Chính sách tiêm vaccine ở Trung Quốc: “Củ cà rốt” đã chuyển thành “cây gậy”

CẢNH CHÁNH 19/08/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Sau khi chính sách tặng quà khuyến khích tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng vẫn không hiệu quả, nhiều tỉnh thành Trung Quốc áp dụng biện pháp mạnh bắt buộc người dân đi tiêm vaccine, sự việc gây xôn xao dư luận nước này.


 Người dân chích ngừa tại Quảng Châu (Trung Quốc) vào ngày 21-6-2021. Ảnh: Reuters

Nhân dân Nhật báo trích dẫn số liệu giữa tháng 7 của Bộ Công nghiệp và thông tin Trung Quốc cho biết sản lượng vaccine nước này đạt 5 tỉ liều/năm, hiện nay cung ứng nhu cầu trong nước 1,4 tỉ liều, xuất khẩu các nước hơn 500 triệu liều. Ủy ban Y tế nước này công bố, tính đến 23-7, Trung Quốc đã tiêm chủng 1,5 tỉ liều trên toàn quốc.

Vaccine ở nước này cũng được phân bổ theo dạng ưu tiên 3 đối tượng là nhóm nguy cơ rất cao, nhóm nguy cơ cao và nhóm dân thường. Theo Ủy ban Y tế, hiện Trung Quốc đang lưu hành 4 loại vaccine, người dân không được quyền lựa chọn vaccine mà chỉ được chọn địa điểm tiêm, loại vaccine được phân bổ ở địa phương cũng khác nhau.

Nhiều chính sách mạnh

Có 10 địa phương ở các huyện thuộc các tỉnh Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến, Tứ Xuyến, Hồ Nam thông báo những ai chưa tiêm vaccine (trừ những người thuộc diện hoãn tiêm) sẽ không được vào siêu thị, bệnh viện, trường học, tàu điện ngầm, rạp chiếu phim...

Một nhân viên Bộ chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 của huyện An Viễn (TP Cám Châu, tỉnh Giang Tây) cho rằng họ đang làm theo yêu cầu tăng tỉ lệ tiêm chủng trên toàn quốc. “Các địa phương đều đang hướng đến mục tiêu trên, nếu không có biện pháp mạnh sẽ khó hoàn thành mục tiêu” - vị này lý giải với phóng viên Đài CCTV.

Huyện Ninh Hải (TP Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang), sau khi ban hành văn bản cấm đi đến nơi công cộng, đã kịp điều chỉnh bằng cách yêu cầu người dân đến địa điểm công cộng phải xuất trình mã sức khỏe và logo vàng sau khi tiêm vaccine; những người chưa tiêm sẽ được động viên nhanh chóng đi tiêm nhưng không bị cấm đi đến các địa điểm công cộng.

Mới đây nhất, ngày 6-8 thành phố Quế Lâm (Quảng Tây) thông báo, từ ngày 15-8, người chưa tiêm vaccine sẽ không được đi đến những nơi có nguy cơ cao như điều trị nội trú ở bệnh viện, vào viện dưỡng lão hoặc nhà giam. Khi vào các cơ quan hành chánh nhà nước, khu du lịch, trường học, sân bay, nhà ga, bệnh viện, khách sạn, quán bar, hồ bơi, phòng tập thể dục, spa, rạp chiếu phim, sân khấu... đều phải xuất trình mã sức khỏe và logo đã tiêm chủng.

Từ sau ngày 30-8, khi ra vào đơn vị hành chánh sự nghiệp, siêu thị, chợ nông sản, ngân hàng, cơ sở văn hóa, nhà hàng cũng sẽ bị kiểm tra. Trong cả 2 khung thời gian, người chưa tiêm vaccine phải được đăng ký thông tin và chuyển về cơ quan tiêm chủng địa phương, khuyến khích đi tiêm ngay.

Tại huyện Đường Hà (tỉnh Hà Nam), cán bộ công chức cơ quan nhà nước, đơn vị hành chánh sự nghiệp (bao gồm cả cán bộ về hưu, nhân viên hợp đồng) nếu đủ điều kiện mà không tiêm vaccine, không xuất trình được chứng nhận hoãn tiêm vaccine sẽ không được trả lương và không được đi làm, theo trang thepaper.cn

Còn ở đặc khu Thâm Quyến, nhân viên ngành vận tải hành khách, tài xế taxi, nhất là khâu chuyển tiếp người nhập cảnh, bị bắt buộc tiêm vaccin, nếu không sẽ cho ở nhà.

Chính quyền Trung Quốc không có thông tin về giá vaccine, nhưng theo tờ SCMP của Hong Kong hồi đầu năm 2021, giá vaccine Trung Quốc là 300 tệ/liều, 2 liều 600 tệ (khoảng 88 USD). Hồi đầu năm, lưu học sinh Trung Quốc tiêm chủng vaccine dịch vụ để đi du học với chi phí 456 tệ (1.596.000 đồng), theo Đài truyền hình Sky của Anh.

Ngoài việc bố trí cho người dân khu vực Hong Kong, Ma Cau đang học tập sinh sống tại đại lục tiêm chủng miễn phí, từ tháng 3 năm nay, các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh cũng bắt đầu tiêm chủng cho người nước ngoài. Các trường hợp có mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì được miễn phí, còn không thì tiêm dịch vụ 100 tệ/liều. Đến tháng 4, có nhiều thành phố khác như Quảng Châu cũng tiêm cho đối tượng người nước ngoài.

Chính sách gây tranh cãi

Những chính sách tiêm phòng hay đưa ra các biện pháp làm khó đối với người không muốn tiêm là chủ đề gây tranh cãi. Có người đồng tình vì chương trình tiêm chủng đã triển khai hơn 6 tháng, những người muốn tiêm hầu như đã hoàn thành rồi. Nếu không có biện pháp mạnh, chỉ trông chờ tuyên truyền vận động thì khó phát huy tác dụng. Có người đề nghị xử lý những người không phục tùng chiến lược quốc gia.

Người không tiêm thì lý giải họ đều có lý do chính đáng rằng “phải kiểm điểm xem tại sao chỉ có bao nhiêu đó người tự nguyện đi tiêm” hoặc “tính mạng của bạn quan trọng, an toàn tính mạng của người khác thì không sao?”, hay “muốn chết cùng chết, đúng là bệnh hoạn”. Nhiều người ủng hộ tiêm chủng nhưng không đồng ý hạn chế đi lại của người chưa tiêm.

Có cư dân mạng biện minh rằng sức khỏe của ai người đó biết, người không chích đều có lý do. Nhưng cũng có người không thích tiêm chỉ vì muốn chọc bạn tức chơi. Có cư dân mạng hiến kế, giờ quy định ai không tiêm vaccine nếu lỡ dương tính với virus SARS-CoV-2 thì phải tự trả chi phí điều trị cho mình và người bị mình lây nhiễm.

Khi biến thể Delta xuất hiện, dịch bệnh phức tạp, người dân nước này than thở giờ hầu như không thể đăng ký tiêm qua mạng, phải tốn khá nhiều thời gian xếp hàng tiêm, nói chung giờ đăng ký tiêm khó khăn hơn hồi tháng 6 nhiều.

Cục Khống chế dự phòng bệnh tật quốc gia trực thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, trong cuộc họp báo về phòng chống dịch COVID-19 hồi cuối tháng 7, cho biết việc tiêm vaccine trên nguyên tắc thông tin rõ ràng, tán thành và tự nguyện.

Căn cứ Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc và yêu cầu liên kết quản lý dịch bệnh COVID-19, những người đủ tuổi không thuộc đối tượng hoãn tiêm thì nên hoàn thành tiêm chủng. Ủy ban này đã nhắc nhở những địa phương áp dụng biện pháp bắt buộc người dân tiêm vaccine. Thực tế, hồi tháng 4 Quốc vụ viện nước này từng yêu cầu chấn chỉnh tình trạng một số địa phương bắt buộc người dân tiêm vaccine.

Không chỉ hạn chế đi lại, phụ huynh chưa tiêm vaccine thì con em sẽ không được nhập học. Các thành phố Quế Bình, Quí Cảng, Bắc Lưu của tỉnh Quảng Tây ngày 12-7 đồng loạt thông báo: thành viên gia đình học sinh các cấp đủ điều kiện tiêm vaccine phải tiêm đủ trước khi nhập học, nếu chưa hoàn thành tiêm chủng sẽ tạm thời không nhập học.

TP Hoàng Sơn (tỉnh An Huy), sau khi triển khai tiêm vaccine cho đối tượng 12 - 17 tuổi từ ngày 13-7, đã thông báo tất cả học sinh trong độ tuổi trên khi nhập học phải có chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận hoãn tiêm chủng mới được làm thủ tục.

Theo Luật quản lý vaccine Trung Quốc, vaccine thuộc chương trình miễn dịch quốc gia bắt buộc phải tiêm chủng, nếu không tiêm sẽ tạm hoãn nhập học. Tuy nhiên, vaccine ngừa COVID-19 không phải là vaccine trong chương trình miễn dịch quốc gia.

Vẫn kiên trì vận động

Đến nay, dù nhiều nơi đưa ra biện pháp mạnh, nhìn chung các chính sách tiêm vaccine ở Trung Quốc vẫn là vận động là chính, với lực lượng chủ chốt là cán bộ, đảng viên. Như huyện Lễ (TP Long Nam, tỉnh Cam Túc) điều động 162 cán bộ trực thuộc huyện làm nòng cốt cho việc tiêm chủng: xuống địa phương rà soát, lập danh sách người đã tiêm và chưa tiêm, người hoãn tiêm.

Đối với trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa tiêm thì vận động liên tục. Một cán bộ khu phố ở Quảng Đông một ngày từng gọi đến 200 cuộc điện thoại để nhắc người dân đi tiêm. Đến 31-7, tỉnh Quảng Đông với 126 triệu dân có tỉ lệ tiêm chủng 1 liều chiếm 72,7% dân số, đủ 2 liều là 55,77%.

Thành phố Ninh Hương gửi thư kêu gọi toàn bộ đảng viên gương mẫu đi đầu tiêm chủng, vận động mọi người xung quanh tiêm và tích cực hỗ trợ công tác tiêm chủng. Thị trấn Bạch Tháp (tỉnh Quảng Đông) cử cán bộ khu phố xuống tận nhà làm “công tác tư tưởng”, đặt mục tiêu “những người ở nhà không sót một ai, những người ở ngoài không bỏ lại một ai”, quản lý và tuyên truyền tiêm chủng 1 kèm 1.

Sau khi bùng phát dịch với biến thể Delta ở Nam Kinh vào cuối tháng 7, đến ngày 1-8 thành phố này đã khôi phục việc tiêm vaccine phòng chống COVID-19, trong đó chỉ tiêm cho người đến hạn tiêm mũi thứ hai. Dừng tiêm cho người có mã sức khỏe màu vàng, màu đỏ, khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ cao.

Bên cạnh chính sách tiêm chủng cứng rắn, các địa phương nước này vẫn tiếp tục nhiều biện pháp khuyến khích tiêm chủng. Thành phố Lệ Thủy ở Hàn Châu có chương trình rút thăm trúng thưởng gồm 167 giải khi đi tiêm chủng, với giải nhất là 5.000 tệ (17,5 triệu đồng). 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận