“Ứng dụng tế bào gốc (TBG) trong điều trị thoái hóa khớp gối - là công trình nghiên cứu phối hợp từ năm 2013-2016 giữa các đơn vị điều trị Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM), Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (TP.HCM) và Phòng thí nghiệm tế bào gốc ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.
Đây là phương pháp áp dụng TBG trung mô từ mô mỡ tự thân (lấy mô mỡ của chính người bệnh để tách chiết lấy TBG) tiêm vào khớp gối nhằm điều trị thoái hóa khớp.
Có 30 người bệnh thoái hóa khớp gối được điều trị, theo dõi đánh giá hiệu quả qua từng giai đoạn 6, 12 tháng, đang tiếp tục đến 18 tháng. Kết quả sau 12 tháng cho thấy người bệnh không bị đau khớp trở lại như phương pháp điều trị nội soi truyền thống, chức năng khớp được cải thiện, các lớp sụn dày hơn và tình trạng phù xương dưới sụn giảm. Tất cả các tổn thương xương dưới sụn đều phục hồi.
Nghiên cứu cũng cho thấy một số hạn chế: do là TBG tự thân của người bệnh nên không kiểm soát được số lượng, chất lượng TBG (người bệnh ốm quá khó có mỡ), nếu trường hợp thay đổi trục khớp nhiều sẽ giảm hiệu quả. Ở người bệnh lớn tuổi (trên 70 tuổi) chất lượng TBG cũng rất hạn chế...
Nghiên cứu “Ứng dụng TBG trong điều trị thoái hóa khớp gối” của các tác giả VN đã được chấp nhận công bố trên tạp chí quốc tế Stem Cells Translational Medicine ngày 28-7-2016, với quy trình bài bản, thực hiện nghiêm túc, có đối chiếu so sánh giữa phương pháp điều trị truyền thống là nội soi khớp gối và phương pháp TBG.
Người bệnh được chụp MRI để so sánh sự thay đổi của lớp sụn khớp và xương dưới sụn vào các thời điểm 6, 12, 18 tháng.
Đề tài đã được hội đồng khoa học Bộ Y tế nghiệm thu và qua thẩm định kết quả triển khai thí điểm, mới đây Bộ Y tế đã cho phép Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh được áp dụng chính thức kỹ thuật điều trị thoái hóa khớp bằng TBG mô mỡ tự thân và huyết tương giàu tiểu cầu.
Được biết hiện nay tại các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan... cũng đã áp dụng kỹ thuật này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận