Nhiều doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ cho biết dù có chính sách ưu đãi vốn cho đầu tư sản xuất, nhưng việc tiếp cận vốn của DN cũng khó khăn.
Có những DN theo đuổi chính sách để mong được tiếp cận vốn, nhưng gặp khó khăn nên sau đó đành bỏ cuộc.
Trong khi đó, Bộ Công Thương vẫn đề xuất đưa vào dự thảo sửa đổi nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Lợi nhuận chỉ đủ trả lãi vay!
Từng nghe đến chính sách cấp bù lãi suất cho DN sản xuất công nghiệp, song ông Đoàn Võ Khang Duy, phó chủ tịch Hội DN cơ khí điện TP.HCM, cho hay đều không thể tiếp cận được từ các ngân hàng thương mại.
Là DN chế tạo máy cán tạo hình tôn, thép xuất khẩu nên cần nguồn vốn lớn cho sản xuất, nhưng mức lãi suất thấp nhất mà DN đang phải chi trả là 7%.
Dù là mức lãi suất "chấp nhận được" trong bối cảnh hiện nay, nhưng ông Duy cho rằng DN vẫn kỳ vọng lãi suất có thể giảm hơn.
Đặc biệt khi gần đây lãi vay USD cực kỳ cao, tương đương mức lãi vay trong nước là 7%, nên DN càng nặng gánh chi phí vốn.
Chưa kể, các thủ tục vay vốn cũng phức tạp, yêu cầu đáo hạn theo quy định, khiến DN thêm áp lực dòng tiền, có thời điểm phải đi vay nóng để đáp ứng yêu cầu của ngân hàng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trương Thị Chí Bình, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho hay lợi nhuận sản xuất của ngành công nghiệp ở mức rất thấp.
Cụ thể, biên độ lợi nhuận chỉ trên dưới 10%, nên mức lãi suất từ 7% trở lên trở nên "khó nhằn" với DN.
Trong khi đó, nhiều ngành sản xuất các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cực kỳ hỗ trợ và ưu đãi sản xuất từ đất đai, nguồn vốn, lãi suất vay thấp, thị trường... Theo bà Bình, mức lãi suất hiện nay thấp chủ yếu dành cho các khoản vay ngắn hạn hoặc vay tiêu dùng.
Đối với các khoản vay trung và dài hạn - vốn là các gói vay của các DN sản xuất - mức lãi suất vẫn còn cao. Điều này dẫn tới khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, DN Việt khó cạnh tranh về chi phí, trong đó có chi phí vay vốn so với các DN nước ngoài.
"Vì vậy, các chính sách hỗ trợ vốn, tài chính với DN công nghiệp hỗ trợ, trong đó có chính sách cấp bù lãi suất là cần thiết để giảm giá thành. DN mong muốn tiếp tục duy trì chính sách này", bà Bình kiến nghị.
Phải gỡ vướng các thủ tục, tài sản thế chấp
Ông Đặng Ngọc Quý, giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật công nghệ Nam Sơn, cho hay trước đây vay vốn ngân hàng với lãi suất khoảng 9%, còn hiện tại chi phí lãi vay thấp hơn với 5,8 - 6%.
Tuy nhiên, do đầu ra thị trường không đảm bảo, ngân hàng lại yêu cầu tài sản thế chấp, nên DN không mặn mà chuyện vay vốn. Do vậy, nếu có chính sách để vốn vay rẻ hơn nữa, giúp DN giảm giá thành, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm, DN mới dám vay để đầu tư sản xuất.
Trong góp ý mới đây về dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương xây dựng, nhiều bộ ngành cũng đề nghị cần cân nhắc, đánh giá lại chính sách này khi dự thảo đề xuất chính sách cấp bù lãi suất.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dù chính sách cấp bù lãi suất qua ngân hàng thương mại đã được triển khai nhưng phát sinh nhiều tồn tại, vướng mắc và không phải là giải pháp hiệu quả để hỗ trợ DN.
Dẫn chứng từ nhiều chương trình khác, cơ quan này cho hay dù ngân hàng thương mại đã bố trí khoảng 2.000 tỉ đồng để thực hiện các gói vay hỗ trợ nông nghiệp, giảm nghèo, nâng cấp đóng mới tàu... song chưa được ngân sách bố trí nguồn để hoàn trả.
Vì vậy, các ngân hàng thương mại phải tự dùng nguồn vốn của mình để hỗ trợ khách hàng, trong khi thủ tục điều kiện để ngân sách hoàn trả phức tạp, nên có tâm lý e ngại thực hiện các chương trình cấp bù lãi suất mới.
"Khách hàng vay vốn có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, nên dù có DN đáp ứng đủ điều kiện cũng từ chối tham gia, nên kết quả giải ngân thấp", đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Từ thực tế đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị bỏ nội dung hỗ trợ tín dụng theo hình thức cấp bù lãi suất thông qua ngân hàng thương mại khi sửa đổi chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bộ Tư pháp cũng cho rằng cần rà soát quy định về chính sách cấp bù lãi suất khi thực tế triển khai hiệu quả thấp, phát sinh khó khăn, vướng mắc.
Trong khi đó, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu các nội dung liên quan tới việc lập dự toán, thực hiện quyết toán, hỗ trợ lãi suất, báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện lãi suất và xử lý thu hồi số tiền đã hỗ trợ lãi suất; rà soát quy trình, thủ tục.
Chưa hiệu quả do khâu thủ tục?
Tại dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Công Thương cho rằng chính sách cấp bù lãi suất chưa đạt hiệu quả là do khâu thực thi chứ không phải do thiếu vốn bố trí.
Vì vậy, Bộ Công Thương đề xuất việc lập dự toán, thực hiện dự toán, quyết toán hỗ trợ cấp bù lãi suất, đánh giá tổng hợp việc thực hiện chính sách này đối với DN công nghiệp hỗ trợ, sẽ do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, theo đúng quy định của nghị định 31/2022 về hỗ trợ lãi suất với DN.
Cần hỗ trợ để nâng cao khả năng cạnh tranh
Theo Bộ Công Thương, việc xây dựng chính sách cấp bù lãi suất cho DN khi vay vốn đầu tư từ ngân hàng thương mại đã được nêu ra trong nghị quyết 115 của Chính phủ về giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Trên thực tế, nhiều quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc... lãi suất tín dụng ở mức thấp, nên giúp các DN giảm gánh nặng chi phí vốn đầu tư. Trong đó, các DN công nghiệp hỗ trợ chỉ vay vốn với lãi suất từ 1 - 3%, trong khi DN Việt Nam vay vốn với lãi suất 8 - 10%.
Đây cũng là ngành yêu cầu cao về trình độ công nghệ, thâm dụng vốn nên cần được tiếp cận vốn với chi phí thấp để đầu tư lâu dài.
Do đó, theo Bộ Công Thương, DN công nghiệp hỗ trợ cần được hỗ trợ về vốn, tín dụng dài hạn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tín dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận