07/08/2014 04:45 GMT+7

Chỉnh trang đường Nguyễn Huệ như thế nào?

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Việc chỉnh trang đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) bằng lát đá granite để con đường này trở thành một quảng trường đẹp và phố đi bộ ở trung tâm TP đang được xúc tiến.

sJ6QE23p.jpgPhóng to
Trên đường Nguyễn Huệ, quảng trường đi bộ - trung tâm thương mại ngầm sẽ kết nối với nhà ga metro Nhà hát TP. Trong ảnh: mô hình nhà ga metro Nhà hát TP Nguồn: Ban quản lý đường sắt đô thị TP cung cấp

Nơi đây còn có trung tâm thương mại ngầm nhiều tầng, nhà ga metro được kết nối với các tuyến metro.

Quảng trường thành phố

Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - chủ đầu tư dự án nâng cấp, chỉnh trang đường Nguyễn Huệ, giai đoạn 1 sẽ lát đá granite đường này đoạn từ Lê Thánh Tôn (phía trước UBND TP) đến Lê Lợi, dài 125m, rộng 63m. Đồng thời, cũng lát đá đường Lê Thánh Tôn, đoạn từ Pasteur đến Đồng Khởi, dài 220m, rộng 14m. Công trình sử dụng màu sắc của đá granite để trang trí hoa văn trên mặt đường và toàn bộ vỉa hè ở khu vực trên cũng được lát đá granite. Dự án giai đoạn 1 có vốn đầu tư 71 tỉ đồng, đã được Sở GTVT TP phê duyệt và dự kiến khởi công vào cuối tháng 8, làm xong vào tháng 3-2015.

Hiện Khu Quản lý giao thông độ thị số 1 đang trình Sở GTVT TP phê duyệt dự án giai đoạn 2, thi công đường Nguyễn Huệ, đoạn từ Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng - công viên Bạch Đằng, dài khoảng 671m, rộng 64m với vốn đầu tư khoảng 450 tỉ đồng. Dự kiến, tháng 9 tới sẽ thi công và làm xong toàn bộ công trình nâng cấp đường Nguyễn Huệ vào tháng 3-2015.

Ông Phạm Sanh (chuyên gia giao thông):

Phải làm đồng bộ quảng trường và không gian ngầm

Theo tôi, việc xây dựng đường Nguyễn Huệ là biểu tượng TP cần có sự tham gia của Sở Quy hoạch - kiến trúc. Trong đó, các công trình xây dựng cần tổ chức thi kiến trúc và có tham khảo ý kiến người dân.

Việc thi công nâng cấp đường Nguyễn Huệ giai đoạn 1 để hoàn thành cùng lúc với công trình xây dựng mới tượng đài Bác Hồ là phù hợp. Riêng giai đoạn 2, từ đường Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng cần cẩn trọng vì đoạn đường này đã được phê duyệt thiết kế xây dựng trung tâm thương mại ngầm. Ở các nước, khi xây dựng quảng trường, người ta cũng xây dựng không gian ngầm dưới lòng đất, không ai làm quảng trường trước và xây dựng trung tâm thương mại ngầm sau. Bởi vì làm hai lần như vậy sẽ gây lãng phí và người dân sẽ khó chấp nhận.

Theo tôi, UBND TP cần cẩn trọng và có quyết định đúng như kêu gọi các nhà đầu tư cùng làm công trình ngầm để sau này không đào xới đường Nguyễn Huệ, gây lãng phí.

Ông Lê Quyết Thắng, giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, cho biết công trình thiết kế lát đá granite dày 8cm trên mặt đường và dày 6cm trên vỉa hè để đường Nguyễn Huệ trở thành một quảng trường, phố đi bộ đẹp vĩnh cửu. Trong tương lai, quảng trường này sẽ nối bằng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn đến quảng trường ở bán đảo Thủ Thiêm (Q.2).

Bên cạnh dự án chỉnh trang đường Nguyễn Huệ, TP đang triển khai đồng loạt các dự án khác trên đường này, gồm xây nhà ga metro Nhà hát TP (thuộc dự án tuyến metro số 1 Bến Thành, Q.1 - Suối Tiên, Q.9) và dự án xây tượng đài Bác Hồ mới (tượng đài Bác Hồ hiện hữu sẽ chuyển về Nhà Thiếu nhi TP). Đến năm 2018, người dân đến quảng trường - khu phố đi bộ Nguyễn Huệ có thể vào nhà ga metro Nhà hát TP để đến nhà ga Bến Thành đi các tuyến metro ra các cửa ngõ TP.

Chờ xây trung tâm thương mại ngầm?

Trước đó, theo quy hoạch đã được UBND TP phê duyệt, đường Nguyễn Huệ là quảng trường có điểm nhấn là các kiốt (diện tích tối đa 60m2), quán cà phê tại đầu mỗi giao lộ chính. Bố trí các cầu thang bộ, thang cuốn, thang máy tại các điểm nút nhằm kết nối với trung tâm thương mại ngầm. Tổ chức các phương tiện thư giãn như đài phun nước, công viên mini... dọc theo hành lang dành cho người đi bộ. Quảng trường tạo tầm nhìn về phía UBND TP nên sẽ tháo dỡ các công trình, tượng đài phía trước tòa nhà Sunwah Tower để bảo đảm tầm nhìn.

Tầng hầm thứ nhất là trung tâm thương mại sẽ dành hành lang cho người đi bộ, kết nối với Nhà hát TP (phía đầu đường Lê Lợi) và kết nối với công viên Bạch Đằng - ven sông Sài Gòn (phía đường Tôn Đức Thắng). Bố trí quảng trường và shop bán lẻ ngầm tại vị trí các cửa chính lên xuống trên mặt đất để tránh hiện tượng người đi ngầm bị mất phương hướng. Đồng thời, đảm bảo tính kết nối đối với các dự án cải tạo, chỉnh trang trong tương lai.

Theo thiết kế, Trung tâm thương mại ngầm Nguyễn Huệ sẽ đầu tư xây dựng hai hoặc ba tầng ngầm để xe. Việc kết nối giao thông từ trung tâm thương mại ngầm như sau: bố trí hai lối vào, ra trên đường Lê Lợi và Tôn Thất Thiệp, đường Ngô Đức Kế và Hải Triều. Xây dựng đủ diện tích dành cho xe buýt ở góc đường Huỳnh Thúc Kháng - Hải Triều. Bố trí các thang cuốn hoặc thang máy gần các trạm xe buýt để hành khách có thể kết nối dễ dàng vào nhà ga metro Nhà hát TP.

Mục tiêu xây dựng chỉnh trang nâng cấp đường Nguyễn Huệ đã đặt ra rõ ràng, thế nhưng trong quá trình lập dự án (giai đoạn 2, đoạn từ Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng), cơ quan chức năng mới phát hiện trên đoạn đường này chưa xây dựng trung tâm thương mại ngầm dưới lòng đất như quy hoạch. Vì vậy, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đã kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét có nên tiếp tục dự án chỉnh trang đường Nguyễn Huệ giai đoạn 2 hay tạm dừng để chờ xây dựng trung tâm thương mại ngầm. Theo lãnh đạo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, khi đã lát đá mặt đường mà vài năm lại đào bới đường để xây trung tâm thương mại ngầm sẽ gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng. Còn nếu chờ xây dựng trung tâm thương mại ngầm sẽ không biết bao giờ mới chỉnh trang nâng cấp đường Nguyễn Huệ vì đến nay chưa có nhà đầu tư và nguồn vốn đầu tư xây dựng trung tâm thương mại ngầm lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Theo ông Bùi Xuân Cường - phó giám đốc Sở GTVT TP, sở cũng biết việc quy hoạch trung tâm thương mại ngầm trên đường Nguyễn Huệ đã có từ lâu. Thế nhưng mục tiêu của dự án đường Nguyễn Huệ và trung tâm thương mại ngầm hoàn toàn khác nhau do việc nâng cấp đường Nguyễn Huệ là nhằm đồng bộ với dự án xây dựng mới tượng đài Bác Hồ. Vì vậy, sở cũng đã trình về việc này và dự kiến UBND TP sẽ xem xét quyết định trong cuộc họp gần đây.

Sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường sắt đô thị

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo như vậy sau khi cùng UBND TP.HCM và các bộ ban ngành liên quan kiểm tra thực địa dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ngày 6-8.

Theo Phó thủ tướng, tuyến metro số 1 là tuyến đường sắt đô thị hiện đại lần đầu tiên được thi công tại VN. Sự thành công của tuyến metro này không chỉ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng giao thông đô thị mà còn là hình mẫu cho việc xây dựng đường sắt đô thị trong tương lai. Vì vậy các bộ Xây dựng, GTVT và UBND TP.HCM rà soát, cập nhật, nâng cao các tiêu chuẩn về an toàn như khả năng giảm tạo tiếng ồn, chống động đất, kết nối đồng bộ với đường sắt quốc gia... Trên cơ sở đó, tham khảo thêm các tiêu chuẩn quốc tế để xây dựng sớm ban hành thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường sắt đô thị làm khung pháp lý cho việc xây dựng, điều hành, quản lý cho toàn bộ tuyến metro tiếp theo. Phó thủ tướng yêu cầu trong khi nguồn vốn ODA có hạn, các bộ ngành cần chuẩn bị nghiên cứu và ban hành điều kiện, cơ chế tài chính cho hình thức đầu tư: hợp tác công tư (PPP) để huy động nguồn lực triển khai các tuyến metro tiếp theo.

Cũng tại buổi kiểm tra, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết liên quan đến vụ Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) khai hối lộ cán bộ đường sắt VN, phía Nhật đã ngưng giải ngân cho hợp đồng tư vấn chung thuộc dự án tuyến metro số 1, gây khó khăn cho việc huy động nhân sự, trả lương... Về việc này, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch - đầu tư khẩn trương làm việc với JICA sớm giải tỏa việc giải ngân theo kế hoạch. Các đơn vị tập trung mọi nguồn lực, tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ để có thể đưa tuyến metro số 1 vào khai thác vận hành năm 2019.

Q.KHẢI

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên