30/09/2015 14:24 GMT+7

Chính quyền là công ty để bị ràng buộc phục vụ tốt hơn

PHẠM DUY NGHĨA
PHẠM DUY NGHĨA

TTO - "Xã hội đã cởi mở và thay đổi nhanh chóng, người dân hiểu và từng bước đòi thêm quyền của mình, ước ao tìm cách buộc chính quyền phải phục vụ mình".

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: “P. Nguyễn Thái Bình (Q.1) bố trí nơi tiếp công dân như lễ tân của công ty, cá nhân tôi và nhiều người dân rất hài lòng” - Ảnh: T.T.D.

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - trưởng khoa luật ĐH Kinh tế TP.HCM nói như vậy với Tuổi Trẻ khi bàn về việc “Nâng cao năng lực quản lý của bộ máy chính quyền TP.HCM”.

Khi đặt vấn đề , nội dung này lập tức gây ra nhiều tranh luận trái chiều.

Những tranh luận này là hiển nhiên. Bởi  vì, dân ta quen chính quyền là uy nghiêm, là cai trị, cai quản, là phụ mẫu, chăm lo, chăm sóc nhân dân như bề trên đối với kẻ dưới.

Ngày xưa các cụ quen “lạy quan lớn”. Ngày nay tuy không còn quan lớn nữa, chỉ còn công bộc phục vụ nhân dân, song chúng ta vẫn thường xuyên báo cáo, xin chỉ đạo, nhờ ơn chỉ dẫn từ trên xuống để biết cách làm. Cái bóng của ngày xưa vẫn trùm lên mỗi ứng xử trong chúng ta.

Chỉ có điều thời đại đang thay đổi. Cứ 9 người dân Việt Nam thì có tới 4 người biết dùng điện thoại thông minh, dùng Internet, kết nối với đủ loại mạng xã hội để tìm loại tin tức mà mình ưa thích.

Xã hội đã cởi mở và thay đổi nhanh chóng, người dân hiểu và từng bước đòi thêm quyền của mình. Thần dân đang trở thành công dân, ước ao tìm cách buộc chính quyền phải phục vụ mình. Đó là một sức ép xã hội có thực và ngày càng lớn mạnh.

Dưới sức ép đó, chính quyền cũng đang thay đổi thật nhanh, học thị trường thật nhanh để tổ chức nền hành chính gọn hơn, hiệu quả hơn, với nguồn lực có hạn phục vụ người dân của mình được tốt hơn.

ISO, một cửa liên thông, khoán chi hành chính, đánh giá cán bộ dựa trên sự hài lòng của người dân, tuy chưa phải ở đâu cải cách hành chính cũng được làm tốt, song xã hội thay đổi quá nhanh đang thực sự ép chính quyền phải thay đổi cho phù hợp.

Nếu công ty non trẻ Facebook vừa mới thành lập dạo nào nay đã có thể phục vụ hàng tỷ khách hàng, tại sao một chính quyền thành phố không thể học được các công ty để tổ chức nền hành chính của mình phục vụ các yêu cầu của người dân một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Học các công ty để lắng nghe và phục vụ khách hàng, nếu chính quyền làm được như thế thì tốt quá. Hiển nhiên, phải có sức ép, phải có cạnh tranh, phải có cổ đông, phải có những người quản trị chịu trách nhiệm trước cổ đông và phải có trách nhiệm giải trình.

Đạt được mơ ước ấy, người dân phải có quyền làm chủ, phải có quyền tham gia và có tiếng nói trong quản trị chính quyền địa phương, chính quyền thành phố.

Hơn nữa, không chỉ chính quyền, các công ty cũng tham gia làm những việc của dân, do dân và vì dân. Nếu đất nước này bị các công ty nước ngoài thao túng, chúng ta trở thành đầy tớ ngay trên ngôi nhà của chính mình.

Không chỉ vì lợi nhuận, công ty của người Việt Nam tạo ra việc làm và của cải cho người thợ và cổ đông Việt Nam, làm cho cuộc sống của người dân thêm thoải mái tự do. Công ty cũng phải có trách nhiệm và sứ mạng trước xã hội. Dân ta xưa coi thường thương mại, xem thường người buôn, coi công ty chỉ là vì tiền, cũng bởi thế mà dân ta lạc hậu, dân ta nghèo.

Hiển nhiên, mọi sự so sánh chỉ là tương đối. Ở nước ta chỉ có cơ quan chính quyền mới có dấu quốc huy, công quyền là quyền lực công cộng, và chỉ có công quyền mới được phép làm những việc nhân danh quyền lực công cộng. Ở khía cạnh đó, chính quyền khác hẳn với các công ty.

Tạo ra luật lệ, thiết lập trật tự công, tất cả chức năng ấy duy nhất thuộc về chính quyền. Song chỉ xin lưu ý, không chỉ để ràng buộc người dân, luật lệ làm ra cũng phải ràng buộc chính quyền.

Chí ít trong cung cấp các dịch vụ công, chính quyền cần bị ràng buộc phải phục vụ người dân tựa như các công ty phục vụ khách hàng của mình.

PHẠM DUY NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên