Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân - bí thư Thành ủy TP.HCM - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Thành ủy TP.HCM, nêu nội dung này khi phát biểu trước Quốc hội sáng 27-10 về nguyên nhân và giải pháp cải thiện năng suất lao động của Việt Nam.
Ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích, năng suất lao động thấp đang là một thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam đạt 4.019 USD, trong khi Thái Lan đạt 11.635 USD, gấp 3 lần Việt Nam. Các nước như Malaysia gấp 5 lần, Hàn Quốc gấp 14 lần, Nhật Bản gấp 18 lần, Singapore gấp 25 lần Việt Nam.
Theo ông, bức xúc về năng suất lao động thấp để tìm cách khắc phục là đúng đắn, nhưng bức xúc mà chưa đầy đủ cơ sở sẽ làm bức xúc xã hội thêm, có thể bị thế lực thù địch lợi dụng phát biểu gây bất lợi cho chế độ.
Đó là việc dù năng suất lao động còn thấp, nhưng thực tế Việt Nam đã có tiến bộ rất đáng kể về năng suất lao động so với các nước xung quanh. Năm 1975, năng suất lao động của Việt Nam thua Thái Lan 5 lần, tới nay còn 3 lần. Cùng thời gian đó, Việt Nam thấp hơn Nhật Bản từ 50 lần xuống còn 18 lần.
"Câu hỏi đặt ra là chúng ta có tăng nhanh hơn không? Có thể. Nhưng không thể nhanh tới mức không phù hợp với điều kiện của nền kinh tế và quy luật kinh tế", ông Nhân nói và trình bày một số giải pháp để giải bài toán năng suất lao động ở Việt Nam.
Giải pháp trước hết, theo ông, là phải nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, trong đó có một tương quan quan trọng là năng suất lao động của các quốc gia tỉ lệ thuận trực tiếp với vốn xã hội trên lao động. Đầu tư xã hội trên 1 lao động bao nhiêu thì năng suất lao động tương thích là bấy nhiêu.
Năm 2017 Việt Nam đầu tư cho một lao động là 1.384 USD, so với Thái thì đầu tư của họ gấp hai lần Việt Nam và năng suất lao động gấp gần 3 lần. Hàn Quốc đầu tư theo đầu người gấp 12 lần của Việt Nam và năng suất gấp 14 lần. Từ đây đặt vấn đề muốn tăng năng suất lao động phải tăng đầu tư.
Tiếp theo là phải xác định mô hình sản xuất phù hợp. Ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích, Việt Nam đã chuyển sang kinh tế thị trường, nhưng trong nông nghiệp hộ sản xuất cá thể vẫn là chủ yếu, điều đó không cho phép năng suất kinh tế cao mà phải chuyển qua mô hình hợp tác xã.
Ông Nhân cũng cho rằng phải đồng bộ 3 khâu sản xuất là thiết kế tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Ông dẫn chứng trong nông nghiệp, năng suất cà phê Việt Nam cao nhất nhì thế giới nhưng thu nhập không cao. Bài học ở đây là sản xuất công nghiệp nếu chỉ dựa vào khâu sản xuất mà không chú trọng khâu thiết kế và tiêu thụ thì không thể có hiệu quả kinh tế cao được.
Bên cạnh các giải pháp xây dựng thị trường tín dụng đủ mạnh, kích cầu trong nước, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đặc biệt nhấn mạnh đến đầu tư cho nghiên cứu khoa học một cách xứng đáng và nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước.
Ông chỉ ra rằng Việt Nam đang chi cho khoa học công nghệ thấp hơn so với các nước rất nhiều. Năm 2012 Việt Nam đầu tư khoảng 3 USD/người, thua Thái Lan 7 lần, Malaysia 29 lần, Singapore 43 lần.
Về việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, công khai minh bạch nghe dân vì dân, ông Nhân nói: "Thống kê cho thấy không cần tăng đầu tư nhưng nếu chính quyền làm minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp quyết định đầu tư nhanh hơn, hiệu quả hơn và GDP có thể tăng thêm 0,5-1,5%".
Người sản xuất giỏi chưa chắc đã là người kinh doanh giỏi
Ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích năng suất lao động có hai loại thước đo là năng suất lao động kỹ thuật và năng suất lao động kinh tế. Năng suất lao động kỹ thuật đo bằng giá trị hiện vật, bằng sản phẩm do một người lao động tạo ra được trong 1 giờ, như số áo người công nhân may được trong 1 giờ, số mét vuông xây dựng trong 1 giờ…
Năng suất lao động kỹ thuật phụ thuộc vào trình độ công nghệ, năng suất của thiết bị máy móc được ứng dụng, phụ thuộc vào chất lượng vật tư, trình độ lao động, phương pháp trả lương, chất lượng quản lý… Trong đó quyết định là trình độ công nghệ của thiết bị và khả năng sử dụng thiết bị của người lao động.
Ông lấy ví dụ trong ngành dệt nếu dệt bằng thoi gỗ năng suất thấp. Một kỹ sư dệt mà dệt bằng khung gỗ thì năng suất vẫn thấp, còn một công nhân mà dệt bằng máy khí nén thì năng suất vẫn cao. Như nhà máy Samsung chỉ tuyển công nhân tốt nghiệp cấp III, sau 4-5 tháng huấn luyện thì họ sử dụng rất tốt các loại máy móc, vẫn cho năng suất cao. Do vậy, trình độ công nghệ thiết bị hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, yếu tố năng suất lao động kỹ thuật cao không tự nó đảm bảo năng suất lao động kinh tế cao. Câu chuyện về ngành cà phê năng suất cao nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao được ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng cho điều này. Theo ông, trong nông nghiệp, hộ nông dân cá thể có thể là người sản xuất giỏi nhưng thường không thể là người kinh doanh giỏi, nên mô hình phù hợp phải là hợp tác xã.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận