Phóng to |
Cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm luyện thi đại học tối 24-1 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Q.4, TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Ông NGUYỄN HUY QUANG - vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cho biết:
- Có 2 trường hợp có thể xác định lại giới tính, gồm người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác. Trong đó khuyết tật bẩm sinh về giới tính như có tinh hoàn ẩn trên bộ phận sinh dục tạm gọi là nữ, hoặc là đàn ông nhưng bộ phận sinh dục lại giống phụ nữ. Các trường hợp giới tính chưa được định hình chính xác, ví dụ là đàn ông nhưng tính cách ngược lại, thích những gì phụ nữ thường thích và thường làm, lúc đó cũng cần khám xác định lại giới tính.
Theo Bộ Y tế, thống kê trên thế giới cứ 2.000 đứa trẻ được sinh ra, một trẻ có bộ phận sinh dục không phù hợp với bộ nhiễm sắc thể. |
* Những căn cứ nào được coi là quan trọng cho một ca cần xác định lại giới tính, thưa ông?
- Nghị định 88 quy định chuyển đổi giới tính với người đã hoàn thiện về giới tính là điều bị nghiêm cấm. Nam có tính cách nữ nhưng phải được thăm khám chuyên khoa để xác định, nếu không thì không cho phép và coi là lệch chuẩn về đạo đức xã hội. Những trường hợp này phải qua một cơ sở y tế chuyên khoa để xác định, theo quy trình chuyên môn, căn cứ vào các định nghĩa khuyết tật giới tính như thế nào là nam lưỡng giới giả nữ hoặc nữ lưỡng giới giả nam. Họ phải trải qua các bước khám lâm sàng, nhìn ngoại hình, trắc nghiệm tâm lý giới tính, chụp chiếu, siêu âm, đặc biệt xét nghiệm nội tiết tố và nhiễm sắc thể giới tính là hai căn cứ quan trọng để xác định một người là đàn ông hay đàn bà. Sau khi có đủ các kết luận tại cơ sở y tế được Bộ Y tế thẩm định và cho phép bằng văn bản, như Bệnh viện Nhi T.Ư và Nhi Đồng 2 TP.HCM, họ mới có thể đến cơ quan chuyên môn điều trị, ví dụ như phẫu thuật chuyển đổi nếu có nhu cầu, hay điều trị về hormone, điều trị tâm sinh lý, xã hội để hòa nhập xã hội - nguyên tắc là càng sớm càng tốt.
* Vậy, những người cần xác định lại giới tính cần điều kiện nào để xác định lại lý lịch tư pháp, tránh trường hợp đã chuyển đổi giới tính, hình thức là “bà” nhưng giấy tờ là “ông” hoặc ngược lại?
- Trước năm 2013 ở VN chưa có cơ sở khám chữa bệnh nào đề nghị hoặc đăng ký phạm vi hành nghề là khám, điều trị chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế đã cho phép Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, đầu tháng 6 thêm Bệnh viện Nhi T.Ư là hai cơ sở y tế đủ điều kiện can thiệp y tế xác định lại giới tính. Ngoài ra, theo tôi, một số cơ sở như phía Bắc là Bệnh viện Việt - Đức, miền Trung là Bệnh viện T.Ư Huế, miền Nam là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đủ điều kiện chuyên môn để đăng ký thực hiện dịch vụ này. Với những người đã thực hiện chuyển đổi giới tính tại nước ngoài, khi đi làm thủ tục xác định lại lý lịch tư pháp phải có giấy xác nhận của cơ sở y tế là đã xác định lại giới tính, sau đó đến cơ sở khám chữa bệnh được Bộ Y tế cho phép ở VN để khám, xác định lại. Khi có đầy đủ hồ sơ chuyên môn thì việc sửa đổi lý lịch tư pháp sẽ thực hiện theo các quy định hiện hành.
* Tuy người đồng tính, chuyển đổi giới tính... được dư luận xã hội khá cảm thông, nhưng họ lại gặp nhiều rắc rối trong xác định lại lý lịch tư pháp dẫn đến việc gặp khó khăn trong đời sống. Theo ông, có nên đẩy nhanh tiến độ công nhận cho người chuyển đổi từ nữ sang nam, từ nam sang nữ?
- Từ sau rắc rối với trường hợp chị Phạm Lê Quỳnh Trâm đầu năm 2013, tôi chưa có thông tin thêm về những trường hợp gặp rắc rối vì chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên tôi cho rằng khi chưa được chuyển đổi từ nam thành nữ hoặc ngược lại trên hộ tịch, những người này vẫn đủ các quyền về dân sự, văn hóa, xã hội, công dân. Nhưng cái khó khăn nhất là họ chưa được sống thật với giới tính của mình, đó là một sự đau khổ vì chưa được xã hội, pháp luật thừa nhận, họ cũng bị thiệt thòi, không thể hưởng thụ và phát triển toàn diện về tinh thần và thể chất. Vì vậy cũng rất nên đẩy nhanh tiến độ xác nhận lại lý lịch tư pháp cho họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận