TTCT - Sau nhiều năm thực hiện kế hoạch hóa gia đình, với khẩu hiệu “mỗi gia đình chỉ nên có từ 1-2 con”, quyết định 588/QĐ-TTg của Thủ tướng mở ra câu chuyện mới: khuyến khích các gia đình ở vùng có mức sinh thấp sinh đủ 2 con, các bạn trẻ lập gia đình trước tuổi 30. Dân số Việt Nam trên 96 triệu người, việc khuyến khích sinh thêm khi tỉ suất sinh vẫn ở mức trên 2 con/bà mẹ tác động đến chất lượng dân số, chất lượng lao động ra sao... Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, nói với TTCT: - Việt Nam đang đứng giữa hai lựa chọn, thực hiện hay không đều có điểm chưa hoàn hảo. Dân số Việt Nam đã đông, mật độ dân số cao, trên 300 người/km2 là mức cao trên thế giới, nhiều năm qua đã hạn chế sinh để mật độ này không cao hơn. Nhưng về lâu dài, nếu xu hướng giảm sinh ở Đông Nam Bộ (có TP.HCM) và Tây Nam Bộ tiếp tục lan rộng sẽ là vấn đề đáng quan ngại. Nếu xét về tình hình chung, đô thị hóa đang diễn ra nhanh, lối sống coi trọng tự do cá nhân, sự nghiệp sẽ vẫn kéo mức sinh xuống, việc đưa mức sinh lên lại là rất khó khăn và về dài hạn sẽ tác động đến số lượng nhân lực, làm tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh hơn. Những năm qua Việt Nam đã có chính sách điều chỉnh để cải thiện mức sinh, ông thấy những chính sách đó có hiệu quả hay không? - Trước đây gần như 100% phương tiện tránh thai được cấp phát miễn phí, khoảng năm 2012 đã có chính sách giảm cung cấp miễn phí phương tiện tránh thai và sau này chỉ người nghèo, người sống ở vùng dân tộc thiểu số, người sống ở vùng có mức sinh cao mới được cung cấp miễn phí. Như vậy là người được cấp phương tiện tránh thai giảm phân nửa. Ông Nguyễn Văn Tân. Ảnh: N.Khánh Năm 2013 đã có quy định giảm mức kỷ luật đối với đảng viên sinh từ con thứ 3. Trước đây đảng viên sinh con thứ 3 bị cảnh cáo, sinh con thứ 4 bị khai trừ, thì từ sau năm 2013 sinh con thứ 3 chỉ bị khiển trách, sinh con thứ 4 bị cảnh cáo. Đây là hai chính sách rõ ràng nhất có tác động nhất định giúp duy trì mức sinh thay thế, còn nếu làm gắt như trước thì không đạt đâu. Trong khi đó ở những vùng có mức sinh thấp thì dù có khuyến khích tỉ suất sinh vẫn giảm như Đông Nam Bộ, ĐBSCL. Quyết định 588 của Thủ tướng có một số điểm mới, hỗ trợ các gia đình ở vùng có mức sinh thấp mua nhà ở xã hội, tiền học phí, khuyến khích kết hôn trước tuổi 30... Theo ông, những quy định này có giúp duy trì thời kỳ dân số vàng, tức số người lao động cao hơn số người phụ thuộc hay không? - Cơ cấu dân số vàng sẽ kết thúc vào giai đoạn 2037 - 2041 chứ không thể kéo dài mãi. Duy trì mức sinh thay thế không giúp kéo dài cơ cấu dân số vàng, nhưng sẽ giúp tác động để già hóa dân số chậm lại, duy trì số lượng nhân lực đến 2060 - 2070. Nếu tiếp tục tăng sinh thì sẽ vấp phải vấn đề mật độ dân số tăng cao, nghĩa là mức sinh tăng lên ở nước ta có cả ưu và nhược điểm. Vì thế Chính phủ lựa chọn phương án phù hợp, tăng sinh ở những vùng có mức sinh thấp chứ không đợi sau này khi mức sinh đã xuống rất thấp rồi mới can thiệp, “nước đến chân mới nhảy”. Một vấn đề được quan tâm nhiều là chất lượng dân số. Có phải những năm qua chúng ta chú trọng nhiều đến giảm sinh mà chưa chú ý cải thiện chất lượng dân số, chất lượng lao động? - Về chất lượng dân số tôi thấy có những can thiệp và đã có cải thiện, nhưng chưa được như mong muốn. Cụ thể về chỉ số phát triển con người thì có tăng nhưng năm 2019 ở mức 116/189 quốc gia có xếp hạng, vẫn ở mức trung bình. Tới đây các biện pháp tập trung phải hướng đến cải thiện thêm về thể lực và chất lượng giáo dục, đặc biệt về chất lượng đào tạo bậc đại học, cao đẳng và dạy nghề, đó là những bậc đào tạo tác động đến thị trường nhân lực. Mình quan tâm đến bậc học phổ thông, nhưng thực ra so với các nước tôi cho là mình kém xa về dạy nghề và giáo dục bậc cao. Đã có những vấn đề mới nảy sinh trong vấn đề dân số, như vấn đề mẹ đơn thân, con sinh ra trong các gia đình cha mẹ đồng tính... Chính sách nên có những hỗ trợ nhất định đối với các gia đình này? - Về mặt pháp lý hiện có gì phân biệt con sinh ra ở gia đình nào đâu và pháp luật cũng thừa nhận. Có vấn đề gì đó là do những chuyển biến chưa đầy đủ ở mặt nhận thức xã hội. Nhưng theo tôi, không ngăn cản nhưng cũng không nên khuyến khích cách làm trên. Do nam nữ chưa bình đẳng một cách đầy đủ nên có những phụ nữ muốn sinh con nhưng không lập gia đình, đây là lựa chọn và quyền của cá nhân. Tuy nhiên nếu gia đình đầy đủ cha mẹ thì sự phát triển của trẻ vẫn tốt hơn. TP.HCM là một trong những nơi có mức sinh thấp nhất cả nước. Trong ảnh: Em bé được sinh ra tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Ảnh: DUYÊN PHAN Trong những năm qua, theo ông, đâu là lý do khiến tỉ lệ sinh ở các thành phố lớn như TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ khác lại giảm mạnh? Những chính sách hỗ trợ trong quyết định 588 của Thủ tướng liệu có cải thiện vấn đề này? - Một trong những vấn đề tác động đến mức sinh ở vùng này là chi phí nuôi dạy con cao, từ tiền bạc, thời gian, sức lực... Muốn nâng mức sinh phải có giải pháp, trong đó thiết thực nhất là giảm áp lực chi phí cho các gia đình, như hỗ trợ để các gia đình có thể gửi con ở trường học có chất lượng mà chi phí chịu đựng được, có trường học phù hợp, học phí phải chăng... Vấn đề hiện nay là triển khai quyết định 588 của Thủ tướng ra sao. Cho đến nay chưa có đánh giá về tổng chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở Việt Nam, vì ngoài tiền bạc còn thời gian và tốn rất nhiều công sức. ■ Theo ông Nguyễn Doãn Tú, tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), mức sinh thấp dễ dẫn đến những hệ lụy. “Hàn Quốc có tổng tỉ suất sinh có 0,96 năm 2019, tức là bình quân một bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ sinh chưa đến 1 con. Nếu mức sinh này tiếp tục kéo dài và không có gì thay đổi đột biến, dân số Hàn Quốc từ 50 triệu hiện nay sẽ giảm còn 40 triệu vào năm 2050 và đến cuối thế kỷ này chỉ còn 18 triệu người. Việt Nam thực hiện các biện pháp khuyến sinh ở khu vực có mức sinh thấp tại thời điểm này đã là muộn” - ông Tú nói. Tags: Chính sách dân sốQuyết định 588Sinh đủ 2 conLập gia đình trước tuôi 30
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
TP.HCM nằm trong nhóm 5 thành phố lún nhanh nhất thế giới THANH HIỀN 22/11/2024 Nghiên cứu mới đây của tạp chí khoa học Nature Sustainability cho thấy TP.HCM nằm trong nhóm 5 thành phố bị lún nhanh nhất thế giới.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.