08/02/2025 11:37 GMT+7

Chính tả và rèn chữ, rèn người

Ngày càng đông những "người dùng" tiếng Việt theo kiểu viết tắt tối đa, bỏ qua viết hoa, bỏ qua dấu câu, bỏ qua trật tự ngữ pháp, dùng văn nói cho mọi ngữ cảnh, viết mà không cần đọc lại.

Chính tả & rèn chữ, rèn người - Ảnh 1.

Việc rèn chữ, rèn bút, rèn lời không chỉ là câu chuyện ngôn từ của từng cá nhân mà là vấn đề văn hóa và phát triển của đất nước - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Chuyện bắt đầu khi diễn viên Quốc Thuận viết lên Facebook một dòng sau khi coi một bộ phim Tết là "nhạt nhẽo, đơn điệu, vô tri mà không hiểu sao nó win", và sau đó nữ diễn viên Lê Giang có lời đáp trả (nguyên văn): "C Lê Giang chào e Quốc Thuận nè và vợ nhe, e ơi đi coi phim khi mình nhận sét phim hay, hoặc coi được chứ nó đâu có tệ như vợ chồng e nói, đồng ý nó kg sâu sắc bằng phim Mai hay nhà Bà Nữ, nhưng nó cũng được mà e, nó đâu có nhạc nhẽo hay vô tri như tụi e nghỉ…".

Điều đáng chú ý là lời đáp trả của Lê Giang gồm một câu văn với 12 cái dấu phẩy (không có một dấu chấm nào), có 129 chữ - tính luôn những chữ viết tắt (c = chị, e = em, kg = không) cùng với một cái hình.

Điều khiến thiên hạ thấy rõ mồn một chính là "khả năng" viết sai chính tả "phủ sóng" của người viết: nhận sét (nhận xét), nhạc nhẽo (nhạt nhẽo), nghỉ (nghĩ, 2 lần), thẵng tính (thẳng tính).

Đó là chưa kể cái "công phu" đánh dấu thanh điệu nhiều lần nhầm chỗ: đựơc (được), ứơc (ước), phứơc (phước)…

Sục sôi, bức xúc, cộng đồng mạng đồng thanh lên tiếng. Xin bỏ qua những lời lẽ mang phong cách "giang hồ ném đá", bình tĩnh hơn là lớp "từ vựng" có thể chép được ra đây: Không chỉ sai 1 lỗi mà rất nhiều/ Sai những lỗi chính tả cơ bản thì cãi gì nữa không biết/ Khó chịu vô cùng/ Bộ gõ bờ Tây nước Mỹ à, khó chịu thực sự/ Bà này nên học lại môn tiếng Việt/ Hành văn như đấm vào mắt người đọc…

Lập tức, status trên được… phổ nhạc và "chế biến" thành một MV mang tên Chị nhận sét em dựa trên nền nhạc của bộ phim.

Lập tức, status trên được đề nghị làm đề thi học sinh giỏi lớp 3: Có bao nhiêu lỗi chính tả trong câu văn trên? Và người ta thi nhau viết nhại những sem phim (xem phim), suất xắc (xuất sắc), âm nhạt (âm nhạc), chọn vẹn (trọn vẹn), một lằn (một lần)…

Đọc mà cảm thấy đau lòng và xót xa cho tiếng Việt.

Thật ra những chuyện như vậy đâu chỉ ở riêng ta. Năm 2014, ca sĩ Justin Bieber (Canada) từng bị chế giễu và chỉ trích nặng nề vì đăng tải một bức ảnh lên Instagram với dòng chữ gõ sai "Happy Easer" thay vì "Happy Easter" (Chúc mừng Lễ Phục sinh). "Công chúa nhạc pop" Mỹ Britney Spears cũng không ít lần bị "bắt lỗi" gõ sai chính tả trên mạng xã hội.

Chẳng hạn cô từng viết sai từ "definitely" (một cách chắc chắn) mà thành "definately" trong một dòng trên Twitter.

Mặc dù sau đó cô đã sửa lại nhưng vẫn bị nhiều người hâm mộ và cư dân mạng bình luận tiêu cực. Nhưng đó chỉ là những lỗi gõ sai đôi ba từ, còn cả một status với đầy lỗi chính tả từ đầu đến cuối như trên thì… thiệt là hoảng!

Nhìn rộng hơn, chúng ta nhận ra thời đại "giao tiếp bàn phím" hôm nay đã góp mặt vào thực tế ngôn từ của xã hội như thế nào.

Chưa bao giờ người ta "buông bút" như lúc này. Thậm chí có nhiều bạn trẻ đã đánh mất… kỹ năng ký tên. Hầu hết giao tiếp thường nhật đều dựa vào mười ngón tay trên bàn phím điện thoại, bàn phím máy tính, mà phải thao tác thật nhanh thật nhanh.

Kết quả là tạo ra một lớp ngày càng đông những "người dùng" tiếng Việt theo kiểu viết tắt tối đa, bỏ qua viết hoa, bỏ qua dấu câu, bỏ qua trật tự ngữ pháp, dùng văn nói cho mọi ngữ cảnh, viết mà không cần đọc lại, quen dùng ứng dụng chuyển lời thành chữ, quen dùng biểu tượng (icon) thay cho từ ngữ, chêm xen tiếng Anh tùy thích…

Tất cả làm cho tiếng nước ta thường khi phải chịu cảnh "nhận sét" từ tương tác cá nhân đến giao tiếp trên mạng xã hội, từ báo chí trực tuyến đến truyền thông trên các nền tảng nghe nhìn…

Dài lâu, hơn cả chuyện chính tả, là một thế hệ công chúng dần quen với một thứ tiếng Việt dễ dãi, tùy tiện, thậm chí méo mó, dị dạng, bất chấp chuẩn mực, đánh mất bản sắc.

Việc rèn chữ, rèn bút, rèn lời không chỉ là câu chuyện ngôn từ của từng cá nhân mà là vấn đề văn hóa và phát triển của đất nước.

Ông bà ta nói chữ là người, rèn chữ là rèn người, cho dù "thời đại bàn phím" thì bàn phím cũng có nguyên tắc của nó. Việc rèn chữ rèn người là việc của muôn đời chứ không chỉ của thời đại nào đâu.

Chính tả & rèn chữ, rèn người - Ảnh 1.Lê Giang bức xúc vì phim Trấn Thành bị chê tệ, không nên đi xem

Trước những ý kiến chê bai phim Tết 'Bộ tứ báo thủ' của Trấn Thành, Lê Giang không ngại nói rõ quan điểm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên