Người dân Hong Kong tụ tập nghe cuộc đối thoại với chính quyền chiều tối 21-10 - Ảnh: Reuters |
Chính quyền Hong Kong cho thấy dấu hiệu nhượng bộ người biểu tình khi đồng ý tổ chức nhiều cuộc gặp hơn nữa với lãnh đạo phong trào “Chiếm trung tâm" và ám chỉ khả năng sẽ có một cuộc bầu cử “dân chủ hơn”.
Dù vậy, vẫn chưa cho thấy bước đột phá sau cuộc gặp kéo dài hai giờ giữa chính quyền và đại diện phong trào biểu tình vào chiều tối 21-10. Các yêu cầu của người biểu tình về cơ bản vẫn chưa được đáp ứng.
“Cuộc đối thoại hôm nay hi vọng sẽ là cuộc đối thoại đầu tiên trong các vòng đàm phán tiếp theo” - chánh văn phòng đặc khu Hong Kong Carrie Lam nói trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc gặp với lãnh đạo phong trào biểu tình.
Bà Lam gọi đây là một cuộc đối thoại “mang tính xây dựng”. Dù vậy, bà khẳng định chính quyền Hong Kong kiên quyết giữ vững lập trường bầu lãnh đạo trong danh sách các ứng cử viên do Bắc Kinh lựa chọn.
“Nếu sinh viên không chấp nhận điều đó, tôi e rằng chúng ta sẽ tiếp tục có những quan điểm bất đồng” - bà Lam nói.
Dù vậy, bà Lam cho biết sẽ phản ảnh các quan điểm của người dân đến chính quyền Bắc Kinh.
Cuộc đối thoại lịch sử
Nan giải giàu - nghèo Khoảng cách giàu nghèo là một trong những vấn đề nan giải ở đặc khu Hong Kong. Cộng đồng người giàu tuy rất nhỏ nhưng lại nắm trong tay số mệnh của nền kinh tế Hong Kong. Số liệu công bố hồi tháng 9-2013 cho thấy hiện có khoảng 20% người dân Hong Kong (khoảng 1,31 triệu người) được xếp vào hàng những người nghèo tại đặc khu này. Hàng chục ngàn hộ gia đình thu nhập thấp và những người dân di cư phải sống chen chúc trong các căn hộ chật hẹp bởi họ không có đủ tiền thuê những căn hộ chọc trời ở các khu cao cấp tại Hong Kong. |
Cuộc đối thoại giữa chính quyền Hong Kong và lãnh đạo biểu tình diễn ra tại Học viện Y học lúc 18g (tức 17g, giờ VN), được truyền hình trực tiếp trên các phương tiện truyền thông Hong Kong.
Tại khu trung tâm mua sắm Mong Kok, người biểu tình dựng ba màn hình và máy chiếu lớn để theo dõi tường thuật trực tiếp cuộc đối thoại.
Hàng ngàn người biểu tình chăm chú theo dõi lời phát biểu của các lãnh đạo Liên đoàn Sinh viên Hong Kong (HKFS).
Năm lãnh đạo phong trào biểu tình (bao gồm Yvonne Leung, Eason Chung, Nathan Law, Alex Chow và Lester Shum) mặc áo thun đen ngồi đối diện với năm đại diện chính quyền Hong Kong do bà Carrie Lam dẫn đầu. Ðặc khu trưởng Lương Chấn Anh không có mặt trong cuộc đối thoại này.
Sẽ dân chủ hơn
Vài giờ trước khi diễn ra cuộc đối thoại, đặc khu trưởng Hong Kong Lương Chấn Anh khẳng định sẽ thiết lập một hội đồng bầu cử “dân chủ hơn”. “Có khả năng ủy ban đề cử (các ứng cử viên đặc khu trưởng) sẽ trở nên dân chủ hơn” - ông Lương nói với nhóm nhỏ các nhà báo.
Ðây được xem là một tín hiệu nhượng bộ của chính quyền Hong Kong. Tuy nhiên, theo Reuters, các bước thực hiện việc bầu cử “dân chủ hơn” chỉ có thể bắt đầu từ cuối năm nay, khi chính quyền đặc khu công bố phạm vi mới trong việc tham vấn cách thức bầu cử.
Ðặc khu trưởng Hong Kong ám chỉ Bắc Kinh đang dần mất kiên nhẫn với cuộc biểu tình tại Hong Kong. “Cho đến bây giờ, Bắc Kinh vẫn để chính quyền Hong Kong tự giải quyết vấn đề, vì vậy tôi nghĩ chúng ta nên cố hết sức. Bản thân tôi, chính quyền và người dân Hong Kong nên cố hết sức để giữ trạng thái đó” - New York Times dẫn lời ông Lương.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với truyền thông nước ngoài hôm 20-10, ông Lương khẳng định không thể có phổ thông đầu phiếu. Bởi theo ông, nếu các ứng cử viên đặc khu trưởng Hong Kong được người dân Hong Kong bầu chọn thì thành phần đông đảo nhất của xã hội Hong Kong - những người nghèo - sẽ giữ vai trò chủ đạo trong quá trình bầu cử.
“Nếu đây hoàn toàn là trò chơi với các con số và là màn trình diễn các con số (số lượng người dân) thì rõ ràng bạn đang nói chuyện với một nửa dân số Hong Kong, những người kiếm được ít hơn 1.800 USD/tháng” - ông Lương nói trong cuộc phỏng vấn với truyền thông quốc tế.
Phát biểu của ông Lương vấp phải sự chỉ trích của những người biểu tình và cả những nhà lập pháp ủng hộ dân chủ.
“Ðiều đó cho thấy sự mất lòng tin của chính quyền vào người dân... và điều này cũng cho thấy sự thiên vị đối với người giàu và người nghèo của hệ thống chính trị hiện thời - nhà lập pháp ủng hộ dân chủ Fernando Cheung nói - Làm thế nào mà người nghèo Hong Kong tuân theo pháp luật và tin vào pháp trị khi họ không có hi vọng được trao quyền về kinh tế và chính trị”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận