Đã có ý kiến về việc cần sắp xếp lại tên đường một lần cho ổn định và khoa học, phục vụ công tác số hóa nhưng dư luận cũng băn khoăn việc này có cần không? Nếu thật sự cần thay đổi thì làm sao để không gây xáo trộn lớn cho cuộc sống người dân, gây khó cho cơ quan quản lý hành chính?
Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến từ các chuyên gia văn hóa, lịch sử, đô thị...
* PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ (trưởng khoa văn hóa học, ĐH KHXH&NV TP.HCM):
Tên đường đi vào căn cước, hộ chiếu...
Sài Gòn - TP.HCM là một đô thị lớn có lịch sử hơn 300 năm và được hình thành từ nhiều tiểu đô thị trong lịch sử (Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định).
Người Việt Nam thường lựa chọn tên gọi các nhân vật hay sự kiện lịch sử - văn hóa hoặc người có công với đất nước, với nhân dân đặt tên đường.
Thông qua đó thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và lòng biết ơn của các thế hệ đối với tiền nhân. Tuy nhiên vì một số lý do khác nhau nên có nhiều con đường ở hai hay nhiều hơn số khu vực trùng tên gọi.
Tên đường, tất nhiên đi vào các loại văn bản, giấy tờ pháp quy như căn cước công dân, giấy tờ nhà đất, hộ chiếu... để xác định đúng xuất thân, nơi ở của công dân nên việc thay đổi tên đường chắc chắn sẽ kéo theo một loạt vấn đề phát sinh, ở cả hai khía cạnh hành chính và tình cảm.
Với các tên đường sai tên nhân vật hay sự kiện lịch sử đương nhiên phải được chỉnh sửa hợp lý nhưng phải thông qua hội đồng khoa học thảo luận, đánh giá và kết luận.
Với các tên đường trùng lặp ở các quận khác nhau thì theo tôi không phải là vấn đề lớn bởi những tên đường này đã hiện hữu trong tâm thức cư dân ở các khu vực ấy nhiều đời nay và đã ổn định trong hồ sơ, giấy tờ hành chính.
Tôi được biết ở nhiều nước, các quận hay TP khác nhau nằm liền kề nhau có tên đường phố trùng lắp là chuyện rất đỗi bình thường bởi địa chỉ thì luôn gắn liền cụ thể số nhà, tên quận/TP và mã số bưu điện khu vực bên cạnh tên đường.
Thế nên điều cần chú ý là từ nay về sau, khi đặt tên đường phố mới cần rà soát để tránh trùng lặp thêm nữa.
Một số trường hợp đặc thù vì các lý do thực sự cấp thiết thì có thể xem xét đặt lại tên mới, chẳng hạn vừa rồi TP.HCM xem xét đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt trên một đoạn đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh rất hợp lòng dân.
Các con đường không có ý nghĩa lịch sử văn hóa nhưng nếu có ý nghĩa thúc đẩy văn minh, tiến bộ xã hội (định hướng tương lai, như đường Dân Chủ, Hữu Nghị... ở TP Thủ Đức - PV) vẫn nên duy trì.
Có như vậy ta mới đạt tiêu chí đa dạng hóa ý nghĩa tên đường phố và phù hợp với tính năng động của TP mang tên Bác.
Các tên đường còn lại nếu không có ý nghĩa gì cả chúng ta cũng cần rà soát nguồn gốc của chúng, biết đâu đó là ký ức tập thể của dân cư khu vực ấy.
Nếu đã rà soát kỹ, đồng thời tính toán khả năng xáo trộn công tác quản lý hành chính và thấy không bị ảnh hưởng có thể tính tới việc đặt lại tên đường.
* TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP.HCM):
Tránh trường hợp lợi ít, hại nhiều
Việc đổi tên đường sẽ tạo ra áp lực hành chính rất lớn và phức tạp, do đó nếu những cái tên không quá sai chuẩn thì nên cân nhắc.
Trước đây người ta đặt tên đường phố không phải theo nghiên cứu bài bản mà theo những người gắn với địa phương, có đóng góp cho địa phương.
Khi tên đường phố đã lâu tới mức thành thói quen, giờ nếu bắt người dân hình thành thói quen mới sẽ gây xáo trộn ý thức con người.
Việc đặt lại tên đường không nên chủ quan nghĩ rằng dù phức tạp nhưng sẽ làm được mà cần xem xét, cân đong đo đếm xem lợi hại ra sao.
Phải tránh trường hợp lợi thì ít, hại thì nhiều và khi thực hiện cần phải xem xét kỹ và có phương án cụ thể.
Tôi thấy rằng với việc đường trùng nhau có thể khắc phục bằng cách gắn với quận phía sau là được, cũng không gây nhầm lẫn gì nhiều, đỡ hơn hẳn việc đổi sang tên còn phải xem tên đó có tương xứng không, đường to hay nhỏ...
Tóm lại, cần cân nhắc ảnh hưởng ra sao đến dân sinh, kinh tế - xã hội, thay đổi để làm gì, cấp bách chưa. Ngoài ra, nên lấy ý kiến chuyên gia đa ngành, bởi ý kiến của nhiều người ngành ngoài nhìn vào sẽ thấy mặt lợi, mặt hại cụ thể.
Khi có phương án cụ thể rồi cũng cần thăm dò dư luận, điều tra xã hội học, dựa vào đa số ý kiến người dân rồi hãy làm. Phải lấy người dân làm chủ thể vì nói một cách cơ bản, đường phố là của người dân.
* Ông Cao Thanh Bình (trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND TP.HCM):
Đừng để đè nặng áp lực hành chính
Việc đặt, đổi tên đường là một trong những vấn đề mà TP.HCM rất quan tâm. Qua phản ảnh của cử tri trong các chuyến khảo sát thực tế, chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng tên một số đường ở TP.HCM được đặt không đúng.
Bên cạnh đó là việc trong các khu dân cư mới thường đặt tên đường bằng số hoặc ký tự các chữ cái không có ý nghĩa.
HĐND TP đã kịp thời nhắc nhở các đơn vị tiến hành rà soát, chỉnh sửa. Bên cạnh đó là việc bổ sung các tên đường mới và quỹ tên đường bằng tên của các danh nhân, mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, các nhân vật lịch sử...
Hiện nay, TP.HCM có khối lượng công việc rất lớn nên khi triển khai đổi đồng loạt tên đường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác hành chính, hồ sơ các giấy tờ pháp lý. Do đó, phải thận trọng từng bước, thực hiện theo từng chu kỳ và giai đoạn.
Để quyết định đặt tên cho một con đường, Hội đồng đặt, đổi tên đường sẽ xem xét, nghiên cứu và lựa chọn từ quỹ tên đường.
Ví dụ như địa danh Ba Son thay cho cầu Thủ Thiêm 2 vừa rồi cũng được lấy từ quỹ tên đường sau khi đã thống nhất lấy ý kiến từ các đơn vị chuyên môn và ý kiến người dân.
Đối với một số đơn vị khi đặt, đổi tên đường, nhất là đối với những tuyến đường lớn hay công trình lớn như cầu Thủ Thiêm 2 vừa qua, phải thông qua ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sau khi được bộ đồng ý, UBND TP.HCM sẽ làm tờ trình gửi HĐND về việc chọn tên để đặt cho công trình.
* TS Nguyễn Thị Hậu (tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM):
Cần tiến tới đồng bộ bằng số hóa
Với tên đường trùng lặp do lịch sử để lại, theo tôi có thể cân nhắc, còn các tên đường gắn với các nhân vật, địa danh lịch sử mà sai thì phải đổi cho đúng.
Đặc biệt, phải hạn chế đặt trùng tên, hoặc hạn chế đặt tên hai đường một bằng tên, một bằng biệt hiệu như Nguyễn Huệ - Quang Trung, Đề Thám - Hoàng Hoa Thám để sau này không còn xảy ra việc sai sót, trùng lặp.
Ngoài ra, có một quy tắc xã hội là "sai mãi thành đúng" rồi sử dụng luôn như Sương Nguyệt Ánh - Sương Nguyệt Anh, Tông Đản - Tôn Đản...
Do đó, trước khi đặt tên đường cần tìm hiểu kỹ. Nếu đã lỡ sai, tôi nghĩ có thể sửa bảng tên đường, tên trên bản đồ lại cho đúng để tiến tới sự đồng bộ. Còn trên giấy tờ người dân cần xem xét kỹ và cần tính toán các hệ lụy kéo theo trước khi đổi.
Hiện nay TP.HCM đang tiến tới chính quyền số, có thể xem xét áp dụng vào việc thay đổi để thuận tiện hơn và không ảnh hưởng tới người dân.
Còn về góc độ lịch sử, tên đường là di sản văn hóa đô thị, nhiều TP mấy trăm năm không đổi và nó có giá trị lâu dài do đó cần sự ổn định.
Người dân muốn ổn định, nếu thay đổi chỉ làm một lần thật đúng
Về việc sai tên danh nhân lịch sử thì mới gần đây vẫn sai. Ví dụ, một con đường dài hơn 2km tại phường Cát Lái (quận 2, TP Thủ Đức) được chính thức đặt tên từ khi xã Thạnh Mỹ Lợi (quận Thủ Đức) sáp nhập lên TP Thủ Đức.
Tuy nhiên, thay vì đặt tên Nguyễn Đình Quản, một sĩ phu yêu nước trong phong trào Duy Tân, địa phương đã đặt sai thành Lê Đình Quản.
Tương tự, đường Trương Đình Hợi trên địa bàn quận 4 cũng được đặt sai theo tên một chí sĩ yêu nước trong phong trào Cần Vương là Trương Đình Hội. Điều đáng nói, tên Trương Đình Hội đã được đặt cho một tuyến đường ở quận 8.
Sống tại đường Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức) hơn 20 năm qua, ông Trần Văn Bôn cũng nhiều lần nghe về việc tên đường sai với tên nhân vật lịch sử (tên đúng là Kha Vạng Cân - PV).
Theo ông, việc đổi tên là cần thiết nhưng phải có lộ trình và sự thống nhất rõ ràng với các đề án sắp xếp đơn vị hành chính của TP.
"Ví dụ sẵn gộp phường, tách phường, tách quận ở TP Thủ Đức hay sắp tới là đề án sắp xếp lại khu phố, ấp thì mình triển khai đổi tên đường luôn một lần cho tiện. Chứ để hôm nay đi làm giấy tờ đổi từ quận sang TP hôm sau phải đi làm lại để đổi tên đường", ông Bôn nêu trăn trở.
Còn bà Lê Bích Liên (ngụ tại đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp) cho rằng không cần phải đổi tên đường trùng nhau, chỉ cần ghi rõ tên quận hay TP (Thủ Đức) là được.
Bà dẫn chứng nhà bà ở Phan Văn Trị, quận Gò Vấp với nhà người chị ruột ở Phan Văn Trị, quận 5 trước nay cũng không có gì nhầm lẫn. Chỉ nên sửa tên sai tên của nhân vật hay vô nghĩa, vì đây là yếu tố lịch sử và văn hóa.
"Sẽ vất vả, phiền phức một lần nhưng chuẩn chỉnh về sau. Chúng tôi không sợ thay đổi nhưng cũng đừng ào ào thay đổi không cần thiết, gây phiền hà và xáo trộn cuộc sống người dân", bà Liên nói.
Dưới góc độ quản lý địa phương, ông Đỗ Anh Khang - phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp - cũng cho rằng tên đường dù trùng nhưng đã gắn với tên quận phía sau cũng không xảy ra nhầm lẫn quá nhiều. Tuy nhiên về lâu dài TP cần một sự đồng bộ chung.
"Ở góc độ địa phương chúng tôi sẽ chờ sự chỉ đạo của TP, nếu triển khai thì chúng tôi sẽ làm và sẽ có phương án làm sao hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến người dân", ông Khang cho hay.
Khi nào đường đủ điều kiện đặt tên?
Theo nghị định 91, đối với TP, thị xã, khu đô thị, đường hiện trạng phải có kết cấu bằng bê tông, xi măng hoặc bê tông nhựa, phù hợp với quy hoạch; có chiều dài 400m trở lên, chiều rộng tối thiểu 6m trở lên. Các tuyến đường có quy mô nhỏ, ngắn, chiều dài dưới 400m, chiều rộng dưới 6m đặt ngõ.
Đối với thị trấn, đường hiện trạng có kết cấu bằng bê tông, xi măng hoặc bê tông nhựa, rải đá cấp phối phù hợp với quy hoạch; có chiều dài 350m, rộng 5m trở lên. Các tuyến đường có quy mô nhỏ, ngắn, chiều dài dưới 350m, chiều rộng dưới 5m đặt ngõ.
Đối với các tuyến đường quá dài, căn cứ vào điều kiện cụ thể có thể phân ra từng đoạn để đặt tên cho phù hợp. Trong trường hợp đặc biệt, các tuyến đường không đủ kích thước theo tiêu chí nhưng là khu vực có nhiều cơ quan, trụ sở hành chính hoặc nơi buôn bán sầm uất, đông dân cư, có hạ tầng đường giao thông đảm bảo thì có thể xem xét.
Việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng phải gắn với quy hoạch phát triển đô thị, mang tính khoa học, lịch sử, văn hóa, ổn định lâu dài; có sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa quốc gia và địa phương.
Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM:
Thận trọng khi xây dựng lộ trình
Từ khi Chính phủ ban hành nghị định 91 về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường và công trình, phố và công cộng, công tác rà soát, điều chỉnh, đặt tên đường ở TP.HCM được triển khai nghiêm túc đúng quy định.
Năm 2016, sở phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển TP.HCM thực hiện đề án "Công tác đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM - khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020".
Qua đó xác định có 38 tên đường không chính xác. Sở cũng đã tiến hành lấy ý kiến của Hội Khoa học lịch sử về 38 tên đường nêu trên và đề xuất phân loại thành ba nhóm.
Nhóm 1 gồm năm tên đường sai so với quyết định đặt tên đường của UBND TP. Nhóm 2 với 17 tên đường sai do quyết định của UBND TP hoặc quyết định của UBND quận, huyện hay lịch sử để lại. Nhóm 3 có 16 tên đường là tên các nhân vật lịch sử gọi theo phương ngữ hoặc lệ kỵ húy.
Trong giai đoạn tiếp theo, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể để tham mưu UBND chỉ đạo điều chỉnh đối với nhóm 1 và nhóm 2.
Chúng tôi hết sức cân nhắc và thận trọng khi đổi tên đường vì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận