đề mới nổi lên vẫn đang là tâm điểm dư luận như các dự án BOT hạ tầng, những vùng đất, vùng biển ô nhiễm, nạn bạo hành, xâm hại trẻ em, những kỳ thi liên tục cải tiến…
Phiên chất vấn sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 4 đến 6-6, được phát thanh và truyền hình trực tiếp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận