09/09/2019 09:23 GMT+7

Chỉnh trang đô thị từ cộng đồng

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Việc mở rộng hẻm thành công ở quận 3, TP.HCM cho thấy một sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân, giữa người dân với nhau và là một thành công lớn xét trên góc độ 'tham gia cộng đồng' giải quyết chuyện chung.

Chỉnh trang đô thị từ cộng đồng - Ảnh 1.

Người dân hiến đất, mở rộng hẻm 62 Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM - Ảnh TỰ TRUNG

Mấy bữa nay, câu chuyện người dân quận 3, TP.HCM hiến đất mở hẻm trở thành chuyện thời sự hấp dẫn trên đài truyền hình và báo chí từ trung ương đến địa phương. 

Tin tức được chính quyền và người dân các tỉnh, thành khác tiếp nhận tích cực và muốn học tập áp dụng ở địa phương mình.

Thật ra chuyện người dân cắt nhà mở hẻm ở thành phố này đã diễn ra từ 10 năm trước, bắt đầu từ quận Phú Nhuận theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, kinh phí bỏ ra theo công thức Nhà nước 60, người dân 40, tức là người dân ngoài việc xén nhà, xén sân còn đóng góp thêm kinh phí cho mở hẻm, nâng cấp đường. 

Bây giờ dư luận quan tâm nhiều hơn đơn giản vì đất của quận 3 thuộc loại "tấc đất tấc vàng", cứ mỗi mét vuông có giá từ 100 đến 150 triệu đồng. Vì thế, số đất mà người dân tự nguyện hiến tặng lên đến hàng ngàn mét vuông, có giá hàng trăm tỉ đồng khiến xã hội ai nấy đều trầm trồ xuýt xoa.

Việc mở rộng hẻm thành công cho thấy một sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân, giữa người dân với nhau và là một thành công lớn xét trên góc độ "tham gia cộng đồng" giải quyết chuyện chung. Hẻm mở rộng ra chính quyền vui, dân cũng vui vì dù có thiệt một chút nhưng lợi ích mang lại nhiều hơn và lâu dài hơn. 

Nỗi lo cháy nổ, do hẻm nhỏ quá, lực lượng và thiết bị chữa cháy không can thiệp được thì nay dân đã nhẹ lòng. Mở rộng hẻm, việc đi lại dễ dàng hơn, cảnh quan đẹp hơn, thông thoáng hơn, khiến không khí được lưu thông giảm bớt bức bối.

Hẻm rộng có không gian thuận lợi cho việc làm ăn, kinh doanh buôn bán. Hẻm rộng, con trẻ có chỗ chơi, người già có chỗ đi loanh quanh và một điều nữa cũng phải nói đến là khi khoảng cách giữa hai dãy nhà trong hẻm được nới rộng ra thì quan hệ xã hội vì thế cũng thư thái hơn. Khoảng cách địa lý mang yếu tố tâm lý xã hội là vậy.

Mặc dù vậy, chuyện mở hẻm thành công là một lẽ, cái chuyện hậu mở hẻm cũng cần lưu tâm bởi việc duy trì thành quả trong thời gian dài, nếu không nói là mãi mãi, là điều không phải dễ dàng. Đã có những con hẻm mở ra thấy rộng rãi, bà con lại tranh thủ đặt dăm chậu cây xanh, để xe máy, xe hơi, xe hủ tiếu ngoài hẻm lại làm cho nó chật lại, thế là lại phát sinh mâu thuẫn, xích mích. 

Việc mở rộng hẻm là tốt, nhưng nếu không cẩn thận sẽ trở thành một đường giao thông mới cho xe chạy ra vào ồn ào suốt ngày suốt đêm, tai nạn thường trực làm ảnh hưởng đến dân cư thì cũng lại tiếc công mở hẻm.

Nhân dịp này có một chuyện cũng nên nhắc lại. Những ai từng sống ở thành phố này trước năm 1975 đều biết những con hẻm nguyên thủy không hẹp như bây giờ.Sau năm 1980, phong trào lấn hẻm, cơi nới trở nên rầm rộ, một nhà làm được là muôn nhà làm theo nên hẻm cứ bé lại, đường cứ hẹp dần, kênh mương biến mất. 

Nếu bây giờ người dân sống ở hàng nghìn con hẻm tự nguyện trả lại phần đất cơi nới, phục hồi nguyên trạng như khi xưa thì thành phố này chắc sẽ thông thoáng hơn nhiều.

Trong bối cảnh đất quý hơn vàng mà người dân TP.HCM chịu cắt hàng ngàn mét vuông cho cộng đồng sử dụng chung, mới thấy người dân hào sảng và tốt bụng thật. Cái lý rút ra được từ đây là một khi dân tin, họ sẵn sàng chung tay đóng góp cho công việc chung và cộng đồng.

Bà con quận 3 hiến 9.400m2 Bà con quận 3 hiến 9.400m2 'đất vàng' giá 445 tỉ mở rộng những con hẻm nhỏ xíu

TTO - Sáng 6-9, người dân thuộc 8 phường ở quận 3, TP.HCM đã cùng tham gia ngày hội "Người dân hiến đất mở rộng hẻm". Dịp này, có 10 con hẻm được khởi công mở rộng từ phần đất mà nhiều chục năm qua bà con vẫn sinh sống, sử dụng.

NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên