Đây là lần thứ ba các đại biểu Quốc hội khóa XV phải bàn luận cùng vấn đề: có nên cho doanh nghiệp được tự thỏa thuận để nhận chuyển nhượng đất không phải là đất ở, hoặc đang có đất không phải đất ở làm dự án nhà ở thương mại hay không.
Luật Đất đai năm 2003 và 2013 đều cho phép các tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp phù hợp quy hoạch.
Nhưng đầu năm 2015, Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực quy định buộc các tổ chức kinh tế phải có 100% đất ở mới được làm dự án nhà ở.
Quy định này làm cho các dự án nhà ở thương mại "đứng hình" hoàn toàn bởi một dự án chiếm vài ngàn m2 đất cũng phải được chủ đầu tư thương lượng mua từ nhiều chủ đất khác nhau; giữa các lô đất còn đường giao thông, đôi khi là kênh mương, đất trống... nên không tìm đâu ra 100% đất ở.
Thế là các tổ chức kinh tế, hiệp hội, địa phương liên tục kiến nghị, đề xuất sửa đổi quy định để doanh nghiệp "dễ thở" hơn khi tạo lập quỹ đất làm dự án nhà ở thương mại.
Năm 2022, Quốc hội quyết định sửa quy định trên của Luật Nhà ở 2014, cho phép các doanh nghiệp được chuyển mục đích từ đất khác thành đất ở để đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Nghị quyết 18 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng khẳng định việc tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Đầu năm 2024, Quốc hội thông qua Luật Đất đai và trở lại quan điểm cũ: doanh nghiệp chỉ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở để làm dự án nhà ở thương mại.
Chuyện doanh nghiệp được thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phải đất ở được Quốc hội khóa XV bàn luận lần thứ ba dưới dạng một nghị quyết thí điểm.
Nếu được gỡ, đó là giải phóng nguồn lực, các dự án thôi "đứng hình". Nhưng tại sao lại có lúc phải "đứng hình" rồi lại được vận hành trở lại?!
Chuyện "nay được, mai không, mốt lại được" không chỉ có trong lĩnh vực đất đai. Chuyện làm BOT trên các tuyến đường hiện hữu, việc đầu tư xây dựng theo phương thức BT cũng từng có những quyết sách "nay được, mai không" khiến doanh nghiệp và các địa phương thực hiện rất vất vả.
Mới đây lại có đề xuất đưa trở lại luật để giải quyết nhu cầu, nâng cấp các tuyến đường trục chính, cửa ngõ ở địa phương mà ngân sách không đáp ứng được. Mất vài năm chờ được cho làm trở lại, rõ ràng đó là một sự lãng phí.
Chính sách đóng vai trò to lớn trong việc khơi thông, huy động các nguồn lực trong xã hội để phát triển. Nếu chính sách có tuổi thọ ngắn không chỉ gây lãng phí thời gian mà còn làm lãng phí nguồn lực, đánh mất cơ hội phát triển.
Những giá trị mất đi từ lãng phí chính sách này rất lớn, chưa ai đong đếm được nhưng hậu quả hiện hữu cho nền kinh tế thì ai cũng thấy rõ, đó là "đóng băng" nguồn lực, trong khi đất nước đang cần khai thác mọi nguồn lực để bước vào kỷ nguyên mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận