Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển", Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga chia sẻ đối tượng khách chính mà tập đoàn hướng đến là những du khách hạng sang, có mức chi trả từ 200 - 300 USD/ngày (cao gấp 2-3 lần so với mức trung bình của khách quốc tế) và thường ở 3-4 ngày.
Khách sang đem về hàng tỉ USD
"Chúng tôi có thế mạnh là kết hợp du lịch khách sạn với golf. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều khách du lịch đến Việt Nam để chơi golf như hiện nay, Việt Nam cũng được thế giới công nhận là điểm du lịch chơi golf tốt nhất. Nhưng chúng ta đang thiếu chính sách du lịch hỗ trợ cho loại hình sản phẩm này", bà Nga nêu ý kiến.
Cũng xem khai thác bộ môn gofl như là sản phẩm du lịch cao cấp, ông Vũ Thế Bình, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết năm 2019, trong 5 triệu khách Hàn Quốc sang Việt Nam thì có đến 1 triệu khách đi đánh golf.
Để cạnh tranh với các nước trong khu vực, Nhà nước nên xem xét miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt 20% so với hiện nay cho những người chơi golf là du khách quốc tế để thu hút thêm nhiều đối tượng khách hạng sang này tới Việt Nam.
Ông Đặng Minh Trường - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group - cũng nhấn mạnh tiềm năng của khách sang.
Nhóm khách này có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, thậm chí là 15 ngày, chi tiêu nhiều ngàn USD cho mỗi chuyến đi.
Trong khi đó, ở thị trường nội địa, khách Việt chủ yếu đi vào cuối tuần, với thời gian lưu trú từ 1 - 2 ngày, mức chi tiêu cũng không bằng.
Xu thế thay đổi nhưng du lịch Việt Nam chưa thay đổi
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho rằng để tăng lượng khách quốc tế, Việt Nam cần có chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng, tập trung mạnh hơn nữa xúc tiến và quảng bá du lịch, huy động các nguồn lực với sự tham gia các bộ, ngành.
Đặc biệt là Nhà nước tận dụng các dịp kỷ niệm năm chẵn trong quan hệ Việt Nam với nhiều nước trên thế giới, thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam.
Ngành hàng không và du lịch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, hàng không tạo kết nối giao thông giữa các quốc gia, vì vậy rất cần khách du lịch trên các chuyến bay.
Theo ông Nguyễn Châu Á, tổng giám đốc Oxalis, điểm yếu của du lịch Việt Nam hiện nay quá phụ thuộc vào thị trường châu Á, do đó chỉ phát triển du lịch được ở những điểm đến phù hợp với nhóm khách này, trong khi nguồn khách "Tây" còn rất thấp làm mất cân đối thị trường du lịch.
Tuy nhiên, bản thân nhóm khách Âu - Mỹ cũng đang thay đổi rất rõ. Nhóm du khách này muốn tự sắp xếp cho kỳ nghỉ của mình thay vì thông qua công ty du lịch như trước dịch.
Từ việc đặt vé máy bay, xin visa, đặt khách sạn và nhiều dịch vụ khác - với sự phát triển của công nghệ hiện nay có thể làm điều đó một cách dễ dàng.
Điều này cũng lý giải vì sao chính sách visa của Việt Nam được cho ngày càng thoáng hơn nhưng lại nhận nhiều than phiền hơn.
Mỗi năm Việt Nam đón hơn 5 triệu khách đến từ Trung Quốc nhưng không có khách nào than phiền về thủ tục visa. Khi nhiều khách quốc tế tự xin visa thì phát sinh rất nhiều khó khăn dẫn đến việc khách chọn đến nước khác để du lịch thay vì vào Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nhu cầu của khách du lịch liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về cả chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo...
Trong khi đó, xuất phát điểm về du lịch của Việt Nam thấp hơn nhiều nước. Ngành du lịch trong quá trình chuyển đổi, vươn lên nên mức độ chuyên nghiệp còn hạn chế, dẫn đến mức chi tiêu của du khách chưa cao.
Về 26 kiến nghị của các đại biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết sẽ được nghiên cứu, tiếp thu, cụ thể hóa vào nghị quyết sắp được Chính phủ ban hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận