Chia sẻ tại hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" do báo Thanh Niên tổ chức ngày 10-3, TS Lương Hoài Nam khẳng định chính sách visa không phải là nguyên nhân chính của sự suy giảm du lịch thời gian qua.
Nhưng cần xem đó là nút thắt để tháo gỡ khó khăn, giúp cho các doanh nghiệp du lịch đứng được và phát triển trong bối cảnh tình hình chung hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
"Cần coi chính sách visa là công cụ cạnh tranh thu hút du khách quốc tế, cạnh tranh điểm đến để có cái nhìn đúng đắn vì những tắc nghẽn của thị trường du lịch hiện nay", TS Lương Hoài Nam nói.
Theo các doanh nghiệp, sau dịch COVID-19 đến nay, lượng khách sụt giảm rõ rệt. Nếu như năm 2019, tỉ lệ lấp đầy phòng của nhiều khu nghỉ dưỡng đạt trên 80% thì nay chỉ còn 30 - 40%, đặc biệt là doanh thu sụt giảm ở hệ thống chi tiêu.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), cũng nhiều lần tiếc rẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng lượng khách, nhưng chi tiêu của khách luôn ít hơn so với các nước.
Nguyên nhân chính của việc khách "cầm tiền đến rồi mang về" là do hai dòng sản phẩm du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm - giải trí của Việt Nam còn rất hạn chế.
Dù có nhiều nét tương đồng nhưng Thái Lan lại khiến du khách "móc hầu bao" tốt hơn, ước tính, du lịch mua sắm góp phần tăng doanh thu từ chi tiêu quốc tế ở Thái có tỉ lệ tăng trưởng kép 28,2%/năm, còn du lịch sức khỏe đóng góp tới 4,7 tỉ USD trong năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cũng nhìn nhận hiện nay đang có sự mất cân bằng về lượng khách du lịch, khách du lịch nội địa đang cao hơn khách quốc tế.
Thiếu vắng khách quốc tế nên nhiều cơ sở dịch vụ du lịch tại TP.HCM gần như chưa mở cửa hoàn toàn vì thiếu khách, hoặc mở cũng hoạt động dưới công suất.
Có tình trạng rao bán cơ sở, dịch vụ trên địa bàn TP, vì vậy, ngành du lịch TP cũng đang tăng cường thêm các giải pháp về chính sách, sản phẩm, các chương trình quảng bá để hút khách.
Theo các chuyên gia, khi khách quốc tế hạn chế đi lại hơn do tâm lý sau dịch thì Việt Nam cần có những chính sách visa để kéo dài thời gian lưu trú của khách, tăng chi tiêu mua sắm, nghiên cứu nâng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30-45 ngày.
Cần nhất là có chính sách visa dành cho "khách nhà giàu" vào Việt Nam, nghiên cứu chấp nhận các hình thức visa Quan Hồng như ở Đài Loan (cấp visa điện tử cho khách đoàn) hoặc visa đoàn như Nhật Bản, thí điểm miễn visa tới 6 tháng cho một số thị trường trọng điểm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận