11/12/2013 07:17 GMT+7

Chính sách cho người học nghề phải tốt hơn!

HÀ BÌNH thực hiện
HÀ BÌNH thực hiện

TT - Trong hai ngày 9 và 10-12, Hội nghị Ủy ban tổ chức kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 (Việt Nam đăng cai) đã diễn ra tại TP.HCM. Bên lề hội nghị, trao đổi với Tuổi Trẻ về công tác đào tạo nghề hiện nay, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội NGUYỄN NGỌC PHI nói:

S0E18Kro.jpgPhóng to
Thí sinh tại một hội thi tay nghề giỏi - Ảnh: Hà Bình
4ZOArGyA.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi - Ảnh: Hà Bình
- Những năm qua kinh tế nước ta phát triển tốt. Nhưng đánh giá lại, chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động còn thấp. Đăng cai thi tay nghề ASEAN cũng là cơ hội để chúng ta hợp tác, trao đổi, phát triển trình độ tay nghề, cơ sở đào tạo nghề với các nước trong khu vực.

* Ông đánh giá thế nào về chất lượng tay nghề của lao động nước ta hiện nay?

- Thế giới đánh giá cao chúng ta đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”. Nhưng nếu chúng ta không có chủ trương, chính sách để thúc đẩy nguồn nhân lực có trình độ thì sẽ bỏ qua cơ hội lớn. Vì sao? Vì năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của chúng ta thấp và điều quan trọng là chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Các doanh nghiệp FDI “kêu lắm” vì lao động của chúng ta thiếu kỹ năng mềm. Đó là về văn hóa, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp... lao động ta chưa biết nhiều...

* Thưa ông, hiện nước ta đang thiếu lao động có tay nghề nhưng nhiều cơ sở đào tạo nghề phải đóng cửa vì không có người học?

- Trong thực tế đang có điều này. Nó phụ thuộc nhiều yếu tố. Thứ nhất, người dân chưa mặn mà với học nghề. Thứ hai, năng lực của nhiều cơ sở dạy nghề cũng chưa tốt, chưa đáp ứng nhu cầu của người học. Bên cạnh đó, chính sách dành cho dạy nghề cũng chưa tương thích với thực tiễn nên chưa phân luồng được học sinh đi học nghề. Đó là chưa kể quy định điểm sàn, nới điểm sàn, nguyện vọng 1, 2... chưa hấp dẫn người học nên con em chạy vào đại học cả thôi.

* Để thu hút học sinh theo học nghề, khó khăn nhất là gì, thưa ông?

- Cái khó là trong tư duy của bố mẹ vẫn chưa định hướng cho con học xong THCS, THPT sẽ theo học nghề mà phải vào đại học. Cho con đi học nghề thì khát vọng của gia đình chưa thỏa mãn. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm học nghề sẽ học ở đâu, việc làm như thế nào thì cơ sở dạy nghề chưa đủ năng lực để chuyển tải hết cho người học. Nói như thế, chính sách dạy nghề cho người dân của chúng ta cũng chưa phong phú, hiệu quả.

Một vấn đề nữa là hiện nay giáo dục chưa có nhiều chính sách định hướng cho người học theo kiểu năng lực đến đâu thì học nghề, đến đâu thì học hàn lâm... Những cơ chế đó đã có tổ chức nhưng chưa thành nề nếp nên người học không mặn mà với học nghề là vậy.

* Trước những khó khăn ấy, Bộ Lao động - thương binh và xã hội sẽ làm gì để phát triển nguồn nhân lực dạy nghề?

- Chính sách cho người học nghề phải tốt hơn. Cụ thể, người học xong THCS đi học nghề sẽ không mất tiền. Cơ sở dạy nghề phải gắn kết, tìm kiếm doanh nghiệp để hợp tác đào tạo, tuyển dụng. Có việc làm ngay, có thu nhập ngay người ta mới mặn mà. Cơ hội tiếp theo là đào tạo tại chức, liên thông, từ xa đồng bộ ở nhiều cấp. Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất hiện nay là đào tạo lao động phải vừa có kỹ năng cứng, kỹ năng mềm. Như vậy, cơ sở đào tạo nghề phải được chuyển đổi, không thể cứ đào tạo mà chất lượng thế nào không cần biết. Có như vậy chúng ta mới đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực nước nhà.

HÀ BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên