13/02/2020 09:18 GMT+7

Chính thức phê chuẩn EVFTA: Khởi đầu một giai đoạn mới

NHƯ BÌNH thực hiện
NHƯ BÌNH thực hiện

TTO - Hiệp định thương mại tự do VN và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) được thông qua ngày 12-2 nhiều khả năng sẽ có hiệu lực ngay từ tháng 7-2020.

Chính thức phê chuẩn EVFTA: Khởi đầu một giai đoạn mới - Ảnh 1.

Chế biến tôm xuất khẩu sang châu Âu tại một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Sóc Trăng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nicolas Audier - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN (EuroCham) - cho biết thêm:

- VN và Liên minh châu Âu (EU) là hai thị trường mang tính chất bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Điều đó có nghĩa là mỗi bên sẽ sản xuất và bán hàng hóa mà bên kia không sản xuất tại thị trường nội địa của mình. Ví dụ, hàng hóa phổ biến nhất ở châu Âu được bán tại VN bao gồm ôtô, máy bay và dược phẩm. Trong khi đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN sang EU bao gồm giày dép, hàng dệt may, da giày, cà phê và hải sản.

Dự án MUTRAP do EU tài trợ đã cho thấy rằng đó là những nhóm mặt hàng hưởng lợi lớn nhất một khi EVFTA được phê chuẩn và triển khai, thị trường và mặt hàng xuất khẩu của VN sẽ được đa dạng hóa hơn, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản.

Nhìn tổng thể, EVFTA đi vào hiệu lực sẽ thúc đẩy thương mại trên tất cả các lĩnh vực và ngành công nghiệp, với việc loại bỏ gần 99% các dòng thuế. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho VN trong các hiệp định thương mại tự do đã được ký. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của VN.

EVFTA có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho VN trong các hiệp định thương mại tự do đã được ký.

Ông Nicolas Audier

Chính thức phê chuẩn EVFTA: Khởi đầu một giai đoạn mới - Ảnh 3.

Ông Nicolas Audier - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN

* EuroCham VN kỳ vọng EVFTA sẽ giải quyết được những khó khăn nào trong quan hệ thương mại giữa hai bên?

- Lộ trình loại bỏ thuế quan cũng như các hàng rào thương mại từ khi EVFTA có hiệu lực sẽ kéo dài trong 10 năm. Sau khi được phê chuẩn và thực hiện, người tiêu dùng tại VN sẽ có cơ hội tiếp cận hàng hóa châu Âu nhiều hơn với giá cả phải chăng hơn.

EVFTA cung cấp cho các doanh nghiệp VN đặc quyền tiếp cận thị trường châu Âu quy mô 500 triệu dân, thu nhập cao. EVFTA cũng cho phép các nhà đầu tư châu Âu tiếp cận nhiều hơn với ngành dịch vụ VN như trong lĩnh vực tài chính, giáo dục... Hiện thương mại EU - VN trị giá khoảng 42 tỉ USD mỗi năm và con số này sẽ tăng mạnh khi EVFTA có hiệu lực.

* Theo ông, những ưu tiên nào doanh nghiệp VN cần tận dụng ngay khi EVFTA có hiệu lực?

- EVFTA chỉ là khởi đầu một giai đoạn mới. Khi hiệp định được phê chuẩn, ngoài các cơ quan chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp ở cả hai phía cũng cần hợp tác để đảm bảo việc triển khai suôn sẻ.

Thách thức sau khi EVFTA đã được thông qua, theo tôi, chính là đảm bảo các nguyên tắc, thuận lợi mới trong EVFTA được phổ biến rộng rãi đến các doanh nghiệp. Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức cũng như tham gia vào rất nhiều sự kiện ở VN nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn các yêu cầu của hiệp định.

Trong khu vực châu Á, VN là quốc gia sớm có hiệp định thương mại với EU. Cú hích từ EVFTA là không nhỏ, nhưng đón nhận được bao nhiêu phụ thuộc vào chính phản ứng của doanh nghiệp, Chính phủ.

Các doanh nghiệp châu Âu cũng phải am hiểu văn hóa tiêu dùng VN... Đó là điều chúng tôi sẽ phải nỗ lực hơn.

Chính thức phê chuẩn EVFTA: Khởi đầu một giai đoạn mới - Ảnh 4.

Dữ liệu: NGỌC AN - Đồ họa: TUẤN ANH

EU tính xuất khẩu của VN tăng trên 16 tỉ USD

Tại phiên họp toàn thể chiều 12-2 ở Strasbourg (Pháp), Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). Hãng tin Reuters cho rằng phía EU kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của VN sang EU sẽ tăng thêm 15 tỉ euro (16,4 tỉ USD), trong khi xuất khẩu của EU sang VN tăng thêm 8,3 tỉ euro vào năm 2035.

Ông Geert Bourgois, nghị sĩ phụ trách điều hành các thỏa thuận thương mại qua Nghị viện châu Âu, cho biết thỏa thuận với VN sẽ giúp tăng cường quan hệ kinh tế giữa EU với VN giữa bối cảnh châu Âu chịu sự cạnh tranh quyết liệt của Trung Quốc và Mỹ.

"Chúng tôi đã đàm phán 8 năm nay và đã tiến đến thỏa thuận. Nếu không, tôi chắc chắn quan hệ Trung Quốc - VN sẽ càng trở nên quan trọng hơn nữa" - AP ngày 12-2 dẫn lời ông Bourgois, người cũng đang là báo cáo viên EVFTA.

Từ lúc thực thi, VN giảm thuế nhập khẩu cho EU ít hơn (65% so với 70%). Chỉ mất 7 năm để hàng VN được giảm thuế nhập khẩu tối đa vào EU, còn hàng EU phải đợi 10 năm.

Trong khi đó, IPA buộc hai bên cam kết đối xử công bằng, tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, không quốc hữu hóa tài sản mà không bồi thường thỏa đáng...

NHẬT ĐĂNG

Hỗ trợ tăng trưởng ngay năm nay

trantuananh

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Ngay sau khi EVFTA được thông qua, tối 12-2, Bộ Công thương đã họp báo.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết Nghị viện châu Âu thông qua với tỉ lệ phiếu áp đảo, đạt tỉ lệ 63,33% là kết quả tốt đẹp.

Mở ra cơ hội

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona chủng mới xuất hiện, ông Trần Tuấn Anh cho rằng sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt, bởi châu Âu là thị trường tiềm năng lớn, sẽ góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng, bù lại phần thiếu hụt do tác động tiêu cực từ dịch do virus corona gây ra. VN có nhiều ngành hàng có thị phần tốt tại EU như cà phê, thủy sản, dệt may, da giày... nhưng tiềm năng còn lớn, do hiện chỉ có trên 40% sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan GSP. Hiệp định cũng mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp cận công nghệ nguồn, chuỗi cung ứng.

Nhưng để vượt qua rào cản kỹ thuật, bộ trưởng Bộ Công thương cảnh báo VN không chỉ cần gia tăng năng lực sản xuất mà phải tái cơ cấu hiệu quả, thực hiện giải pháp về cải cách hệ thống pháp lý, điều kiện người lao động... Khi ký kết, Chính phủ VN đã làm việc với Hội đồng châu Âu, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, những vấn đề liên quan năng lực của VN như đánh bắt cá, rừng trồng, điều kiện người lao động...

Tương tự với ngành dệt may và da giày, lĩnh vực được đánh giá là hưởng nhiều ưu đãi trong hiệp định, ông Tuấn Anh cho rằng nếu không đáp ứng yêu cầu chặt chẽ, đòi hỏi rất cao về xuất xứ và chứng nhận xuất xứ thì rất khó hưởng lợi.

Ngoài ra, có tới 48% dòng thuế nhập khẩu EU vào VN sẽ được cắt giảm khi hiệp định có hiệu lực, cũng sẽ tạo áp lực cho nhiều ngành sản phẩm của VN như công nghiệp chế biến chế tạo, máy móc thiết bị, thép, hóa chất, chế biến thực phẩm, ôtô...

Sớm triển khai chương trình hành động

Các bước triển khai tiếp theo, bộ trưởng cho biết Bộ Công thương sẽ báo cáo với Chính phủ hoàn thiện bộ hồ sơ trình lên Chủ tịch nước trước khi trình lên Quốc hội để phê duyệt vào tháng 5 tới. Dự kiến khi được phê duyệt, hiệp định sẽ có hiệu lực vào tháng 7-2020.

Do đó, để tận dụng được cơ hội từ hiệp định, bộ cũng rà soát và hoàn thiện kế hoạch hành động, khi hiệp định được phê chuẩn thì chương trình hành động được ký ban hành; phối hợp với các đơn vị sửa đổi quy định cho tương thích.

"Việc tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu là yêu cầu đặt ra. Như ngành nông nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về rào cản kỹ thuật... Đấu tranh chống gian lận xuất xứ, chuyển tải, đầu tư bất hợp pháp là yêu cầu đặt ra" - ông Tuấn Anh nói.

Hội thảo Hội thảo 'Hiệp định EVFTA -Thế và Lực để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững'

Mới đây, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Đào tạo, tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) tổ chức Hội thảo: ' Hiệp định EVFTA - Thế và lực để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững'.

NHƯ BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên