Các tân cử nhân, kỹ sư Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) có thành tích xuất sắc trong học tập nhận giấy khen trong ngày tốt nghiệp - Ảnh: NHƯ HÙNG
Chính phủ vừa ban hành một loạt chính sách đặc thù có tính đột phá để thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ.
Ông Minh nói:
- Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định chính sách quốc gia về trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trong bối cảnh đất nước đang thực hiện việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy thì việc tuyển chọn được những sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập... chính là cơ hội để nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức.
Tìm người tài, không tìm người quen
* Được biết, chính sách đã được chuẩn bị suốt 5 năm qua và đã phải thay đổi không ít so với những phiên bản dự thảo ban đầu?
- Năm 2012, trong số 12 đề án được triển khai để thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 9 khóa X về tiếp tục thực hiện chiến lược cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Chính trị giao Bộ Nội vụ xây dựng đề án chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát 15 trường đại học trọng điểm, 18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến để hoàn thiện và trình đề án.
Tháng 1-2014, Bộ Chính trị đã xem xét thông qua tại kết luận số 86. Sau đó, khẩn trương xây dựng nghị quyết của Chính phủ để triển khai kết luận của Bộ Chính trị. 26/26 thành viên Chính phủ đồng ý thông qua năm 2014.
Tuy nhiên, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1-2015, Thủ tướng Chính phủ khi đó cho rằng qua thảo luận, phương án này còn nhiều ý kiến khác nhau vì chính sách này quá đột phá.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu cụ thể hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật và chỉ quy định những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, còn những vấn đề vượt thẩm quyền của Chính phủ thì đề nghị Đảng đoàn Quốc hội xem xét điều chỉnh, sửa đổi các luật liên quan.
* Những chính sách có tính đột phá nào chưa thể thực hiện do còn vướng luật hiện hành, thưa ông?
- Lúc đầu, Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ thực hiện dưới hình thức một đề án và cho phép thực hiện thí điểm vì những đột phá của cơ chế bị trái 5 luật: Luật công chức, Luật viên chức, Luật sĩ quan, Luật công an nhân dân và Luật nhà ở.
Trong nội dung thí điểm có nhiều nội dung đột phá, theo đúng tinh thần của kết luận 86 như sau tuyển dụng từ 1 đến 2 năm, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ thì được xem xét, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương ở cấp huyện trở lên hay chính sách về nhà ở công vụ, chế độ tiền lương...
Ngay cả việc tuyển dụng không qua thi tuyển cũng bàn luận rất nhiều mới đi đến quyết định cuối cùng.
Có ý kiến cho rằng nếu quyết làm sẽ trái luật vì Luật cán bộ, công chức chỉ cho tuyển dụng không qua thi với người tình nguyện làm việc vùng sâu, vùng xa trong 5 năm...
So với ban đầu, nghị định phải bỏ đi 5 chính sách thu hút, đãi ngộ: đó là bỏ quy định được quy hoạch sớm; bỏ quy định về nhà ở công vụ; bỏ quỹ đào tạo sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; bỏ việc cấp học bổng để phát hiện, nuôi dưỡng tài năng từ học sinh triển vọng từ cuối cấp THPT; bỏ một số chính sách đào tạo...
* Các chính sách đặt ra tại nghị định này liệu có sức hút đủ mạnh để thu hút người tài?
- Theo tôi, các chính sách đặt ra đã rất mạnh, nhất là chế độ tiền lương. Tính ra lương của những người đủ tiêu chuẩn tuyển dụng đều đã cao gấp đôi bình thường.
Sinh viên tốt nghiệp đại học được tuyển dụng hưởng mức lương và phụ cấp tăng thêm với hệ số là 2,34 x 2 = 4,68, cao hơn cả lương bậc 1 chuyên viên chính (hệ số 4,4).
Cũng như vậy, cán bộ khoa học trẻ có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I hưởng mức lương và phụ cấp cao hơn lương bậc 2 chuyên viên chính.
Cán bộ khoa học trẻ có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II cũng hưởng mức lương và phụ cấp tăng thêm gần tương đương lương bậc 1 chuyên viên cao cấp.
Trong khi đó, để thành một chuyên viên cao cấp, nếu tuần tự theo quy trình sẽ bình quân mất thời gian không dưới 20 năm.
Ngoài ra, đối tượng thu hút sau 3 năm công tác sẽ được xét bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính và tương đương không qua thi nâng ngạch.
Trong khi đó, nếu bình thường muốn thi chuyên viên chính thì phải 9 năm sau tuyển dụng.
Ngoài ra, chính sách còn dành một số chế độ ưu tiên về đào tạo, hay trong quy hoạch sẽ có định hướng để đặc cách đưa vào bổ nhiệm sớm, để những người có tài năng dù tuổi còn trẻ nhưng có thể giữ vị trí quan trọng.
Chúng ta phải nhất quán rằng đây không phải là chế độ ưu tiên, mà Nhà nước đang rất cần người tài thì nhất thiết phải có cơ chế thu hút, đãi ngộ, trọng dụng người tài năng một cách xứng đáng.
* Tuy nhiên như ông cũng biết, việc thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ cũng đã được nhiều địa phương thực hiện thời gian qua, nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn...
- Việc sử dụng cán bộ từ nguồn thu hút ở một số nơi thất bại chủ yếu vì những người được tuyển dụng đã không có cơ hội được phát huy hết năng lực của mình tại nơi làm việc. Chúng ta phải cố gắng tìm người tài, chứ không phải tìm người quen.
Tuyển người tài, nhưng lại giao việc thường thường thì làm sao phát huy được năng lực nổi trội? Thậm chí, có nơi còn mang nặng tâm lý "anh tài thì anh làm đi xem sao", rồi ngồi đó "soi" người vừa được tuyển dụng.
"Ngày đầu đường cày đâu thẳng ngay", lại bị soi xét như thế dẫn đến việc đánh giá không đúng. "Dụng nhân như dụng mộc", phải tính toán vị trí nào phù hợp với người có kiến thức, kinh nghiệm lĩnh vực gì, chứ không thể làm ào ào được.
Niềm vui của các tân thạc sĩ Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) trong ngày nhận bằng tốt nghiệp - Ảnh: NHƯ HÙNG
Không thu hút tràn lan
* Nhiều người băn khoăn vì sao đối tượng thu hút lại rất hẹp vì ngoài trình độ hiện có còn đòi hỏi cả thành tích bậc phổ thông, đại học? Dự kiến có bao nhiêu người được thụ hưởng chính sách này, thưa ông?
- Trong thiết kế đề án, tiêu chuẩn, điều kiện được đưa ra rất chặt chẽ nhằm hạn chế việc dùng chính sách để thu hút tràn lan, tránh tiêu cực trong tuyển dụng.
Nếu việc thực hiện tràn lan thì dễ nảy sinh chuyện "chạy" điểm, "chạy" thành tích để đạt danh hiệu sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, rồi đạt các bằng cấp như quy định. Nhưng các giải thưởng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế... thì không thể "chạy" được.
Ban đầu, mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2020 thu hút ít nhất 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước...
Tuy nhiên, do đến thời điểm này nghị định mới được ban hành, việc thực hiện chỉ còn gần 3 năm là đến năm 2020, nên chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu trên. Chúng tôi đã thống kê mỗi năm chỉ có khoảng 100 người đạt đầy đủ các tiêu chuẩn như yêu cầu.
Vì vậy, dự kiến nếu thực hiện tốt thì tính cả những người đủ tiêu chuẩn tích lũy từ các năm trước, đến năm 2020 sẽ thu hút được 500 người.
Đồ họa: V.CƯỜNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận