19/11/2013 06:02 GMT+7

Chính quyền nhân dân phải có đại diện của dân

LÊ KIÊN ghi
LÊ KIÊN ghi

TT - Không tiến hành thảo luận như lịch trình đã được Quốc hội quyết nghị trước đó, ngày 18-11 các đại biểu Quốc hội chỉ ở tại hội trường để nghe trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày vấn đề chính quyền địa phương.

SZGJPBEE.jpgPhóng to
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày vấn đề chính quyền địa phương tại hội trường sáng 18-11 - Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch Quốc hội, sau khi các vị đại biểu sửa trực tiếp vào dự thảo, ủy ban sẽ tiếp tục hoàn chỉnh một vòng nữa, tiếp thu những ý kiến xác đáng, hợp lý và Quốc hội sẽ thông qua vào ngày 28-11.

Trình bày trước Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói:

- Qua thảo luận thì thấy có một vấn đề còn ý kiến khác nhau mà Ủy ban dự thảo có phân công tôi trình bày trước Quốc hội, đó là quy định về chính quyền địa phương - một vấn đề rất hệ trọng.

Tổ chức đơn vị hành chính phản ánh đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội và truyền thống của dân tộc ta. Từ bom, sóc, phường, xã, thôn, bản, quận, huyện, tỉnh, TP của chúng ta hiện nay đã cơ bản ổn định và đang vận hành. Cho đến nay chúng ta có 63 tỉnh thành. Trong 63 tỉnh thành đó đã phân chia các đơn vị hành chính: quận, huyện, phường, xã. Bây giờ nếu xáo ra và để mở ra nữa thì sẽ thay đổi rất phức tạp. Tôi thấy đại đa số đại biểu Quốc hội đã thống nhất ở chỗ này, và chúng ta có thể nhất trí được là quy định về chính quyền địa phương thì giữ nguyên như trước. Có một điểm mới mà chúng tôi đã tiếp thu vào dự thảo ngay tại kỳ họp này, đó là quy định nếu muốn lập mới, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị hành chính thì phải lấy ý kiến của nhân dân trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội quyết định.

Về nguyên tắc tổ chức: ở trung ương có lập pháp, hành pháp, tư pháp thì ở cấp tỉnh cơ bản vẫn như trung ương. Vấn đề còn lại là cấp dưới của cấp tỉnh thì nghị quyết trung ương và tinh thần Quốc hội đã nhất trí cao là phải tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị và hải đảo. Chúng ta có 63 tỉnh thành thì có năm TP (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) và một số TP, thị xã thuộc tỉnh là đô thị. Để phù hợp với đặc điểm nông thôn, qua thảo luận đến nay thấy rằng định hướng tổ chức chính quyền nông thôn là ba cấp: tỉnh, huyện, xã. Và rõ ràng ba cấp này, đã là chính quyền nhân dân thì phải có hoàn chỉnh, đầy đủ HĐND và UBND, UBND do HĐND bầu. Tức là với 58 tỉnh còn lại thì chúng ta kế thừa hoàn toàn quy định của Hiến pháp năm 1992 về tổ chức chính quyền. Tôi đồ rằng có bàn đi bàn lại thì cũng vẫn như vậy, bởi đây là nguyên lý, đã là chính quyền nhân dân thì phải có đại diện của dân, do cử tri ở đó bầu ra.

Với chính quyền đô thị thì còn tranh luận, ý kiến còn khác nhau. Hiện nay đang có hai loại ý kiến: loại ý kiến thứ nhất là chính quyền đô thị chỉ có một cấp là TP, tức là chỉ cấp TP có HĐND và UBND, còn ở dưới (quận, phường) thì không hoàn chỉnh. Loại ý kiến thứ hai đề nghị chính quyền đô thị có hai cấp: cấp TP trực thuộc trung ương và cấp dưới là quận hoặc phường. Cho nên, xin với Quốc hội là lần này trong dự thảo chúng ta để mở. Như vậy sau này chính quyền đô thị sẽ là hai cấp hoặc một cấp. Hiện nay ý kiến đoàn TP Hà Nội đề nghị chính quyền dứt khoát là ba cấp. Ý kiến các đồng chí rất có lý, có tình: nguyên tắc là ở đâu có UBND thì ở đấy có HĐND, vì chính quyền nhân dân mà. Nhưng ý kiến đoàn TP.HCM lại đề nghị hai cấp.

Cho nên câu hỏi đặt ra cho Quốc hội là với năm TP lớn thì tổ chức thế nào? Với chính quyền ở đô thị, nếu sau này Quốc hội bàn thấy rằng chỉ cần tổ chức gọn nhẹ, chỉ cần một cấp thôi thì chúng ta tổ chức một cấp, đấy là có cả HĐND và UBND. Hiện nay một số đề án thí điểm cũng đề nghị là không có HĐND nữa thì chúng tôi cũng không đồng ý, vì thấy rằng vẫn phải có HĐND và UBND dù là chính quyền một cấp. Như vậy, trong tương lai chúng ta sẽ có thể có cả chính quyền địa phương một cấp, hai cấp hoặc ba cấp. Chúng ta khẳng định trong Hiến pháp: một là ở đâu có đơn vị hành chính thì ở đó có chính quyền; hai là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính đặc biệt do luật định.

“Vấn đề không phải là bỏ HĐND hay không...”

TS Trần Du Lịch - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - nói như vậy với phóng viên Tuổi Trẻ ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu về vấn đề chính quyền địa phương trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

* Thưa ông, với giải thích của Chủ tịch Quốc hội và quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thì TP.HCM sẽ gặp khó khăn gì trong việc nghiên cứu thí điểm mô hình chính quyền đô thị?

- Tôi nghĩ rằng nếu hiểu quy định tại khoản 1 điều 111 là nơi nào có tổ chức đơn vị hành chính nơi đó tổ chức chính quyền thì điều đó hoàn toàn không thể cho phép các TP tổ chức thành hai cấp được. Tôi nghĩ rằng điều 111 viết như vậy phải tạo một dư địa và phải được hiểu rằng có đơn vị hành chính được tổ chức thành cấp chính quyền đầy đủ, có đơn vị hành chính không tổ chức thành cấp chính quyền đầy đủ mà có thể tổ chức thành cơ quan hành chính thôi. Như vậy mới có dư địa để các đô thị tổ chức hai cấp chính quyền hoặc đặc khu tổ chức một cấp chính quyền.

Quan điểm của tôi vẫn cho rằng về chính quyền địa phương chúng ta nên tổ chức hai cấp đầy đủ. Ở những tỉnh miền núi, nông thôn địa bàn rộng thì chúng ta tổ chức các cơ quan hành chính đại diện cấp trên để thực hiện một số công vụ chứ không phải là một cấp chính quyền với tất cả các ban bệ như chúng ta đang có.

* Năm năm trước, Quốc hội đã ban hành nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và việc thí điểm được thực hiện trên diện khá rộng; với phát biểu của Chủ tịch Quốc hội thì có thể coi việc thí điểm đã thất bại. Vấn đề đặt ra là giải quyết hậu quả pháp lý của nó thế nào, có phải bầu lại HĐND ngay không?

- Tôi nghĩ rằng Quốc hội có quyết định thế nào thì cũng nên để tổ chức thí điểm đến hết nhiệm kỳ này và bầu lại vào năm 2016. Cá nhân tôi vẫn ủng hộ nghị quyết này và quan điểm của tôi là vấn đề không phải là bỏ hay không bỏ HĐND mà phải thay đổi chuyển từ một cấp chính quyền sang một cơ quan hành chính với chất lượng nội dung hoàn toàn khác. Nếu chúng ta chỉ bỏ HĐND mà để bộ máy như hiện nay thì không giải quyết được vấn đề gì. Ví dụ, đề án tổ chức chính quyền đô thị ở TP.HCM như chúng tôi đề xuất là tổ chức lại ở cấp quận, cấp phường là tổ chức các đơn vị hành chính của cấp trên đại diện ở đó để làm một số việc chứ không phải đó là một cấp chính quyền.

LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên