17/11/2018 17:50 GMT+7

Chịu không xiết, dân hùn tiền thưởng nóng người báo tin xả rác

TRẦN ANH KHÔI
TRẦN ANH KHÔI

TTO - Chuyện ghi ở P.13, Q.Gò Vấp, TP.HCM: bà con nơi đây chịu không xiết cảnh rác xả rác "bí mật" đã hùn tiền lập quỹ thưởng nóng những người báo tin, phát hiện, bắt giữ người đổ rác bậy.

Chịu không xiết, dân hùn tiền thưởng nóng người báo tin xả rác - Ảnh 1.

Một trường hợp xả rác ở phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM đã phải tự dọn rác và thuê xe chở rác đến trạm trung chuyển rác - Ảnh: T.L.

Những người góp tiền và cả cán bộ phường không muốn nêu tên, kể việc mình đã làm. Khoản thưởng do người dân đóng góp tuy không lớn, nhưng cho thấy sự chung tay của cộng đồng cùng giữ môi trường sạch đẹp.

Khi tổ tự quản chung tay

Ba tháng qua, từ tin báo của người dân, lực lượng chức năng P.13, Q.Gò Vấp đã lập biên bản xử phạt 10 trường hợp đổ rác bậy, tổng số tiền xử phạt hơn 30 triệu đồng. 

Không chỉ ấn tượng ở số lần, số tiền từ việc xử lý xử phạt vi phạm, câu chuyện giữ sạch môi trường sống ở địa phương này có cách làm độc đáo, được sự đồng tình ủng hộ rất lớn của người dân.

Địa bàn phường này giáp ranh cầu Trường Đai, cầu 59, bờ kênh Tham Lương... là những địa điểm thường xuyên trở thành các bãi rác tự phát. 

"Trước đây, việc kiểm tra cũng thực hiện nhưng không dễ xử lý, khi lực lượng phường đến hiện trường không gặp chuyện xả rác. Rồi người dân viết thư phản ánh, chia sẻ và ngỏ ý ủng hộ kinh phí cùng phường giải quyết, từ đó chúng tôi suy nghĩ cách làm khác" - một lãnh đạo UBND P.13 kể lại.

UBND P.13 lập ngay một tổ xử lý vấn đề rác thải, lực lượng gồm cán bộ phường và các tổ tự quản ở từng tổ dân phố. 

Để có thể "bắt tận tay", lực lượng này mặc thường phục, túc trực tại các địa điểm thường đổ rác thải để quay phim, chụp hình các trường hợp đổ rác bậy. Với những bằng chứng không thể chối cãi, đa số trường hợp vi phạm đều tâm phục khẩu phục nhận sai.

Để bắt một trường hợp xả rác bậy, lực lượng trên có thể mất 3 - 4 ngày, trực canh hơn 20 tiếng trong ngày. Nhưng trường hợp nào vi phạm cũng được xử lý tới nơi tới chốn, người vi phạm không dám tái phạm. Nhiều người khác cũng ngán cách làm quyết liệt này.

Và người dân góp sức

Mỗi trường hợp vi phạm ngoài việc bị lập biên bản vi phạm hành chính, phạt 3 - 5 triệu đồng, người vi phạm còn bị tạm giữ phương tiện vi phạm (xe ba gác, xe máy, ôtô chở rác đi đổ), đồng thời phải khắc phục hậu quả mình gây ra. 

Có những vụ đưa cả xe tải, xe ba gác chở hàng tấn rác đổ xuống chân cầu, bờ kênh đều bị lập biên bản, tạm giữ phương tiện. 

Khi nào người vi phạm đóng phạt xong, cầm biên lai về phường, phường cử người đi cùng "anh xả rác" trở lại hiện trường, tổ chức hốt hết phần rác đã đổ đưa đi xử lý đúng nơi quy định. Khắc phục xong hậu quả mới được trả phương tiện vi phạm. 

Có trường hợp phải mất vài ngày mới thu dọn hàng tấn rác mình đã đổ bừa bãi và thuê một đơn vị khác chở tới trạm trung chuyển rác.

Những việc này người dân nhìn thấy, thấu hiểu hết. Thấy phường làm nghiêm, nhiều người ủng hộ kinh phí cho UBND P.13 tiếp tục tuần tra, xử lý. 

Từ nguồn đóng góp này, P.13 đã lắp đặt thêm hệ thống camera an ninh theo dõi tại các địa điểm có thể thành đống rác để làm cơ sở xử lý vi phạm.

Anh Hoàng Minh Thư, một trong những người dân ủng hộ kinh phí cho UBND P.13, bày tỏ bức xúc chuyện xả rác bừa bãi, nhiều nơi. Anh Thư cho rằng lực lượng công an khu vực, tổ bảo vệ dân phố nơi nào cũng có, nhưng nhiều nơi chưa thể phối hợp làm hiệu quả chuyện này. 

Khi thấy UBND P.13 xử lý hiệu quả các vụ xả rác, anh góp tiền ủng hộ để "thưởng nóng" lực lượng bắt xả rác với suy nghĩ đơn giản: "muốn đóng góp một phần để môi trường được tốt hơn lên".

Hưởng ứng cách làm của anh Thư, nhiều người dân đã ủng hộ hàng chục triệu đồng, phường vẫn duy trì mức thưởng cho người báo tin, có hình ảnh hoặc lực lượng bắt quả tang hành vi xả rác (400.000 đồng/vụ). 

Lãnh đạo phường công khai và cam kết sử dụng số tiền này cho mục đích duy trì công tác đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn phường.

"Nơi nào lãnh đạo địa phương quyết tâm làm và huy động được sự chung tay của người dân, không chỉ vấn nạn xả rác bừa bãi, nhiều vấn đề khác cũng sẽ được giải quyết tốt hơn". Mong nhiều nơi quyết liệt làm như P.13, Q.Gò Vấp để môi trường sống trong lành hơn" - anh Thư nói.

Tâm phục khẩu phục

Ông Nguyễn Văn Hồng, người dân vi phạm, cho biết tâm phục khẩu phục việc lực lượng chức năng UBND P.13 xử lý vi phạm xả rác.

Ông Hồng cho biết trước đây ông bán dừa gần cầu Bến Phân, xác, vỏ dừa được đổ xuống bãi đất trống gần cầu.

Sau khi bị lập biên bản, phạt 4 triệu đồng, tạm giữ xe tải trong ba ngày và tốn thêm tiền triệu thuê xe dọn đống "rác vỏ dừa", ông Hồng giờ không còn bán ở chỗ cũ nữa. Ông đã thuê mặt bằng đàng hoàng hơn gần đó để bán.

Đồng thời, ông Hồng ký hợp đồng với lực lượng gom rác mức 300.000 đồng/tháng để dọn rác.

"Từ phân tích, xử lý của phường, tôi biết mình sai và mong nhiều trường hợp khác không sai phạm giống mình" - ông Hồng tâm sự.

Ở TP.HCM không phân loại rác, coi chừng bị phạt 20 triệu

TTO - Người dân tại TP.HCM không thực hiện phân loại rác và chuyển giao đúng nhóm chất thải theo quy định có thể bị phạt tới 15-20 triệu đồng.

TRẦN ANH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên