Tổng thống đắc cử của Đảng Cộng hòa không chỉ chiến thắng ở phiếu phổ thông, mà còn thắng áp đảo ở phiếu đại cử tri. Khác với thời điểm 2016 và 2020, người Mỹ giờ đây đã bỏ phiếu với đầy đủ sự hiểu biết rằng cựu tổng thống 78 tuổi của họ là ai và ông ấy đại diện cho những gì.
Ngoài ra, lần đầu tiên tỉ lệ cử tri Mỹ da đen và gốc Latin ủng hộ ông Trump tăng so với 2 kỳ bầu cử trước đó. Một số khảo sát cho thấy tỉ lệ cử tri có thu nhập dưới 100.000 USD/năm có xu hướng ủng hộ tổng thống đắc cử 78 tuổi cao hơn.
Không chỉ vậy, giới phân tích dự đoán Đảng Cộng hòa của ông Trump sẽ giành được thế đa số tại Hạ viện Mỹ, từ đó nắm giữ thế đa số tại cả hai viện của Quốc hội Mỹ, theo Hãng tin Reuters.
Sức ảnh hưởng lan rộng
Những ngày vừa qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump đang 'bận rộn' định hình chính phủ mới, với sự góp mặt của những gương mặt trung thành.
Giới phân tích cho rằng thông qua mỗi lần bổ nhiệm, ông Trump muốn khẳng định cho thế giới thấy rằng chính quyền Trump 2.0 sẽ trở thành chính phủ cực hữu nhất từng điều hành nước Mỹ.
Theo giáo sư quản trị toàn cầu Waya Quiviger từ Đại học IE (Tây Ban Nha), chiến thắng của ông Trump sẽ tiếp thêm động lực và khuyến khích sự phát triển của các đảng cực hữu trên khắp châu Âu.
Đồng quan điểm, bà Waya Quiviger, nhà phân tích Javier Carbonell tại Trung tâm chính sách châu Âu, cho rằng: “Thắng lợi của ông Trump sẽ tác động đến phe cực hữu châu Âu".
Theo đó, một hiệu ứng bình thường hóa sẽ xuất hiện khiến cử tri châu Âu cảm thấy thoải mái hơn khi bỏ phiếu cho các đảng cực hữu, đồng thời vui khi lựa chọn những đảng này”.
Ngược lại, phe cực hữu châu Âu coi kết quả bầu cử Mỹ năm nay là một chiến thắng mà tác động của nó có thể lan tới lục địa già, theo Đài Euronews.
Các chính trị gia cánh hữu nổi bật ở châu Âu như Thủ tướng Hungary Viktor Orbán - người bạn kiêm đồng minh quan trọng của ông Trump - hay Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã dành những lời ca ngợi chiến thắng rực rỡ của tổng thống đắc cử của nước Mỹ.
Không chỉ vậy, nhiều đảng cực hữu ở châu Âu như Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), Đảng Tập hợp quốc gia (RN) của Pháp, Đảng Tự do (PVV) cực hữu ở Hà Lan hay Đảng Anh em Ý (FdI) đều coi ông Trump là người dẫn đầu trong các phong trào của họ.
Các đảng này muốn thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với ông Trump. Từ đó, họ sẽ được tiếp thêm động lực để lan tỏa và phổ biến các tư tưởng cực hữu tại lục địa già.
Sự trỗi dậy của phe cực hữu
Không chỉ Mỹ mà nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, cũng ghi nhận sự trỗi dậy của phe cực hữu trong những năm gần đây. Cụ thể, phe cực hữu đã và đang giành được chỗ đứng nhất định trong hệ thống chính trị châu Âu.
Dù không giành được đa số ghế sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) hồi tháng 6, nhưng giới quan sát đánh giá các đảng cực hữu, đặc biệt là Đảng RN theo đường lối cực hữu do bà Marine Le Pen lãnh đạo đã cực kỳ thành công trong cuộc bầu cử này, với tỉ lệ phiếu bầu lên tới 31,9% tại Pháp.
Ngoài ra, các đảng cựu hữu lớn như Đảng AfD (Đức), Đảng PVV (Hà Lan) hay Đảng FdI (Ý) đều giành được thắng lợi nhất định.
Ngay sau cuộc bầu cử EP, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố giải thể Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm vào tháng 7 sau màn thua đau trước Đảng RN.
Vào thời điểm đó, nước Pháp chứng kiến số lượng người ủng hộ Đảng RN gia tăng đáng kể và kết quả là đảng này đã giành chiến thắng tại vòng bầu cử đầu tiên ngày 1-7.
Dù không giành được đa số phiếu trong vòng bầu cử thứ hai nhưng Đảng cực hữu RN đã trở thành lực lượng chính trị lớn thứ ba tại Quốc hội Pháp.
Đến tháng 9, Đảng cực hữu AfD của Đức đã giành chiến thắng ở bang Thuringen, với tỉ lệ ủng hộ dao động 32,8% - 33,4% trong một cuộc bầu cử cấp bang.
Báo Politico bình luận chiến thắng của Đảng AfD "giáng đòn mạnh vào trung tâm chính trị của Đức, đặc biệt là đối với 3 đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz".
Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên một đảng cực hữu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp bang ở Đức kể từ Thế chiến 2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận