Tàu tuần tra Úc được điều động tới gần đảo Daru và hiện diện liên tục, sau khi có thông tin Trung Quốc sẽ xây khu công nghiệp nghề cá trên đảo này - Ảnh: Bộ Quốc phòng Úc
Dự án trị giá 200 triệu USD sẽ được xây trên đảo Daru, một trong số ít các hòn đảo nằm trong eo biển Torres không thuộc quyền kiểm soát của Úc. Hòn đảo này thuộc Papua New Guinea nhưng cách đất liền Úc chỉ khoảng 200km và biên giới trên biển của Úc vài km.
Các hoạt động của Trung Quốc đã khiến các chuyên gia an ninh quốc gia Úc lo ngại. Họ sợ rằng trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai, Con đường", hòn đảo này sẽ biến thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc. Trên đảo đã có sẵn một đường băng cho máy bay dài hơn 1.500m.
Sự xuất hiện của một khu công nghiệp nghề cá do Trung Quốc điều hành là một mối đe dọa khác. Các đội tàu cá của Trung Quốc, dù treo cờ Papua New Guinea, đang đánh bắt kiểu tận diệt các vùng biển xung quanh.
Trong một cuộc điều trần tại Thượng viện Úc, Ngoại trưởng Úc Marise Payne xác nhận Lực lượng biên phòng Úc đã phải duy trì "hiện diện liên tục" ở eo biển Torres và làm việc với cơ quan thực thi pháp luật Papua New Guinea về vấn đề trên.
"Mọi ngư dân trong khu vực eo biển Torres phải tuân thủ luật pháp của Úc và Papua New Guinea lẫn luật pháp quốc tế", bà Payne nêu quan điểm.
Bà Penny Wong, lãnh đạo phe đối lập Công đảng Úc, chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison "phạm sai lầm" khi không làm gì và để dự án này diễn ra. "Làm thế nào mà chính phủ Morrison không nhìn thấy điều này sắp xảy ra được?", bà Wong đặt vấn đề.
Các chính trị gia Công đảng Úc kêu gọi đã tới lúc ông Morrison nên bổ sung máy bay không người lái để "bảo vệ bờ biển Úc" thay cho "đội tàu và máy bay cổ lỗ sĩ".
Khoảng cách từ đảo Daru tới lãnh thổ chính của Úc - Ảnh: Google Map
Thượng nghị sĩ Rex Patrick, một người thường xuyên chỉ trích Bắc Kinh, cảnh báo dự án ở Daru sẽ "tác động nghiêm trọng" tới an ninh quốc gia Úc. "Rõ ràng với một sự hiện diện như vậy chỉ có làm phức tạp thêm tình hình an ninh và tạo chỗ đứng mới cho Bắc Kinh can thiệp vào Papua New Guinea", ông nói.
Chính trị gia độc lập này đề nghị Canberra cần cảnh báo Papua New Guinea và thay vì ngồi nhìn Trung Quốc đặt chân tới Daru, Úc nên đề xuất với nước láng giềng một dự án khác thay thế.
"Nếu chính phủ không thể dừng lại được sự háo hức của Papua New Guinea, tốt hơn hết chúng ta nên lên kế hoạch bảo vệ hệ sinh thái của các vùng biển trong khu vực. Các tàu cá Trung Quốc nổi tiếng là có xu hướng khai thác kiệt quệ tài nguyên", ông Patrick cảnh báo.
Ông Jonathan Pryke, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Lowy (Úc), giải thích thái độ đón nhận Trung Quốc của Papua New Guinea cũng giống như các nước nghèo khác trước đồng nhân dân tệ. Tình trạng đói nghèo và kém phát triển trên đảo Daru khiến Papua New Guinea ít có lựa chọn khác.
Tuy nhiên, khác với các chính trị gia, ông Pryke lưu ý việc Trung Quốc mở căn cứ ở đảo Daru không có giá trị chiến lược vì quá gần Úc. "Đó có thể chỉ là một động thái mang tính biểu tượng. Trung Quốc có thể đang muốn gởi thông điệp tới Úc: chúng tôi đang áp sát các người và sẽ tiến gần biên giới Úc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận